Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị cần khẩn trương vào cuộc để xây dựng bằng được thương hiệu sản phẩm “Hạt điều Bình Phước”.
Chiều 25/12, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh đã làm việc với các sở, ngành, đơn vị về tình hình thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển ngành điều Bình Phước giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tỉnh Bình Phước hiện có hơn 149.600 ha điều, chiếm 30% tổng diện tích cây lâu năm và chiếm gần 50% tổng diện tích trồng điều cả nước. Năng suất bình quân giai đoạn 2020-2024 đạt 12,7 tạ/ha, sản lượng đạt gần 200.000 tấn. Triển khai thực hiện Nghị quyết 11, Bình Phước đã hoàn thành việc lập bản đồ vùng chuyên canh điều của tỉnh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 36.000 ha điều đã được tái canh, trồng mới bằng giống đạt năng suất từ 2,5 tấn/ha trở lên; Có 4.500 ha sản xuất theo quy trình được chứng nhận hữu cơ và các tiêu chuẩn khác; Hơn 8.000 ha xen canh, chăn nuôi dưới tán điều; Đã hỗ trợ xây dựng cho 45/247 hợp tác xã sản xuất điều tại các huyện có vùng chuyên canh lớn.
Về chế biến, Bình Phước đã triển khai 17 đề án khuyến công với tổng kinh phí gần 97 tỷ đồng, thẩm định xếp loại được 329 cơ sở chế biến điều về an toàn thực phẩm; Hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế. Tỉnh có 399 cơ sở chế biến áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; Ổn định công suất thiết kế của mạng lưới chế biến hiện có là 500.000 tấn/năm.
Sản phẩm điều của tỉnh Bình Phước hiện đã xuất khẩu đến 59 nước, khu vực và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD. Ngoài các chính sách dành cho người trồng điều và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều, tỉnh Bình Phước cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đàm phán, hợp tác thương mại với các nước trồng điều để có nguồn nguyên liệu nhập khẩu ổn định nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp chế biến.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành điều Bình Phước còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, diện tích điều già cỗi có xu hướng tăng, sự biến đổi của thời tiết đã làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng điều; tình hình nhập khẩu nguyên liệu còn nhiều bất cập; diện tích vùng nguyên liệu điều đạt chứng nhận tiêu chuẩn còn thấp; kinh phí phục vụ riêng cho ngành hàng điều còn hạn chế...
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, đơn vị, Hội điều Bình Phước đã cùng trao đổi về nhiều nội dung, liên quan đến: Sự cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa; Những rủi ro của hạt điều Bình Phước; Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm; Việc xây dựng liên kết chuỗi điều; Các chính sách ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu điều hiện nay; Chính sách về giá cho nông dân trồng điều; Vấn đề tái canh, trồng mới; Hoạt động của sàn giao dịch nông sản.
Các đại biểu đã kiến nghị tỉnh cần xác định rõ chiến lược phát triển ngành điều Bình Phước thời gian tới; Đề xuất các chính sách hỗ trợ cho ngành điều, giải pháp bảo vệ thương hiệu sản phẩm điều của Bình Phước.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh đã yêu cầu ngành nông nghiệp chủ động phối hợp, rà soát văn bản, đề xuất, kiến nghị chính sách phát triển ngành điều phù hợp, kịp thời báo cáo với tỉnh khó khăn, vướng mắc để xử lý, phối hợp tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp ngành điều hoạt động thuận lợi.
Các sở, ngành, đơn vị cần khẩn trương vào cuộc để xây dựng bằng được thương hiệu sản phẩm “Hạt điều Bình Phước”; Đặc biệt là đẩy mạnh công tác truyền thông để lan tỏa trong nhân dân về nội dung liên quan đến ngành điều như: Chính sách phát triển, tái canh, giống cây trồng, chỉ dẫn địa lý, chế biến…