Doanh nghiệp

Doanh nghiệp năm 2025 (kỳ 1): Đón đầu tăng trưởng bền vững

Hạnh Lê 02/02/2025 10:26

Chủ động chuyển đổi sản xuất theo xu thế, tín hiệu của thị trường và ứng dụng công nghệ là một trong những giải pháp cho tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.

Tiếp cận sớm

Nằm trong top 5 nhóm các ngành nghề có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước, dệt may cũng là một trong những ngành xuất khẩu truyền thống có quá trình hội nhập sớm. Ông Thân Đức Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, CEO của Tổng công ty May 10 cho biết, 16 FTA mà Việt Nam tham gia đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong ngành nói chung mở rộng thị trường xuất khẩu, bao gồm cả ở thị trường lớn với yêu cầu cao như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...

cong nh
Không ít doanh nghiệp dệt may đã và đang chủ động xanh hoá sản xuất để đón đầu tăng trưởng

Để duy trì và tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian qua cũng như trong năm 2025 dự báo cũng nhiều thách thức, khó khăn, ông Thân Đức Việt chia sẻ: một trong những giải pháp quan trọng là May 10 tiếp cận sớm với khái niệm chuyển đổi xanh. Không ít khách hàng lớn trên thế giới yêu cầu từ năm 2025, sản phẩm của May 10 cung cấp phải có ít nhất 30% nguyên liệu vải từ sợi tái chế. Song song là yêu cầu, quy định xanh có liên quan của Chính phủ một số quốc gia liên quan đến chuỗi ung ứng, chuỗi sản xuất…

Trong 2 năm gần đây, May 10 tập trung thực hiện 3 chiến lược xanh hoá. Bao gồm: xanh hoá nguyên liệu sản xuất, sản phẩm; xây dựng môi trường làm việc xanh thông qua chứng chỉ toà nhà xanh - LEED cho nhà máy sản xuất và sử dụng năng lượng xanh, thay thế sử dụng than đá trong nồi hơi sang điện sinh khối, không phát thải carbon ra môi trường và tăng sử dụng điện mặt trời áp mái.

Theo tính toán, trong năm 2025, các hoạt động xanh hoá tại 18 nhà máy sản xuất của doanh nghiệp có thể giúp giảm 22 ngàn tấn carbon thải ra môi trường; đồng thời đáp ứng yêu cầu của khách hàng xuất khẩu.

Công nghệ thông tin là một trong những ngành xuất khẩu lớn và có nhiều dư địa phát triển tiềm năng. Bà Đào Thị Thu Hiền - CEO của VTI Group nhận định: Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về năng suất, chất lượng.

anh 2
Đối tác nước ngoài trao đổi, tìm hiểu sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin do doanh nghệ công nghệ Việt Nam phát triển

Nữ CEO của VTI Group cho biết thêm: trước đây, đối tác Nhật đưa ra yêu cầu cho doanh nghiệp Việt trong một số công đoạn nhất định, theo kiểu “chỉ đâu đánh đấy”. Tuy nhiên, hiện nay, khách hàng mong muốn doanh nghiệp cung cấp giải pháp tham gia tham gia cùng từ khâu phân tích, thiết kế phần mềm đến triển khai, vận hành. Điều này yêu cầu doanh nghiệp cung cấp giải pháp phải đáp ứng cả về kiến thức, nghiệp vụ, kỹ thuật cao hơn để đồng hành cùng đối tác.

Theo bà Đào Thị Thu Hiền, đối tác Nhật Bản có đặc thù tính thận trọng cao nhưng thường ở giai đoạn đầu phát triển dự án, nhưng sau đó luôn mong muốn nhìn nhận sự cố gắng của doanh nghiệp công nghệ Việt trong việc tiếp cận công việc nhanh hơn, tăng năng suất chất lượng hiệu quả hơn. Ứng dụng công nghệ hiện đại như AI là giải pháp để doanh nghiệp Việt đáp ứng yêu cầu trên.

Đặc biệt AI có thể thay thế con người thực hiện những công đoạn thấp, do đó, các kỹ sư có điều kiện, dành thời gian nghiên cứu những kỹ thuật cao hơn. Với việc tham gia ở nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, đơn giá các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp mà doanh nghiệp công nghệ Việt cung ứng sẽ tốt hơn, góp phần gia tăng giá trị lợi nhuận.

Vì vậy, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới như AI đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp để tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng lực và đi trước đón đầu, nắm bắt cơ hội phát triển.

Hiệu ứng chuyển động

Kết thúc năm 2024, dù kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn nhưng tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tiến sát mốc 800 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu lần đầu tiên vượt qua mốc 400 tỷ USD, góp phần đưa Việt Nam đứng thứ 17/20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Rào cản pháp lý đang cản trở việc thực hiện những giải pháp tuần hoàn trong các khu công nghiệp
Ứng dụng giải pháp chuyển đổi năng lượng, sản xuất xanh hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu sản xuất, tiếp cận cơ hội tăng trưởng mới

Dư địa tăng trưởng xuất khẩu vẫn còn rất tiềm năng ở nhiều thị trường lớn nếu các hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục được “tiếp sức” thông qua sự chuyển đổi cơ cấu, mô hình mạnh mẽ hơn trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm mới...

Trên thực tế, từ những lĩnh vực xuất khẩu chủ đạo, đầu tư ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững đã và đang lan tỏa sang nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác của nền kinh tế như công nghiệp, dịch vụ, thương mại… Chẳng hạn như mô hình liên kết, hợp tác nhằm thay đổi thói quen và công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo trong ngành dệt may. Hay ưu tiên sản xuất, phân phối, sử dụng các sản phẩm xanh như bao bì, vật dụng bằng chất liệu thân thiện môi trường thay vì chất liệu nylon, nhựa sử dụng một lần trong ngành dịch vụ du lịch, khách hàng, bán lẻ…

Hiệu ứng chuyển động của cộng đồng doanh nghiệp theo xu thế và tín hiệu của thị trường cũng chính là giải pháp để doanh nghiệp trụ vững hơn và tìm được cơ hội bứt phá trước biến động khó lường của thị trường. Qua đó, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị của các tập đoàn quốc tế, có thể tiếp nhận nguồn lực tài chính mới, xây dựng thương hiệu, tăng tính cạnh tranh, tạo ra các lợi thế mới…

Số liệu khảo sát của VCCI thực hiện với trên 10.000 doanh nghiệp trong cả nước cho thấy, 56% doanh nghiệp nhận thấy cơ hội từ biến đổi khí hậu. Trong đó, khoảng 30% nhận định đã đến lúc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, 17% cho rằng đây là cơ hội để tạo ra sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới, đồng thời, phát triển thêm thị trường cho sản phẩm đang có.

Kỳ 2: Vượt khó cho lợi ích lâu dài

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp năm 2025 (kỳ 1): Đón đầu tăng trưởng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO