Doanh nghiệp kỳ vọng vào kinh tế quý IV

HUYỀN TRANG thực hiện 03/10/2021 11:00

Chúng ta chỉ còn 3 tháng nữa là sẽ kết thúc năm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có cơ hội cải thiện tăng trưởng bởi quý IV có thể sẽ phục hồi dựa trên yếu tố.

Nhìn lại kết quả GDP 9 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng Cục thống kê nhận định, khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6% (Quốc hội giao) và 6,5% (Chính phủ đề ra) là khó khả thi. 

Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước khiến GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ sau đổi mới.

-Trong bức tranh kinh tế màu xám như vậy, liệu có còn điểm nào tươi sáng không, thưa bà?

Trong bức tranh màu xám của nền kinh tế vẫn có những điểm sáng nhất định. Đầu tiên, đó là khu vực nông-lâm nghiệp vẫn giữ vững vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm vẫn tăng rất cao.

Tiếp theo là niềm tin của các nhà đầu tư vẫn tăng cao. Điều này được thể hiện qua vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh tăng thêm của các dự án.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù 9 tháng qua tăng trưởng của nền kinh tế chưa đạt kỳ vọng, nhưng nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân là hết sức đáng ghi nhận khi có rất nhiều những lĩnh vực đã đi ngược dòng để đạt được kết quả tích cực. Đặc biệt có những con số vật chất tinh thần được lưu thông theo nhiều cách thức đặc biệt mà không thể đo đếm được.

 GDP quý III từ 2017 đến 2021.

GDP quý III từ 2017 đến 2021.

- Liệu chúng ta có còn cơ hội để cải thiện tăng trưởng không, thưa bà?

Chúng ta chỉ còn 3 tháng nữa là sẽ kết thúc năm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có cơ hội cải thiện tăng trưởng bởi quý IV có thể sẽ phục hồi dựa trên yếu tố sau:

Thứ nhất, Việt Nam đang quyết liệt kiểm soát dịch, và chiến lược tiêm chủng hướng tới mục tiêu 70% mũi 2 toàn dân vào năm 2022.

Thứ hai, Việt Nam cũng đang triển khai mô hình chống dịch mới. Điều này được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế một cách nhanh chóng.

Thứ ba, động lực tăng trưởng sẽ đến từ 3 trụ cột đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng dân cư.

Theo đó, với đầu tư công, 3 tháng cuối năm, gần 250.000 tỷ đầu tư công cần giải ngân. Xuất khẩu cùng với mở cửa nền kinh tế và triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp sẽ thúc đẩy chung cho sản xuất và xuất khẩu.

Về tiêu dùng dân cư, các vùng dịch mở cửa trở lại, cùng với đó là nhu cầu tiêu dùng dịch vụ cuối năm, đặc biệt phải giải ngân nhanh gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng khó khăn do COVID-19 hy vọng sẽ tiêu dùng sẽ tăng nhanh.

Bên cạnh những địa phương tăng trưởng âm, GDP các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Bắc Giang đang lấy lại đà tăng trưởng sẽ bù đắp phần nào suy giảm của các tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 vừa qua.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước nhưng lại tăng 1,88% so với tháng 12/2020 và tăng 2,06% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, CPI bình quân quý 3/2021 tăng 2,51%. Tính chung 9 tháng năm 2021, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

- Bà có thể cho biết kết quả khảo sát về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý IV/2021?

Khảo sát về triển vọng sản xuất kinh doanh quý IV/2021 của chúng tôi cho thấy: 43,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2021; 26,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 30,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có đánh giá lạc quan nhất: 79,4% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2021; tỉ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 71,8% và 68,8%...

- Vậy, Tổng cục Thống kê có khuyến nghị chính sách như thế nào để tốc độ tăng trưởng có thể đạt tốt hơn từ nay đến cuối năm?

Đầu tiên, chúng ta phải xác định nguyên tắc sống chung, an toàn với dịch lâu dài.

Tôi cũng kiến nghị, trong bối cảnh mới, Bộ Y tế cần sớm có khung hướng dẫn y tế kịp thời cho các tổ chức, địa phương cũng như cá nhân để có thể sống chung với dịch một cách tốt nhất, không để dịch phát triển mạnh, từ đó, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể đảm bảo sự phục hồi của nền kinh tế và kích cầu được tiêu dùng.

- Xin cảm ơn bà!

Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021

Sáng 11/11/2020, Quốc hội họp phiên toàn thể biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 với 89,21% đại biểu tán thành. Theo đó, mục tiêu năm 2021 tăng trưởng GDP là 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người, chỉ số giá tiêu dùng bình quân đạt 4%...

Nghị quyết của Quốc hội cũng giao chỉ tiêu tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm...

Có thể bạn quan tâm

  • Tác động GDP tới thị trường chứng khoán ngắn và dài hạn

    Tác động GDP tới thị trường chứng khoán ngắn và dài hạn

    11:30, 01/10/2021

  • GDP quý 3 giảm sâu nhất lịch sử thống kê

    GDP quý 3 giảm sâu nhất lịch sử thống kê

    11:21, 29/09/2021

  • Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự báo về GDP năm nay

    Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự báo về GDP năm nay

    04:00, 15/09/2021

  • Sẽ không quá bất ngờ khi tăng trưởng GDP quý III âm

    Sẽ không quá bất ngờ khi tăng trưởng GDP quý III âm

    03:30, 12/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp kỳ vọng vào kinh tế quý IV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO