Doanh nghiệp ngoài nhà nước: Đã vươn lên nhưng chưa mạnh mẽ

Nguyễn Việt thực hiện 16/07/2019 16:58

Nếu so sánh giữa việc phân bổ nguồn lực và phân bổ doanh thu, thì khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa thể hiện đúng với vai trò của mình.

TS. Lương Minh Huân - Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI)

TS. Lương Minh Huân - Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI).

Đây là chia sẻ của TS. Lương Minh Huân - Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) với DĐDN về Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 vừa được Bộ Kế hoạch - Đầu tư công bố gần đây. 

- Theo Sách trắng doanh nghiệp, khối doanh nghiệp tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ dẫn đầu với doanh thu, nộp ngân sách nhà nước vượt cả khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN nhà nước. Ông đánh giá thế nào về nhận xét trên?

Trước hết, phải ghi nhận việc xuất bản và công bố Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019 là một nỗ lực của Chính phủ trong việc cung cấp kịp thời và minh bạch các thông tin về tình hình phát triển doanh nghiệp hiện nay. Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam được xây dựng dựa trên Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với VCCI xây dựng theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Có thể bạn quan tâm

  • Công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019

    17:06, 10/07/2019

  • Sắp công bố Sách trắng về phát triển doanh nghiệp Việt Nam

    00:21, 27/12/2018

Sách trắng đã cung cấp nhiều thông tin về tình hình phát triển doanh nghiệp ở quy mô cả nước, ở các tỉnh và các ngành. Từ đó cho thấy nhiều điểm tích cực cũng như hạn chế trong bức tranh phát triển doanh nghiệp nói chung hiện nay ở Việt Nam, trong đó có khối doanh nghiệp tư nhân.

Mặc dù sách trắng đã chỉ ra rằng khối doanh nghiệp tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ dẫn đầu với doanh thu, nộp ngân sách nhà nước vượt cả khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DNNN, tuy nhiên nếu phân tích kỹ sẽ thấy vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân dù đã vươn lên trong thời gian qua nhưng chưa thực sự mạnh mẽ như kỳ vọng.

Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển, khu vực doanh nghiệp tư nhân luôn dẫn đầu về doanh thu và đóng góp ngân sách nhà nước, chính vì thế, khi nền kinh tế Việt Nam phát triển hơn, thì tất yếu khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ dẫn đầu về doanh thu và nộp ngân sách.

Theo số liệu niên giám thống kê năm 2018 của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đã tăng từ 54,33% năm 2010 lên 56,8% năm 2017. Trong khi đó, tỷ trọng của khu vực FDI đã tăng mạnh từ 18,51% lên 28,07% trong cùng thời kỳ. Còn tỷ trọng của khu vực DNNN giảm từ 27,16% xuống còn 15,13%. Như vậy, rõ ràng là từ nhiều năm nay, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước luôn dẫn đầu về doanh thu, nhưng tốc độ tăng đã chậm hơn so với khu vực FDI.

Hơn nưa, cần phải lưu ý rằng, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đang chiếm đến 96,7% tổng số doanh nghiệp, chiếm 60,6% tổng số lao động, 53% vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp FDI chỉ chiếm chiếm 2,9% về số doanh nghiệp, 31,1% về lao động, 18,1% nguồn vốn. Nếu so sánh giữa việc phân bổ nguồn lực và phân bổ doanh thu, thì khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa thể hiện đúng với vai trò của mình. Hơn nữa, nếu xem xét thêm về lợi nhuận, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước còn chiếm tỷ lệ thấp hơn so với khu vực FDI (33,3% so với 43,8%). Rất tiếc là Sách trắng vẫn chưa đưa ra được thông tin về đóng góp vào NSNN của các khu vực doanh nghiệp.

-Theo ông, thời gian qua khối các doanh nghiệp tư nhân đã nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các chính sách ưu tiên như thế nào?

Lý do khiến khu vực doanh nghiệp tư nhân hiện nay chưa thể hiện được hết vai trò của mình trong nền kinh tế bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các doanh nghiệp khu vực này có lịch sử phát triển mới chỉ hơn 30 năm như ở các nền kinh tế khác, khiến năng lực nội tại của các doanh nghiệp còn hạn chế về quy mô, về năng lực quản trị, năng lực đổi mới sáng tạo... thêm vào đó là môi trường kinh doanh hiện vẫn chưa thực sự hỗ trợ khu vực tư nhân.

Với vai trò quan trọng, trong thời gian vừa qua, khu vực kinh tế tư nhân nói chung và khối các doanh nghiệp tư nhân nói riêng đã nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng và nhà nước. Sự hỗ trợ quan trọng nhất có thể nói chính là sự thay đổi nhận thức về khu vực kinh tế tư nhân. Điều này đã được thể hiện thông qua các văn kiện đại hội trong những nhiệm kỳ gần đây, khi vai trò của khu vực kinh tế tư nhân từ chỗ “là một bộ phận cấu thành” tại đại hội X, được chuyển thành “là một trong những động lực” tại Đại hội XI và gần đây nhất đã được nâng lên “là một động lực quan trọng” của nền kinh tế tại đại hội XII.

Từ việc thay đổi nhận thức, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân nói chung và các doanh nghiệp khu vực tư nhân nói riêng. Đảng đã có hai lần ra nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 10/2017. Quốc hội cũng đã ban hành Luật hỗ trợ DNNVV năm 2017. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03/10/2017 để thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, bộ ngành, địa phương các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thuộc lĩnh vực quản lý.

Nghị quyết 98/NQ-CP tập trung vào 3 nhóm chủ trương chính sách lớn trong Nghị quyết số 10-NQ/TW. Thứ nhất, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Thứ hai, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trên cơ sở đó, đã đưa ra 5 nhóm giải pháp cụ thể và 56 nhiệm vụ chi tiết phân công cho từng Bộ, ngành và cơ quan có liên quan.

Có thể nói, đây là những chủ trương và chính sách quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân nói chung và các doanh nghiệp tư nhân nói riêng, thực hiện mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 như đã đề ra.

- Ông có kiến nghị, đề xuất gì với Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý nhà nước để khối doanh nghiệp này phát huy hết tiềm năng và sức mạnh của mình?

Để phát huy hết tiềm năng và sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân nói chung và các DN khu vực tư nhân nói riêng, tại Diễn đàn kinh tế tư nhân hồi tháng 5 vừa qua, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đã đưa ra 10 khuyến nghị rất quan trọng. Trong đó, liên quan đến việc giảm bớt các thủ tục hành chính, nhũng nhiều thì cần có sự thay đổi về tư duy và cách thức thực hiện việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành vì đây chính là những khâu sẽ tạo ra những rào cản và nhũng nhiễu nhất đối với doanh nghiệp.

Để có thể cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành có hiệu quả, cần phải lắng nghe tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và quan trọng nhất là trung lập hóa bộ phận làm chính sách.

Cụ thể, thay cho cách tiếp cận truyền thống là giao cho các bộ, ngành tự rà xét và đưa ra các giải pháp cắt giảm, bằng việc giao cho VCCI chủ trì cùng với CIEM và các hiệp hội doanh nghiệp chủ động rà xét và kiến nghị danh sách các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cần tiếp tục đơn giản hóa hoặc loại bỏ để báo cáo trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị với các bộ ngành. Trong từng bộ, ngành, đề nghị giao nhiệm vụ đề xuất cắt giảm cho các bộ phận độc lập thay vì các bộ phận đang cấp giấy phép trên cơ sở lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp và tham vấn ý kiến của cơ quan chuyên môn.

-Theo ông, doanh nghiệp tư nhân sẽ “dẫn dắt” nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới như thế nào?

Theo quan điểm của tôi, có lẽ nên sử dụng thuật ngữ “động lực” thì phù hợp hơn so với “dẫn dắt” khi nói về doanh nghiệp tư nhân. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay ở Việt Nam, nhiệm vụ “dẫn dắt”, điều tiết nền kinh tế vẫn phải do nhà nước thực hiện, với điều kiện đi kèm phải là “nhà nước kiến tạo”. Khi đó, khu vực kinh tế tư nhân chính là động lực để thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân nói chung và khối doanh nghiệp tư nhân nói riêng sẽ tiếp tục là nơi tạo ra nhiều việc làm nhất, từ đó mang lại thu nhập cho người lao động, tạo ra nhiều doanh thu nhất, từ đó tạo ra lợi nhuận và đóng góp cho NSNN.

Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 hiện nay, khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ là nơi có điều kiện để đi đầu trong đổi mới sáng tạo, áp dụng các công nghệ mới để nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa, nhằm chinh phục thị trường trong nước và quốc tế. Họ cũng sẽ là lực lượng quan trọng trong việc thực thi chính sách hội nhập quốc tế hiện nay ở Việt Nam.

Tuy nhiên, để khu vực doanh nghiệp tư nhân có thể là “động lực” của nền kinh tế, cần phải có một “Chính phủ kiến tạo” nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và hỗ trợ hiệu quả phát triển doanh nghiệp.

-Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp ngoài nhà nước: Đã vươn lên nhưng chưa mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO