Doanh nghiệp Kiến Xương: Kết nối sức mạnh, vươn cao vị thế

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG 18/12/2023 15:15

Dưới “mái nhà chung” của Hội Doanh nghiệp huyện Kiến Xương, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã không ngừng lớn mạnh, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển KT-XH của tỉnh Thái Bình.

>>> Doanh nghiệp Thái Bình tận dụng các FTA để phát triển và hội nhập

Biến “nguy” thành “cơ”

Năm 2023 tiếp tục đánh dấu một chặng đường đầy khó khăn đối với sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do tình hình thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát, khủng hoảng năng lượng, xung đột vũ trang; giá cả nguyên vật liệu, cước phí vận tải, lãi suất ngân hàng tăng cao... làm các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, người lao động thiếu việc làm, tồn kho hàng hóa không tiêu thụ được.

Bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Kiến Xương trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Kiến Xương trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp

Theo bà Nguyễn Thị Liên, Phó Giám đốc công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp thương mại Thắng Liên, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Kiến Xương (Thái Bình), cộng đồng doanh nhân vừa trải qua khoảng thời gian với nhiều khó khăn và thách thức. Hơn ba năm dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến mọi hoạt động của nền kinh tế. Khủng hoảng từ phía cung đến phía cầu, từ thị trường tài chính đến nền kinh tế thực, từ sản xuất đến tiêu dùng, từ công nghiệp đến dịch vụ, từ nội thương đến ngoại thương… đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh, một số doanh nghiệp giải thể.

Tuy nhiên, trước những biến cố ấy, giới doanh nhân nói chung, các doanh nhân huyện Kiến Xương nói riêng đã phát huy và tỏa sáng khí chất, truyền thống “tâm - tài - trí - tín” của doanh nhân Việt Nam, biến “nguy” thành “cơ” để đưa doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, phát triển ổn định và có những đóng góp cho xã hội, cho đất nước, cho cộng đồng.

Điều này được thể hiện qua những con số “biết nói”. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất huyện Kiến Xương ước đạt 13.775,2 tỷ đồng, tăng 3,64% so với cùng kỳ. Trong đó, nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, đạt 3.131,5 tỷ đồng, tăng 2,30%; công nghiệp - xây dựng cơ bản đạt 7.543,5 tỷ đồng, tăng 3,21%; thương mại - dịch vụ, đạt 3.100,2 tỷ đồng, tăng 6,10%. Thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện vượt chỉ tiêu giao, đạt 1.798,2 tỷ đồng, bằng 124% so với dự toán huyện giao.

Đồng thời, theo bà Liên, việc cộng đồng doanh nghiệp huyện luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh đã tạo nên sức mạnh tổng hợp cho các doanh nghiệp hội viên phát triển, ngày càng nâng tầm uy tín, thương hiệu trên thị trường. Ngoài làm kinh tế, các doanh nghiệp hội viên luôn quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, an sinh xã hội. Hội Doanh nghiệp huyện Kiến Xương luôn có khoản quỹ hỗ trợ 300 triệu đồng, sẵn sàng giúp đỡ doanh nghiệp hội viên khi cần thiết.

Có thể nói, vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với chính quyền, các doanh nghiệp Kiến Xương đã và đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong việc xây dựng và phát triển huyện Kiến Xương nói riêng, đất nước nói chung.

>>> Huyện Kiến Xương (Thái Bình) hướng đến phát triển toàn diện

>>> Thái Bình: Doanh nhân huyện Kiến Xương phát huy nội lực, đoàn kết, sáng tạo

Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh

Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp huyện Kiến Xương đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn, nỗ lực vươn lên, mạnh dạn khai thác các tiềm năng lợi thế của từng lĩnh vực để ổn định sản xuất kinh doanh, chú trọng đầu tư phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao trình độ quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh.

Ông Phan Minh Cường, Giám đốc công ty TNHH sản xuất và kinh doanh lương thực Minh Cường vận hành thiết bị xay xát gạo hiện đại

Ông Phan Minh Cường, Giám đốc công ty TNHH sản xuất và kinh doanh lương thực Minh Cường vận hành thiết bị xay xát gạo hiện đại

Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh lương thực Minh Cường, xã Nam Bình, huyện Kiến Xương là doanh nghiệp tiên phong trên địa bàn huyện về ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất gạo sạch.

Ông Phan Minh Cường, Giám đốc công ty cho biết, thực trạng sản xuất lúa, gạo trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện nay vẫn còn manh mún, lạc hậu, ảnh hưởng đến chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ. Do đó, việc hình thành những cánh đồng mẫu lớn sẽ là một giải pháp quan trọng lâu dài góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng nền nông nghiệp tới sản xuất hiện đại, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.

Theo ông Cường, một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng làm chất lượng gạo nước ta thấp là do tập quán thu hoạch và xay xát gạo của bà con nông dân. Ðó là sau khi thu hoạch, thóc được bà con nông dân phơi sơ qua sau đó bán cho các thương lái. Các thương lái vì chỉ kinh doanh và không có đủ cơ sở vật chất để xay xát và sấy gạo, nên gạo có độ ẩm cao, thời gian bảo quản ngắn, chất lượng không đồng đều.

Trên cơ sở đó, để đẩy mạnh sản xuất, công ty đã liên kết hợp tác với các hợp tác xã để thu mua lúa gạo của bà con nông dân; đồng thời, nghiên cứu, đầu tư nhập khẩu những dây chuyền thiết bị sau thu hoạch (xay xát, sấy) từ Nhật Bản để ứng dụng vào những quy trình chế biến gạo với công suất hơn 50 tấn/ngày, lợi nhuận thu về mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng.

Việc đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại đã giúp doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận lớn mỗi năm

Việc đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại đã giúp doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận lớn mỗi năm

Nhận thấy trong chế biến gạo bị ô nhiễm môi trường do vỏ trấu, ông Cường đã nghiên cứu, đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất củi trấu, năng suất hàng tháng đạt 200 tấn, doanh thu ước đạt 480 triệu/tháng. Mô hình xay xát lúa gạo và sản xuất củi trấu đã tạo việc làm cho nhiều lao động, thu nhập cao, ổn định cuộc sống.

Tại doanh nghiệp tư nhân mây tre đan mỹ nghệ xuất khẩu Dinh Doanh, xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, phóng viên có dịp gặp anh Phạm Văn Dinh – chàng trai trẻ với khát vọng làm giàu từ chính làng nghề truyền thống trên quê hương mình.

Anh Phạm Văn Dinh bên những sản phẩm mây tre đan xuất khẩu

Anh Phạm Văn Dinh bên những sản phẩm mây tre đan xuất khẩu

Anh Dinh cho biết, nghề mây tre đan của xã Thượng Hiền đã hình thành và phát triển khoảng 200 năm nay và vẫn luôn được giữ gìn, phát huy được nghề truyền thống của cha ông. Doanh nghiệp tư nhân Dinh Doanh được thành lập năm 2016, trong quá trình phát triển doanh nghiệp, anh Dinh đã không ngừng học hỏi công nghệ, tìm hiểu xu hướng phát triển của các mặt hàng truyền thống cũng như nhu cầu, thị hiếu của khách hàng hiện nay. Các sản phẩm của anh luôn đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, phù hợp với các ý tưởng của khách hàng.

Các sản phẩm mây tre đan luôn đa dạng hình thức, mẫu mã, nắm bắt thị hiếu của thị trường

Các sản phẩm mây tre đan luôn đa dạng hình thức, mẫu mã, nắm bắt thị hiếu của thị trường

Tiêu biểu phải kể đến như mặt ghế, giỏ hoa, giỏ cắm với nguyên liệu tự nhiên như mây, cói, đay; các mặt hàng trang trí như túi xách, đồ chơi trẻ em, mặt gương trên khung gỗ, khung sắt phối hợp với nguyên liệu truyền thống và một số nguyên liệu khác như bẹ chuối, bẹ ngô, bèo tây. Thị trường chủ yếu của doanh nghiệp là các nước châu Âu, một số nước châu Á và nội địa, doanh thu khoảng 25 tỷ đồng một năm, đóng góp ngân sách địa phương gần 1 tỷ đồng.

Anh Phạm Văn Dinh kiến nghị tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạo điều kiện cho doanh nghiệp về quỹ đất để mở rộng nhà xưởng, từ đó hoàn thiện chuỗi sản xuất đáp ứng các yêu cầu khắt khe của đối tác nước ngoài.

Gặp nghệ nhân Đặng Văn Tuất, Giám đốc công ty TNHH Vàng bạc và tranh đồng cao cấp Bảo Minh, phóng viên thấy được những bàn tay tài hoa của những người thợ sáng tạo đã thổi hồn cho các sản phẩm thêm sinh động, hấp dẫn.

Cùng với sự phát triển của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm nổi tiếng xã Hồng Thái, nghề chạm bạc tại xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương vẫn luôn được gìn giữ, phát huy, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Tuất cho biết, nghề chạm bạc đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và chỉn chu đến từng chi tiết một của người nghệ nhân. Do đó, người thợ luôn nhẫn nại, cần cù, tỉ mỉ chạm, khắc lên từng hoa văn trang trí từ những công cụ thô sơ như dùi, đinh, búa… Mỗi người một phần việc, người tạo hình tạo dáng, người tạo nét tạo hoa.

Các sản phẩm ở vùng nghề chạm bạc Lê - Hồng - Trà (3 xã Lê Lợi, Hồng Thái, Trà Giang) độc đáo và tạo được sự khác biệt so với những nơi khác không chỉ nhờ vào kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm hay cách bố cục trang trí tinh vi cân đối, nổi rõ chủ đề chính, mà sự độc đáo khác biệt còn được thể ở sự tinh vi trong cách thức xử lý màu sắc sáng - tối phù hợp, nhờ tận dụng tốt đặc tính phản quang của chất liệu bạc.

Ông Tuất đã được phong tặng Nghệ nhân bàn tay vàng nghề đúc đồng. Một số sản phẩm của anh được bình chọn là sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Các sản phẩm của công ty Bảo Minh luôn đa dạng, là sự kết hợp giữa vàng, bạc và đồng mang giá trị cao

Các sản phẩm của công ty Bảo Minh luôn đa dạng, là sự kết hợp giữa vàng, bạc và đồng mang giá trị cao

Trước vai trò quan trọng của các doanh nghiệp, doanh nhân, ông Nguyễn Văn Dực, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương khẳng định: "Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp luôn gắn liền với sự phát triển của địa phương. Trong những năm qua, các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn huyện đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Ngoài phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã đồng hành, tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới... qua đó khẳng định được vai trò và tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Với quan điểm luôn đồng hành, hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển, huyện Kiến Xương coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và thu hút đầu tư. Huyện cũng thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thông thoáng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh để cộng đồng doanh nghiệp phát triển, có nhiều đóng góp hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG tại Thái Bình

    Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG tại Thái Bình

    00:20, 18/12/2023

  • Thái Bình: Rộng cửa đón đại bàng 'tỷ đô' từ Nhật Bản

    Thái Bình: Rộng cửa đón đại bàng 'tỷ đô' từ Nhật Bản

    19:17, 15/12/2023

  • Cụm công nghiệp Bình Minh (Thái Bình) – điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư

    Cụm công nghiệp Bình Minh (Thái Bình) – điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư

    09:20, 11/12/2023

  • Khu công nghiệp Tiền Hải Viglacera (tỉnh Thái Bình) hấp dẫn nhà đầu tư

    Khu công nghiệp Tiền Hải Viglacera (tỉnh Thái Bình) hấp dẫn nhà đầu tư

    16:19, 09/12/2023

  • Thái Bình: Phát triển đô thị bền vững, tạo nguồn lực mới

    Thái Bình: Phát triển đô thị bền vững, tạo nguồn lực mới

    07:55, 08/12/2023

  • Thái Bình: Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch HĐND tỉnh có 100% số phiếu tín nhiệm cao

    Thái Bình: Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch HĐND tỉnh có 100% số phiếu tín nhiệm cao

    10:15, 07/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp Kiến Xương: Kết nối sức mạnh, vươn cao vị thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO