Doanh nghiệp lo ngại về “giới hạn làm thêm giờ”

GIA NGUYỄN 07/10/2021 16:20

Cộng động doanh nghiệp quan ngại nếu quy định về giới hạn giờ làm được thông qua sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu hụt nguồn lao động bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Dù chỉ mới là Dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thế nhưng, cộng đồng doanh nghiệp quan ngại, nếu được thông qua, quy định “… làm thêm không quá 300 giờ/năm” sẽ tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng.

p/Cộng động doanh nghiệp quan ngại nếu quy định về giới hạn giờ làm được thông qua sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu hụt nguồn lao động bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19

Cộng động doanh nghiệp quan ngại nếu quy định về giới hạn giờ làm được thông qua sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu hụt nguồn lao động bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19

Thông tin với báo chí, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Công ty CP May 10 bày tỏ: “Suốt mấy tháng qua, doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các đợt giãn cách, có nhà máy phải đóng cửa hoàn toàn nên số giờ làm thêm không dùng hết. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm và đầu năm 2022, khi kinh tế hồi phục trở lại, doanh nghiệp buộc phải tăng tốc làm thêm để kịp giao các đơn hàng xuất khẩu cho khách hàng. Vì vậy, nên cho phép doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh giờ làm thêm vào những tháng cao điểm”.

Thực trạng…

Theo thống kê trong 8 tháng của năm 2021, có hơn 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, riêng TP. Hồ Chí Minh chiếm 1/3. Khoảng 2,5 triệu lao động phía Nam phải ngừng việc, chiếm 70% tổng số lao động ngừng việc trên cả nước, 50% doanh nghiệp, nhà máy thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu dừng hoạt động để phòng chống dịch hoặc không đủ nguyên liệu sản xuất. Hàng chục nghìn công nhân các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch dễ dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động sau khi các địa phương mở cửa, nhà máy sản xuất trở lại.

Chưa kể, thông thường lực lượng lao động tuyển mới cũng khó bù đắp được số lao động đã thiếu hụt từ việc dịch chuyển về các tỉnh, việc tuyển mới cũng cần thời gian ít nhất từ 6 tháng - 1 năm để đào tạo, thay thế cho lực lượng lao động cũ có tay nghề.

Thực tế, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), suốt 2 tháng qua, có đến 70% nhà máy chế biến thủy sản phải ngừng sản xuất và khoảng 30% nhà máy sản xuất cầm chừng theo phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến”, việc thiếu hụt lao động, thiếu hụt nguyên vật liệu, quá trình vận chuyển hàng hóa khó khăn… khiến doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng, bị mất khách hàng do không cung cấp đủ đơn đặt hàng.

Cũng rơi vào tình trạng tương tự, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội bị giảm hiệu suất làm việc nghiêm trọng xuống dưới 30-50%, bởi những tác động do thiếu hụt lao động, thiếu hụt linh kiện,…

… cần “nới khung”

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký VASEP, để tạo điều kiện linh hoạt trong sản xuất của các doanh nghiệp, đáp ứng đơn hàng và đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng do dịch bệnh COVID-19, cơ quan soạn thảo cần xem xét, cân nhắc tăng khung giờ làm thêm tối đa trong 1 năm từ 300 giờ lên 400 giờ không phụ thuộc vào ngành nghề sản xuất.

Ông Nam cũng đề xuất, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu bỏ tạm thời quy định thông báo về việc tổ chức làm thêm giờ theo Điều 62, Nghị định 145/2020 để giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc bố trí, sắp xếp kế hoạch làm thêm tùy thuộc tình hình thực tế của doanh nghiệp về nguyên liệu và lực lượng lao động. Khi doanh nghiệp có kế hoạch làm thêm giờ, chỉ cần dựa trên thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp.

Đồng quan điểm với đại diện VASEP, trong văn bản kiến nghị, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ, chúng tôi hoàn toàn đồng tình với quyết định bỏ giới hạn làm thêm giờ tối đa theo tháng, tuy nhiên, giới hạn giờ làm thêm theo năm đang ở mức thấp, cần “nới khung” lên 400 giờ/năm để vừa đảm bảo tốt hơn quyền làm việc của người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tránh gây đứt gãy chuỗi cung ứng, cũng như bảo đảm tính cạnh tranh của thị trường lao động so với các quốc gia trong khu vực.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, khoảng cách về lương của Việt Nam so với các nước trong khu vực đang ngày càng giảm đi, mức trần số giờ làm việc cũng thấp hơn, khiến cho Việt Nam mất đi lợi thế so với các nước trong khu vực và toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, phía Bộ đang tiến hành tổng hợp ý kiến của đối tượng tác động, nhất là các Hiệp hội, doanh nghiệp về đề xuất cho phép điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng. Trên cơ sở thu thập ý kiến, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất theo hướng xem xét, xử lý cá biệt, chỉ nên áp dụng những lĩnh vực, ngành nghề, thực sự cần thiết trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, không áp dụng trên phạm vi tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và phạm vi cả nước. Đồng thời, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do vậy cần phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp lo ngại về “giới hạn làm thêm giờ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO