Doanh nghiệp nắm bắt cơ hội xuất khẩu kỹ thuật số năm 2023

THU HƯƠNG 27/12/2022 16:12

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có nhiều cơ hội để xuất khẩu kỹ thuật số trong năm 2023.

>>Việt Nam ở đâu thời "du mục kỹ thuật số"?

Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với ông Roger Lou – Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam để làm rõ hơn về cơ hội này.

Ông Roger Lou – Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam

- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và cơ hội xuất khẩu kỹ thuật số của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới?

Khối lượng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong năm qua, góp phần vào sự tăng trưởng vượt bậc trong thập kỷ qua, và đưa ngành sản xuất của Việt Nam lên bản đồ thế giới. Nguồn cung xuất khẩu của Việt Nam đứng đầu về nhu cầu mua sắm của thế giới, và ngày càng có nhiều nhà mua hàng nước ngoài sẵn sàng chọn Việt Nam làm lựa chọn đầu tiên để mua hàng.

Hiện tại, trên nền tảng Alibaba.com của chúng tôi, 50% nhà cung cấp Việt Nam là nhà cung cấp được xếp hạng sao cao, với các ngành cốt lõi bao gồm Thực phẩm & Đồ uống, Nông nghiệp, Nhà và Vườn, Chăm sóc sắc đẹp và cá nhân, Nội thất, Xây dựng, Bao bì, Nhựa & Cao su, Máy móc, và các ngành công nghiệp khác. Các nhà cung cấp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Châu Á Thái Bình Dương.  

Dịch bệnh và hậu quả kéo dài của nó khiến càng nhiều doanh nghiệp tiếp tục chuyển sang kỹ thuật số. Sự ổn định tương đối của hoạt động bán hàng kỹ thuật số sẽ là điều mà nhiều công ty cần để duy trì hoạt động trong năm tới, cùng với tiếp thị số, quản trị số, hay sự gia tăng của trải nghiệm cá nhân hóa. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt xu thế này để hoạch định các kế hoạch kinh doanh tương lai.

Thêm vào đó, Việt Nam còn là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).  Hầu hết các FTA mà Việt Nam tham gia là với các nước châu Á khác vì Việt Nam là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhưng có một số hiệp định mở rộng sang Nam Mỹ, Châu Đại Dương, Châu Âu và các khu vực khác.

Ngoài ra, Việt Nam là một trong số các quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). RCEP bao gồm 16 quốc gia khác nhau trên khắp thế giới và thúc đẩy thương mại B2B với các kết nối xuyên lục địa. Vì mối quan hệ hợp tác này vẫn còn tương đối mới nên có rất nhiều tiềm năng phát triển. Các nhà xuất khẩu Việt Nam nên theo dõi kỹ tin tức xung quanh RCEP, vì các liên minh và FTA mới hình thành từ mối quan hệ đối tác này sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa ở các thị trường nước ngoài mới.

>>Việt Nam bảo trợ Nghị quyết chuyển đổi kỹ thuật số

- Là nền tảng thương mại điện tử B2B, Alibaba.com có những hỗ trợ như thế nào đối với xuất khẩu B2B kỹ thuật số Việt Nam?

Phần lớn các nhà cung cấp toàn cầu trên Alibaba.com là các nhà sản xuất tự sản xuất sản phẩm của họ, với gần 40% số nhà cung cấp có doanh thu hàng năm nhỏ hơn 100 nghìn USD. Theo khảo sát của Alibaba.com, 60% nhà cung cấp không có kinh nghiệm về thương mại điện tử trước khi gia nhập nền tảng, 42% nhà bán hàng sử dụng Alibaba.com làm nguồn kinh doanh chính với 60% hướng tới mục tiêu thâm nhập thị trường mới. Các con số cho thấy Alibaba.com là một kênh kinh tế hơn cho các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, không có kinh nghiệm hoặc kiến thức về xuất khẩu, hoặc không đủ khả năng chi trả chi phí đi lại và hội chợ thương mại truyền thống.

Để có thể thành công trên nền tảng, nhà bán hàng Việt Nam cần có kỹ năng đàm phán tốt, tác động xuất xứ quốc gia rõ rệt và số lượng đặt hàng tối thiểu (MOQ) thấp. Nhà bán hàng cũng cần đầu tư vào vận hành nền tảng hàng ngày để tiếp cận nhiều khách hàng hơn, đảm bảo nhiều đơn đặt hàng hơn. Thống kê của Alibaba.com cho thấy, hơn 30% nhà bán hàng bố trí nhân sự chuyên trách vận hành các cửa hàng trực tuyến có thể đảm bảo hơn 6 đơn đặt hàng quan trọng trên nền tảng mỗi năm. Còn đối với nhà bán hàng vận hành qua đại lý bên thứ ba, trong năm đầu tiên sẽ có khoảng từ 1 đến 10 đơn đặt hàng.

Alibaba.com tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam, và thiết lập một hệ sinh thái bản địa hóa, bao gồm các đối tác kênh địa phương, đội ngũ nhân viên hỗ trợ dịch vụ và phát triển khách hàng, cũng như các hoạt động mở rộng thị trường,… để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu kỹ thuật số.

Chúng tôi cũng không ngừng đưa các sáng kiến mới vào thị trường Việt Nam để giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng sức cạnh tranh. Gần đây nhất, tháng 10 vừa qua, Alibaba.com đã giới thiệu tư cách thành viên “Nhà cung cấp được xác minh” cho nhà bán hàng Việt Nam. Đây là cấp thành viên dành riêng cho các nhà sản xuất Việt Nam trên Alibaba.com, giúp nâng cao uy tín của nhà bán hàng và tạo sự tin tưởng cho người mua. Chương trình cung cấp cho nhà bán hàng dịch vụ xác minh tại chỗ từ một trong những tổ chức chứng nhận danh tiếng hàng đầu thế giới là SGS. Bằng cách sử dụng dịch vụ tư vấn xác minh của bên thứ ba này, người mua có thể yên tâm rằng “Nhà cung cấp được xác minh” hoàn toàn khách quan và không có bất kỳ sự thiên vị nào.

Trong bối cảnh của một thế giới đầy biến động những năm qua, thì sự ổn định luôn là một niềm mơ ước. Một nền tảng thương mại điện tử B2B ổn định cũng rất đáng quý, để có thể giúp doanh nghiệp đương đầu với những khó khăn luôn thường trực. Chúng tôi có niềm tin và khả năng giúp các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào sự phát triển và tăng trưởng để thành công trên nền tảng. Và tôi nghĩ cùng nhau, chúng ta có thể biến mọi thứ thành hiện thực.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam bảo trợ Nghị quyết chuyển đổi kỹ thuật số

    Việt Nam bảo trợ Nghị quyết chuyển đổi kỹ thuật số

    19:28, 22/11/2022

  • Tiền kỹ thuật số và tác động đến tỷ giá

    Tiền kỹ thuật số và tác động đến tỷ giá

    05:00, 11/11/2022

  • Việt Nam ở đâu thời

    Việt Nam ở đâu thời "du mục kỹ thuật số"?

    06:00, 01/11/2022

  • Tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số Việt Nam: Mừng thì có mừng…

    Tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số Việt Nam: Mừng thì có mừng…

    04:04, 01/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp nắm bắt cơ hội xuất khẩu kỹ thuật số năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO