Việc giá Bitcoin tăng lên sẽ dẫn đến việc các nhà đầu tư có xu hướng chuyển đầu tư sang tiền tệ thực, qua đó tỷ giá hối đoái sẽ được đánh giá cao hơn.
>>>Mỹ lấn sân sang lĩnh vực tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương
Việt Nam đang áp dụng quy định nào với tiền kỹ thuật số?
Tại Việt Nam, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước coi tiền kỹ thuật số là một loại tài sản ảo (tiền ảo) và không coi tiền kỹ thuật số là tiền tệ hay phương tiện thanh toán, việc dùng tiền kỹ thuật số làm phương tiện thanh toán ở Việt Nam là vi phạm quy định pháp luật theo quy định tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.
Mặc dù thế, với những tiện ích không thể chối bỏ mà tiền kỹ thuật số mang lại và quan trọng hơn là nhu cầu sử dụng của người dân thì rất có thể các loại tiền này sẽ dần được công nhận trong thời gian tới.
Dựa trên quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo thì “xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo nhằm đảm bảo tương ứng với các rủi ro liên quan để kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro này nhưng không được ảnh hưởng đến sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo tính linh hoạt để phù hợp với sự thay đổi trong sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, thương mại điện tử”.
Tác động của đồng tiền kỹ thuật số đến tỷ giá hối đoái
Với sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số, sự xuất hiện của một loại tiền tệ kỹ thuật số tư nhân mới đã thay thế một số chức năng của tiền tệ truyền thống. Tiền tệ kỹ thuật số dựa trên công nghệ blockchain, với hiệu quả giao dịch cao, chi phí giao dịch thấp, tránh lạm phát để duy trì giá trị tài sản và quyền riêng tư, đã kích thích sự phổ biến của việc phi quốc gia hóa tiền tệ.
Một trong những nguyên nhân gây tác động đến tỷ giá hối đoái là sự biến động giá của đồng tiền kỹ thuật số, đơn cử là việc giá Bitcoin tăng lên sẽ dẫn đến việc các nhà đầu tư có xu hướng chuyển đầu tư sang tiền tệ thực, qua đó tỷ giá hối đoái sẽ được đánh giá cao hơn.
Mặt khác, nguồn cung tiền kỹ thuật số có khả năng tác động đến hệ thống tiền tệ. Trong đó, bốn chỉ số được sử dụng để định lượng tác động của tiền tệ kỹ thuật số đối với sự thay đổi của hệ thống tiền tệ bao gồm: tỷ lệ tiền mặt, mức tiền kỹ thuật số, mức điện tử tài chính và lãi suất. Các sản phẩm tiền kỹ thuật số có tiềm năng thay thế tiền tệ của ngân hàng trung ương, do đó ảnh hưởng đến nguồn cung tiền. Tiền tệ của ngân hàng trung ương là một thành phần trong tất cả các tổng hợp tiền tệ.
>>>Tiền kỹ thuật số ngày càng lép vế trước sức mạnh của đồng USD
Ở mỗi quốc gia, hệ thống tiền tệ có những đặc điểm khác nhau trong cơ chế vận hành tỷ giá hối đoái, đặc biệt là tỷ giá hối đoái. Đồng tiền kỹ thuật số khả năng gây ra ảnh hưởng đến cơ chế này. Hệ thống tiền tệ được xem là trọng tâm của nền kinh tế thị trường ở mỗi quốc gia, và ngân hàng trung ương là cơ quan chủ yếu để kiểm soát hệ thống tiền tệ. Nếu các loại tiền kỹ thuật số là cần thiết, các ngân hàng trung ương nên là người phát hành. Điều này đóng một vai trò xúc tác trong việc đổi mới, thúc đẩy cạnh tranh và hiệu quả trong hệ thống thanh toán tiền tệ.
Cuộc cách mạng kỹ thuật số đang diễn ra có thể dẫn đến sự rời xa hoàn toàn khỏi mô hình trao đổi tiền tệ truyền thống. Tiền kỹ thuật số có thể tách rời các vai trò riêng biệt của tiền tệ, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt hơn giữa các loại tiền tệ chuyên biệt, ảnh hưởng đến giá trị các đồng tiền của những quốc gia khác. Tuy nhiên nhiều báo cáo ghi nhận ảnh hưởng mức giảm rất thấp của tiền tệ trong lưu thông do sự gia tăng của tiền điện tử.
Ngoài ra, tiền kỹ thuật số mang lại tiềm năng tiếp cận tài chính dễ dàng hơn và rẻ hơn, nhưng làm xuất hiện bóng ma về việc giảm quyền riêng tư và các giao dịch tài chính tiềm ẩn không an toàn. Tuy vậy, cũng giống như công nghệ kỹ thuật số đã không tạo ra văn phòng không giấy tờ, tiền kỹ thuật số khó có thể thay thế hoàn toàn các hình thức tiền hiện có những có thể tác động đến tỷ giá hối đoái.
Không thể phủ nhận rằng, khả năng chuyển đổi giữa các công cụ tiền tệ và khả năng tương tác giữa các nền tảng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hạ thấp các rào cản đối với thương mại và thúc đẩy cạnh tranh. Vì thế, nhiều quốc gia cũng đã đưa ra những hệ thống giám sát đối với đồng tiền kỹ thuật số như một sự đảm bảo cho hệ thống tiền tệ quốc gia nói chung và tỷ giá hối đoái nói riêng.
3 gợi ý chính sách cho Việt Nam
Trên cơ sở dữ liệu và nghiên cứu, các nhà quản lý thị trường tài chính, đặc biệt là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc giám sát biến động của tiền kỹ thuật số và tỷ giá hối đoái có thể xem xét các gợi ý về chính sách:
Một là, việc xác định vai trò của ngân hàng trung ương và các tổ chức trung gian tư nhân, sẽ đảm bảo duy trì hệ thống tài chính hai cấp và việc thực thi chính sách tiền tệ và sự ổn định tài chính sẽ ổn định hơn.
Hai là, trên cơ sở hoàn thiện hành lang pháp lý cho sự phát triển của kỹ thuật số, các cơ quan ban ngành cần đưa ra được những cơ chế trong giao dịch nhằm ngăn chặn tội phạm điện tử, hiện tượng rửa tiền,... Để thực hiện được điều này, cần có sự kết nối giữa các quốc gia, thiết lập quy trình kiểm soát việc phát hành và lưu thông tiền điện tử để hạn chế rửa tiền, làm giả tiền, từ đó tạo nền tảng cho chính sách tiền tệ quốc gia hiệu quả hơn.
Ba là, phát triển hệ thống thanh toán quốc gia đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro cho các giao dịch thanh toán xuyên biên giới liên quan đến tiền kỹ thuật số, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý tiền kỹ thuật số giữa các quốc gia. Ngoài ra, tuy chưa công nhận tiền kỹ thuật số là giao dịch, đầu tư hợp pháp tại Việt Nam nhưng theo xu hướng trên thế giới, Việt Nam trong tương lai sẽ có những tiếp cận với tiền kỹ thuật số, đến khi đó, để hỗ trợ sự đổi mới và nhu cầu của ngành công nghiệp tiền tệ kỹ thuật số đang phát triển, cần xây dựng hệ thống xác định các loại tiền kỹ thuật số và kiểm tra các khuôn khổ quy định về tác động có thể có đối với việc áp dụng và phổ biến công nghệ hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm