Thực tế cho thấy việc quy định mức lương bậc 1 không thấp hơn lương tối thiểu kèm với các quy định về lao động qua đào tạo và khoảng cách các bậc lương đang đè nặng chi phí lên doanh nghiệp.
Phản ánh với DĐDN, nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ cần được tự quyết lương bậc 1, tiến tới tự chủ trong đàm phán tiền lương với người lao động.
Người trong cuộc nói gì?
Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 49/2013 về vấn đề tiền lương đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến các bên liên quan đến hết ngày 28/4. Trong đó dư luận đặc biệt quan tâm tới hai đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương. Phương án 1, quy định mang tính chất định tính để doanh nghiệp và công đoàn cơ sở thương lượng, xác định giá trị cụ thể (bỏ quy định 5%). Phương án 2, vẫn quy định khoảng cách mang tính định lượng, nhưng giảm mức từ 5% xuống 3% để tính tới bãi bỏ quy định này.
Mặc dù phía Bộ LĐ-TB&XH đang nghiêng về phương án hai với lý giải bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia nhận định khác nhau về khoảng cách 3% và cho rằng nhà nước can thiệp sâu vào thang, bảng lương là phi thị trường.
Cụ thể, trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Xuân Dương- Chủ tịch HĐQT TCty May Hưng Yên cho rằng: “Để tránh tình trạng o ép người lao động thì nhà nước vẫn cần có quy định về khoảng cách bậc tránh sự khác biệt quá lớn giữa các bậc lương. Do đó, 3% là đề xuất hợp lý, nếu thấp hơn e rằng không đủ khuyến khích người lao động và giảm sự gắn bó với doanh nghiệp”.
Ông Dương cũng cho biết, doanh nghiệp hiện có 15.000 lao động, trong thang bảng lương của May Hưng Yên có 12 bậc, với chi phí lương khoảng 4 triệu cho bậc 1 và quy định 5% như hiện nay thì giữa bậc lương thấp nhất và cao nhất đang chênh 2,2 lần.
Trong khi đó, bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng Lao động (VCCI) đồng tình với quan điểm cần xây dựng lộ trình cho việc tự đàm phán tiền lương và xây dựng thang bảng lương của doanh nghiệp và người lao động. Bởi nếu bỏ ngay sẽ ảnh hưởng đến chức năng bảo vệ người lao động khi khả năng tự thương lượng của các đối tượng này còn yếu. Tuy nhiên, bà Minh nhận định, trong tương lai xu hướng hợp lý phải là tự đàm phán và bỏ quy định 5%. Hay nói như ông Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: “Khả năng chi trả khoản bội chi này với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giầy… là rất khó khăn”.
Hai điểm khó cần hóa giải
Đặc biệt, theo bà Minh, hiện quy định lương bậc 1 không thấp hơn lương tối thiểu. Tuy nhiên, thực tế lại có quy định của Chính phủ về lao động qua đào tạo được hưởng lương bậc 1 là lương tối thiểu nhân thêm 7%.
Thực tế không có lao động không qua đào tạo vào làm việc, ngay cả với lao động không đòi hỏi tay nghề cao như ở các doanh nghiệp may mặc, thuỷ sản… Doanh nghiệp vẫn đào tạo lao động ít nhất 3 tháng trước khi chính thức ký hợp đồng. Trong khi đó quy định về lao động qua đào tạo “bao gồm cả trường hợp lao động do chính doanh nghiệp đào tạo”. Như vậy, bản chất lương bậc 1 hiện đã là lương tối thiểu 3.980.000 x 7%...n. Vậy với doanh nghiệp có đến 20 bậc chi phí sẽ thế nào?”, bà Minh đặt câu hỏi.
Chưa kể tới đây, Luật Giáo dục Nghề nghiệp Chính phủ đang xem xét quy định doanh nghiệp phải trả thêm chi phí đào tạo cho lao động qua đào tạo và có chứng chỉ. “Như vậy, sẽ có sự chồng chéo chính sách, doanh nghiệp vừa phải nhân hệ số bậc lương vừa phải trả phí đào tạo... chi phí tiền lương của doanh nghiệp lại tiếp tục tăng”, bà Minh nhấn mạnh. Do đó, đại diện Giới sử dụng Lao động kiến nghị, để doanh nghiệp tự quy định lương bậc 1.