Trong bối cảnh, ngành điều trong nước đang gặp nhiều khó khăn, việc làm thế nào để phát triển bền vững đang được các chuyên gai cũng như doanh nghiệp trong ngành quan tâm.
>>>Hạt điều “rộng cửa” vào EU
Theo ông Đặng Hoàng Giang – Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được 112 nghìn tấn điều nhân, kim ngạch xuất khẩu đạt 642,4 triệu USD, tăng 4,34% về số lượng và tăng 2,17% về trị giá. Tuy nhiên, nếu xét về giá bình quân thì lại giảm, riêng với mã 320 giảm so với cùng kỳ năm 2022 là 5,4%.
Ông Giang cho rằng, nguyên nhân chính là do thị trường nước ngoài, những bất ổn trong giai đoạn COVID-19, sau đó là xung đột Nga – Ukaraine, lạm phát cao trên toàn cầu và người dân của các nước thắt chặt chi tiêu, giảm tiêu dùng. Ngoài ra, giá của các loại hạt khác như Hạnh nhân, óc chó…những loại hạt cạnh tranh trực tiếp với hạt điều cũng bị ảnh hưởng.
“Trong 3 tháng đầu năm 2023, lượng xuất khẩu đã tăng, nhưng chưa thực sự sôi động. Đặc biệt, giá hạt điều nhân vẫn ở mức thấp. Trong khi đó, giá dầu điều, giá vỏ điều lại giảm. Do đó, doanh nghiệp chưa thể cân đối được với giá nhập khẩu”, ông Giang đánh giá.
Về nhập khẩu, Tổng Thư ký VINACAS cho biết, lượng nhập khẩu điều thô nguyên vỏ cũng tăng trong 3 tháng đầu năm, với 601 nghìn tấn, trị giá 788 triệu USD, tăng 18% về lượng và 5,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu bình quân của điều thô giảm nhẹ khoàng 11% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng nhập khẩu điều thô là do các doanh nghiệp tăng mua dữ trữ với mong muốn giá điều nhân đẽ chế biến trong giai đoạn cuối năm sẽ tăng.
Riêng đối với sản lượng điều thô trong nước, ông Giang cho biết, tổng sản lượng dự kiến đạt khoảng 350 nghìn tấn. Tuy nhiên, với sản lượng này cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu về chế biến tại Việt Nam. Hiện nay, 1 năm, Việt Nam phải nhập khẩu trên 2 triệu tấn điều thô.
“Hiện nay, có một số doanh nghiệp lớn trong ngành điều kêu gọi toàn ngành giảm công suất chế biến xuống 30%, và một số doanh nghiệp kiến nghị xem xét về vấn đề liên quan đến nhập khẩu nhân điều từ châu Phi vào Việt Nam, ông Giang cho biết.
Ông Nguyễn Văn Giang – Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bình Phước cũng cho rằng, hiện nay, giá điều thô trong nước luôn ở mức thấp trong nhiều năm, do bị ảnh hưởng của nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ châu Phi.
Theo ông Nguyễn Văn Giang, một số doanh nghiệp nhập điều nhân về sản xuất đã tác động đến giá điều thô trong nước, khiến giá điều thô trong nước khó có thể tăng, ảnh hưởng đến đời sống của nông dân trồng điều. Do đó, để tăng thu nhập cho nông dân, cách duy nhất là tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm.
“Hiện nay, tại Bình Phước, các cấp chính quyền đều rất quan tâm và có nhiều chính sách, đề án, nhằm hỗ trợ cho người nông dân về việc xây dựng các mô hình trình diễn điểm, hỗ trợ về giống, tổ chức các hoạt động tập huấn…nhằm giúp nông dân trồng điều nâng cao năng suất cũng như chất lượng điều”, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bình Phước chia sẻ.
Về cơ sở hạ tầng, địa phương cũng quan tâm đầu tư đường nông thôn dẫn vào các vùng nguyên liệu điều, vận động các hộ dân trồng điều sản xuất theo hướng liên kết vào các tổ hợp tác xã, để tập hợp chia sẻ kinh nghiệm cũng như ký hợp đồng thu mua, vật tư đầu vào và ký hợp đồng bán sản phẩm với giá thành tốt hơn, ổn định hơn.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Thanh Long – Giám đốc Quản lý chất lượng Công ty TNHH Duy Đức – Long An cho rằng, các doanh nghiệp ngành điều hiện nay đang gặp khó khăn do giá điều thô nhập khẩu đang cao so với giá điều nhân.
Theo ông Long, nếu như trước đây, các doanh nghiệp có thể tận dụng dầu điều, vỏ điều để bù đắp, thì hiện nay, giá dầu điều và vỏ điều cũng đã giảm rất nhiều nên các doanh nghiệp không thể bù đắp dẫn đến bị lỗ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang đối mặt với tình trạng điều nhân được nhập khẩu từ châu Phi về Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp chỉ làm các công đoạn phía sau khi nhập khẩu nhân điều về sản xuất sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các doanh nghiệp sản xuất đầu cối, do chi phí nhập khẩu thấp hơn nhiều so với nhập điều thô. Bởi họ nhập 1 container điều nhân thì bằng các doanh nghiệp khác nhập 4 container điều thô.
“Do đó, Nhà nước cần có chính sách để bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Bởi đối với các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối, để đầu tư một dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh từ khâu bóc vỏ điều đến hoàn chỉnh thành phẩm thì phải cần một nguồn kinh phí rất lớn và cần rất nhiều công nhân”, ông Long kiến nghị.
>>>Việt Nam mới chủ động được 30% nguyên liệu hạt điều thô
Để ngành điều Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp điều nói riêng phát triển bền vững, ông Đặng Hoàng Giang – Tổng Thư ký VINACAS cho rằng, các doanh nghiệp cần chú trọng vào 2 yếu tố là con người và thiên nhiên. Về con người, ông Giang cho rằng, cần chú ý đến nhóm yếu thế là lao động nữ và ngành điều cũng là ngành sử dụng nhiều lao động nữ.
Đối với yếu tố thiên nhiên, ông Giang cho rằng, phát triển bền vững luôn đi kèm với bảo vệ môi trường và bảo vệ hệ sinh thái. Ở góc độ doanh nghiệp, bảo vệ môi trường chính là từ các quy định của Nhà nước liên quan về kiểm soát an ninh môi trường khu vực nhà máy…
“Hiện nay, liên quan đến vấn đề phá rừng đang được các bạn hàng ở châu Âu rất quan tâm. Trong thời gian tới, những sản phẩm bắt nguồn từ việc phá rừng sẽ không được nhập khẩu vào châu Âu. Do đó, các doanh nghiệp cũng phải quan tâm đến vấn đề này”, Tổng thư ký VINACAS khuyến nghị.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Giang mong muốn, các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp lớn cần có chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu riêng cho nhà máy của mình, thông qua việc liên kết với các hộ nông dân trồng điều.
Theo ông Nguyễn Văn Giang, nguồn nguyên liệu nhập khẩu hiện nay rất dồi dào, nhưng cũng cần có một nguồn nguyên liệu ổn định ở trong nước để khi các vấn đề chính sách liên quan đến xuất nhập khẩu điều nhân, điều thô có thay đổi, có tác động thì doanh nghiệp cũng có một vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất.
“Từ việc quan tâm đến vùng nguyên liệu, hỗ trợ nông dân có điều kiện chăm sóc điều tốt hơn, từ đó sẽ giúp tăng năng suất cũng như chất lượng của hạt điều. Việc liên kết vùng nguyên liệu cũng góp phần giúp cho chuỗi giá trị của ngành điều trở nên bền vững hơn”, ông Nguyễn Văn Giang mong muốn.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Giang cũng nhìn nhận, tại Bình Phước, việc liên kết giữa các hộ trồng điều với các doanh nghiệp chỉ mới thực hiện được khoảng 10-20% diện tích điều hiện có. Còn lại vẫn theo cách nông dân tự thu hoạch và bán cho các đại lý thu mua tại địa phương. Nguyên nhân chính khiến việc liên kết chưa như mong muốn, theo ông Giang là do giá điều thô nhập khẩu luôn thấp hơn giá điều thô trong nước, nên các doanh nghiệp ít quan tâm đến việc xây dựng vùng nguyên liệu riêng.
Còn ông Lê Thanh Long thì cho rằng, để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần phải được đảm bảo về đầu ra với giá ổn định, đồng thời, nguồn nguyên liệu cũng phải được ổn định. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể cân đối được các chi phí khác. Từ đó, mới có thể cải tạo và nâng cấp các công nghệ trong nhà máy, cũng như tăng các điều kiện phúc lợi cho công nhân.
Đối với việc liên kết với các hộ nông dân trồng điều để xây dựng vùng nguyên liệu riêng, ông Long cho rằng, các doanh nghiệp không phải là không nghĩ đến. Tuy nhiên, để thực hiện thì phải cần đến nguồn chi phí cũng như một đội ngũ nhân lực rất lớn. Do đó, rất khó để thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Hạt điều “rộng cửa” vào EU
04:39, 09/02/2023
Việt Nam mới chủ động được 30% nguyên liệu hạt điều thô
11:15, 02/11/2022
Xuất khẩu hạt điều những tháng cuối năm có khả quan?
04:00, 15/07/2022
100 container hạt điều được trả lại cho doanh nghiệp Việt Nam
12:22, 20/06/2022
Phương thức thanh toán quốc tế nào từ “vụ hạt điều”?
04:30, 19/03/2022