Với nhiều giải pháp tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xúc tiến đầu tư, Bình Phước đã và đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư.
Với vị trí nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã đề ra nhiều quyết sách, định hướng, chương trình hành động, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầy tư, theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.
Bình Phước đã xây dựng thành công và lan tỏa nền tảng “4 tốt” gồm: Hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt, chính điều đó đang trở thành “thương hiệu” của tỉnh trong xúc tiến, thu hút đầu tư. Lãnh đạo và các cấp chính quyền tỉnh luôn hoan nghênh, chào đón, trọng thị nhà đầu tư, hành động mạnh mẽ, quyết liệt nhằm hiện thực hóa các cam kết về môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch.
Điểm nổi bật là Bình Phước có quỹ đất rộng, tiếp giáp với các địa phương phát triển năng động (Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai); cửa ngõ với các tỉnh Tây Nguyên và nước bạn Campuchia. Hiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đang dần hoàn thiện kết nối thuận lợi với các địa phương trong vùng, với các cảng biển, cảng hàng không và đường sắt xuyên Á (thông các nước ASEAN) là điều kiện tốt cho sự phát triển trong tương lai.
Ông Nguyễn Quang Hòa - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Du lịch (ITTPC) Bình Phước cho biết, với chức năng được giao, thời gian qua, ITTPC Bình Phước đã luôn nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; quảng bá tiềm năng cơ hội đầu tư đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường, cơ hội tại tỉnh với tinh thần trách nhiệm cao. Đến nay, ITTPC Bình Phước đã tư vấn, hỗ trợ cho khoảng 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và đăng ký nhãn hiệu: Hồ tiêu Lộc Ninh, sâm Bảo Phước…
ITTPC cũng thường xuyên trao đổi nhằm nắm bắt thông tin những khó khăn, vướng mắc với các sở, ban, ngành và các nhà đầu tư hạ tầng KCN về các điều kiện thu hút đầu tư; tổ chức chương trình khảo sát, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh gặp gỡ, đối thoại, chỉ đạo giải quyết kịp thời cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, ITTPC Bình Phước còn tổ chức các khóa tập huấn với các chủ đề như: Chính sách và các thủ tục hải quan, những điểm mới trong chính sách thuế, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng bán hàng, giải pháp marketing… Tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài, như: Trung Quốc Hàn Quốc, Singapore, Hà Lan, Thái Lan, Nhật Bản… nhằm thông tin, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, môi trường và cơ hội đầu tư sản xuất - kinh doanh...
Cùng với hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, công nghiệp, cải cách thủ tục hành chính và có các chính sách riêng ưu đãi dành cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh Bình Phước đã thu hút nhiều nhà đầu tư trên nhiều lĩnh vực trọng điểm như: Sung Ju-Samsung, Japfa, lốp xe Haohua-Trung Quốc... mang lại động lực, đưa Bình Phước trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Lũy kế 11 tháng, tỉnh đã thu hút được 28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư thu hút mới đạt 207,535 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn 27 lượt dự án với tổng vốn điều chỉnh tăng thêm khoảng 57,03 triệu USD. Lũy kế đến tháng 11/2024 trên địa bàn tỉnh có 431 dự án FDI đang hoạt động tổng vốn đầu tư gần 4.492,643 triệu USD; 1.193 dự án đầu tư trong nước với số vốn 117.542,65 tỷ đồng.
11 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 1.110 doanh nghiệp đăng ký thành lập (đạt 100,9% kế hoạch), với số vốn đăng ký là 14.456,9 tỷ đồng; 332 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động. Lũy kế đến nay số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn là 12.666 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 206.753 tỷ đồng.
Trong quy hoạch tỉnh, Bình Phước kêu gọi đầu tư đối với các lĩnh vực thuộc danh mục các dự án ưu tiên thực hiện, trong đó có 2 dự án đã được xác định quy hoạch cấp quốc gia (Cao tốc Bắc - Nam Phía Tây (CT2) đoạn Chơn Thành - Gia Nghĩa và Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn 7km qua thị xã Chơn Thành); còn lại 122 dự án ưu tiên đầu tư gồm: lĩnh vực hạ tầng giao thông có 51 dự án; lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có 10 dự án; lĩnh vực nông nghiệp có 2 dự án; lĩnh vực công nghệ cao có 2 dự án; lĩnh vực năng lượng tái tạo, xử lý chất thải rắn có 4 dự án; lĩnh vực hạ tầng xã hội, du lịch và an ninh quốc phòng có 15 dự án; phát triển cụm ngành điều, cụm ngành chế biến gỗ - cao su, chế biến trái cây có 11 dự án; lĩnh vực cụm ngành công nghiệp hỗ trợ - chế tạo có 6 dự án; phát triển cụm ngành dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu nông sản có 2 dự án; đầu tư xây dựng chợ, trung tâm thương mại có 3 dự án; lĩnh vực đô thị - dân cư, thương mại - dịch vụ - du lịch có 16 dự án.
Trong thời gian tới, Bình Phước đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, phát huy tối đa nền tảng “4 tốt” nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Bình Phước cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bình Phước đã tổ chức thành công Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - tỉnh Bình Phước 2024. Sự kiện đã thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp tầm cỡ thế giới tới Bình Phước tham gia. Qua đó không chỉ tăng cường hợp tác mà còn quảng bá hình ảnh Bình Phước đến với các doanh nghiệp trên toàn thế giới.