Xuất khẩu hạt điều 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận mức giảm 9,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
>>> “Mở toang” cánh cửa xuất khẩu nông sản Việt nhờ số hóa
Điều này dấy lên quan ngại về tình hình xuất khẩu mặt hàng chủ lực này trong giai đoạn nửa cuối năm nay.
Số liệu từ Tổng Cục Hải quan cho thấy, trong tháng 6 năm 2022, xuất khẩu hạt điều ước đạt gần 285 triệu USD, giảm 6,9% về sản lượng và 6,5% về trị giá so với tháng 5/2022. Tính chung 6 tháng, xuất khẩu hạt điều ước đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Điều Long Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước nhận định, mặt hàng hạt điều hiện nay rất khó bán do đây không phải là hàng hóa thiết yếu đối với người tiêu dùng tại các quốc gia phương Tây, Trung Quốc, ... do đó sản lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay của Công ty giảm đến 5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng thị trường Trung Quốc ghi nhận mức giảm kỷ lục lên đến 50%, tiếp theo sau đó là sự giảm sâu của các thị trường như EU, Nga, …
Quan ngại từ lạm phát tăng cao
Theo ông Sơn, ngành điều tại Việt Nam hiện nay phải gánh chịu chi phí nguyên liệu rất lớn bởi gần như nguyên liệu dùng để sản xuất trong ngành điều đều nhập khẩu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, giá xăng dầu liên tục tăng cũng ảnh hưởng đến giá thành vận chuyển, logistics, đặc biệt là khi ngành điều phải chịu ảnh hưởng từ chi phí vận chuyển cho nhập nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.
“Doanh nghiệp còn chịu các chi phí như kéo container từ cảng về nhà máy rồi từ nhà máy ra cảng. Ngoài ra, khi xăng dầu tăng giá thì bữa ăn của công nhân cũng tăng lên buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh lại bữa ăn, tiền phụ cấp cho công nhân. Tất cả làm cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng cao” – ông Sơn chia sẻ.
Không chỉ sản xuất gặp khó mà ngay cả tiêu thụ cũng có phần khó khăn hơn do những ảnh hưởng từ các thị trường đích đến. Theo các chuyên gia, hiện lạm phát tại các quốc gia đã đạt ở mức rất cao so với thời kỳ trước đó. Cụ thể, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đã cán mốc 8,6% trong 5 tháng đầu năm nay, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 1981 đến nay, trong bối cảnh giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu gì hạ nhiệt. Đối với EU, tỷ lệ lạm phát tiếp tục gia tăng trong tháng 5/2022, lên mức 8,1%; Nhật Bản là 2,1%, Hàn Quốc là hơn 3,9%, Trung Quốc là 2,1%. Các chuyên gia nhận định, việc lạm phát tăng cao ảnh hưởng trực tiếp từ chiến tranh giữa Nga – Ukraine khiến giá xăng dầu tăng kỷ lục.
Đang có mặt trực tiếp tại Mỹ, ông Sơn cho biết hiện giá cả hàng hóa tại thị trường này đang tăng rất cao, xu hướng tiêu dùng của người dân tại đây cũng bị ảnh hưởng lớn. Theo đó, tiền lương mỗi tháng của người tiêu dùng tại Mỹ ngoài dùng cho chi phí nhiên liệu thì họ sẽ tập trung vào những chi phí thiết yếu của họ như thịt, cá, gạo, rau, … Do đó, đối với mặt hàng cao cấp như hạt điều sẽ khó tiêu thụ.
“Khi thị trường xuất khẩu, thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng thì doanh nghiệp Việt khó tránh khỏi việc tác động. Một số hạt như hạnh nhân đang rất rẻ nên người ta đẩy mạnh tiêu thụ và giảm bớt hạt điều” – ông Sơn bộc bạch.
Liệu có khả quan?
Đã nhận đơn hàng đến hết quý II/2022, tuy nhiên Công ty CP Điều Long Sơn cho biết khách hàng hiện nay đang yêu cầu được chậm giao hàng do tiêu thụ không tốt. Do đó, tình hình đơn hàng sau tháng 9 vẫn còn là con số ẩn.
Với câu hỏi “liệu tình hình thị trường 6 tháng cuối năm có khả quan?”, một số doanh nghiệp cho rằng tình hình thị trường trong quý III/2022 sẽ không khả quan và có phần ảm đạm. Mọi hy vọng đều trông chờ vào quý IV/2022 bởi dịp cuối năm sẽ là thời điểm tiêu thụ nhiều hàng hóa nhất. Dự báo tình hình thị trường trong những tháng tới, ông Sơn cho rằng: “Từ nay đến khoảng tháng 9/2022 thì thị trường vẫn yếu là ảm đạm. Từ tháng 10-11-12/2022, 01/2023 trở đi thì tôi hy vọng thị trường sẽ khá lên vì đấy là tháng khách hàng có nhu cầu cao tiêu dùng cho Noel, Tết Dương lịch và Trung Quốc là Tết âm lịch”.
Tuy nhiên, với tình hình trước mắt, quan ngại về vấn đề tồn kho trong giai đoạn tới sẽ khiến giá thành hạt điều giảm bởi cán cân “cung – cầu” nghiêng về cung.
Trong 6 tháng tới, ông Sơn hy vọng tình hình lạm phát cải thiện, chiến tranh Nga - Ukraine chấm dứt thì khả năng tiêu dùng mặt hàng “cao cấp, ăn chơi”, không thiết yếu này sẽ tốt lên.
Có thể bạn quan tâm