Chính trị

Giải pháp phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước

Đình Đại 05/09/2024 03:38

Đi cùng với sự phát triển của kinh tế tư nhân, công tác phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước cũng được quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, việc phát triển Đảng trong các doanh nghiệp này cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức.

Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần 50% GDP của cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 20 triệu lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân và hộ kinh doanh - Ảnh minh họa.
Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần 50% GDP của cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 20 triệu lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân và hộ kinh doanh - Ảnh minh họa.

Trong thời gian qua, kinh tế tư nhân của Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP, mà còn góp phần củng cố, tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần 50% GDP của cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 20 triệu lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân và hộ kinh doanh. Từ đó, vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và liên tục phát triển, hoàn thiện dần qua từng giai đoạn. Đến nay, kinh tế tư nhân đã có vị trí quan trọng trong nền kinh tế nhiều thành phần và trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Quan tâm phát triển các tổ chức Đảng

Tại TP HCM, bên cạnh sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân, công tác xây dựng và phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn Thành phố cũng được lãnh đạo Thành ủy TP HCM quan tâm. Đồng thời coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân.

Tính đến cuối năm 2023, Đảng bộ TP HCM có 1.452 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Trong đó, có 116 Đảng bộ cơ sở, 171 Chi bộ cơ sở, 8 Đảng bộ bộ phận và 1.157 Chi bộ trực thuộc; có 262 tổ chức Đảng/325 doanh nghiệp, đơn vị có từ 500 lao động trở lên; có 23.145 đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Ông Võ Văn Yên – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương tại TP HCM (Đảng ủy Khối) đánh giá, các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn TP HCM có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Qua đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn Thành phố.

Hoạt động của các tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân cũng được quan tâm phát triển, duy trì nề nếp sinh hoạt, xây dựng được quy chế làm việc, quy chế phối hợp với chính quyền cùng cấp nhằm thực hiện hiệu quả công tác phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các công tác xây dựng và phát triển tổ chức Đảng.

anhyen2.jpg
Ông Võ Văn Yên – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối đánh giá, các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn TP HCM có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động - Ảnh: Đình Đại.

Ông Võ Văn Yên cho biết, Thành ủy TP HCM cũng như Đảng ủy Khối rất quan tâm đến các cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng và tất cả các doanh nghiệp nói chung. Hiện nay, Đảng ủy Khối đang quản lý 55 đơn vị doanh nghiệp không còn vốn Nhà nước hoặc có vốn Nhà nước không chi phối, với hơn 4.000 đảng viên ở nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành điện, xăng dầu, xây dựng, thực phẩm, vận tải, bảo hiểm, thương mại dịch vụ và ngân hàng. Lực lượng doanh nghiệp có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội. Song song đó, công tác xây dựng và phát triển Đảng cũng được lãnh đạo các đơn vị quan tâm chú trọng.

Theo ông Võ Văn Yên, đa phần các doanh nghiệp trong Khối hiện nay là từ các doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa, đặc biệt, có một vài đơn vị cổ phần ngay từ đầu, cùng với đó là sự quan tâm sâu sát của Thành ủy TP HCM, cũng như Đảng ủy Khối qua các thời kỳ nên công tác xây dựng tổ chức Đảng tại các doanh nghiệp này có nhiều thuận lợi.

Đánh giá về vai trò của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, ông Võ Văn Yên cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức Đảng duy nhất lãnh đạo toàn diện, do vậy, đường lối chủ trương của Đảng giúp đơn vị định hướng đúng, ổn định tình hình tư tưởng, thực hiện đúng mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Từ đó, tác động ngược lại giúp người lao động an tâm, và có sự đồng lòng để đi cùng một hướng, vượt qua mọi khó khăn.

“Những chủ trương chính sách của Đảng luôn luôn hướng tới người dân và doanh nghiệp, phục vụ người dân, lấy dân làm trọng tâm. Do vậy, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp cũng thấy được như thế để cùng đồng hành hỗ trợ có một tác động qua lại để giúp nhau, cùng nhau phát triển. Các doanh nghiệp có phát triển thì đất nước mới phát triển, ngược lại Trung ương Đảng, Chính phủ sẽ có những chính sách phù hợp để giúp cho doanh nghiệp phát triển”, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Võ Văn Yên đánh giá.

Trong vai trò vừa là lãnh đạo doanh nghiệp vừa là Bí thư Đảng bộ tại doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Phương – Bí thư Đảng bộ, Phó Giám đốc Thường trực Công ty CP Việt Hưng cho rằng, tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng có một vai trò rất quan trọng. Bởi Đảng là tổ chức cao nhất có vai trò dẫn dắt, chỉ đạo và cũng là “đầu kéo”. Nếu “đầu kéo” không vững mạnh thì sẽ không thể “kéo” các hoạt động của tổ chức và doanh nghiệp đó phát triển được.

“Vai trò của tổ chức Đảng ở trong bất cứ tổ chức nào, dù trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học hay doanh nghiệp…cũng rất quan trọng. Mặc dù, ở các doanh nghiệp số lượng đảng viên chắc chắn sẽ ít hơn so với tổ chức Công đoàn hay Đoàn thanh niên, nhưng ở đó, người lãnh đạo phải tâm huyết phải thấu hiểu và chia sẻ thì mới có thể kéo các hoạt động khác đi theo và phát triển mạnh hơn”, bà Nguyễn Thị Thanh Phương đánh giá.

chiphuong.jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương – Bí thư Đảng bộ, Phó Giám đốc Thường trực Công ty CP Việt Hưng cho rằng, tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng có một vai trò rất quan trọng - Ảnh: Đình Đại.

Bên cạnh đó, bà Phương cho rằng, tổ chức Đảng cũng có vai trò quan trọng trong việc thống nhất và tập trung công tác chỉ đạo để hoàn thành cả nhiệm vụ về chính trị cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với việc chăm lo đời sống của công nhân, người lao động cũng được thống nhất cao trong tổ chức Đảng.

Nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong công tác xây dựng và phát triển Đảng của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Phương cho biết, một trong những yếu tố thuận lợi nhất là tổ chức Đảng tại doanh nghiệp được thành lập từ rất sớm, trước khi doanh nghiệp cổ phần hóa. Các hoạt động về Đảng, Công đoàn hay Đoàn thanh niên đều nhận được sự ủng hộ rất lớn từ ban lãnh đạo công ty.

Từ một doanh nghiệp Nhà nước khi chuyển sang cổ phần hóa, các hoạt động đều không bị ngắt quãng và cũng không bị cản trở. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng vừa giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng cũng như Công đoàn nên vừa thấu hiểu công việc sản xuất, vừa thấu hiểu các hoạt động khác nên rất ủng hộ các hoạt động của Đảng cũng như của Công đoàn.

“Đối với quần chúng công nhân, nếu như có trường hợp chưa hiểu, tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên sẽ tổ chức các buổi sinh hoạt để tuyên truyền cho người lao động hiểu về vai trò của Đảng. Doanh nghiệp cũng luôn tạo điều kiện để các đoàn viên quần chúng ưu tú được đi học lớp cảm tình Đảng để phát triển đảng viên mới, tham gia vào tổ chức Đảng”, bà Nguyễn Thị Thanh Phương chia sẻ.

Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng công tác phát triển Đảng tại doanh nghiệp này cũng gặp không ít khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Phương, do đặc thù của doanh nghiệp là hoạt động trong ngành dệt may, nên lực lượng lao động thường xuyên có sự biến động, ảnh hưởng rất lớn đến công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác phát triển đảng viên mới.

viethung1.jpg
Do đặc thù của doanh nghiệp là ngành dệt may, nên lao động thường xuyên biến động dẫn đến khó khăn cho công tác phát triển Đảng - Ảnh: Đình Đại.

Có những trường hợp khi đi học lớp cảm tình Đảng thì chưa lập gia đình, nhưng khi viết hồ sơ lý lịch xong thì xây dựng gia đình, nên lại phải làm lại từ đầu, rất tốn thời gian, công sức. Cũng có những trường hợp mọi hồ sơ, thủ tục đã hoàn tất chỉ còn chờ ngày kết nạp vào Đảng thì người lao động phải xin nghỉ việc để theo gia đình về quê…

Đối với đội ngũ cán bộ làm công tác phát triển Đảng do phần lớn là làm công tác kiêm nghiệm, nên thời gian để dành tâm huyết cho công tác Đảng cũng bị giới hạn. Có những hoạt động cần phải tham gia nhưng lại vướng công việc sản xuất.

Trong khi đó, ông Võ Văn Yên cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp là về công tác nhân sự. Bởi những đơn vị cổ phần không còn vốn Nhà nước hoặc vốn Nhà nước không chi phối thì nhân sự lãnh đạo là do Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị (HĐQT) của đơn vị đó quyết định.

Do vậy, lãnh đạo tổ chức Đảng phối hợp với HĐQT trong việc đánh giá nhận xét và giới thiệu cán bộ có năng lực, phẩm chất để HĐQT có cơ sở bố trí và sử dụng phù hợp.

Khó khăn thứ hai là về thời gian. Theo ông Võ Văn Yên, thời gian sinh hoạt của cấp ủy cơ sở sẽ có hạn chế hơn. Khi HĐQT giao nhiệm vụ thì cán bộ đảng viên phải thực hiện xong nhiệm vụ rồi mới đến nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng. Đây cũng là một trong những khó khăn trong thực hiện sinh hoạt theo quy định.

“Tuy nhiên, do có xây dựng quy chế phối hợp giữa cấp ủy, HĐQT, ban điều hành để tạo một cơ chế pháp lý thuận lợi giúp tổ chức Đảng dựa vào đó để thực hiện. Tất nhiên, đa số đơn vị thực hiện thuận lợi nhưng cũng có một số đơn vị gặp khó khăn nhất định, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có liên doanh, liên kết với nước ngoài”, ông Võ Văn Yên chia sẻ.

Cần sự sâu sát từ lãnh đạo doanh nghiệp

Nêu những giải pháp cụ thể giúp cho công tác phát triển Đảng trong các doanh nghiệp được thuận lợi, ông Võ Văn Yên cho rằng, các đơn vị doanh nghiệp cần phải thường xuyên tổ chức, phát động các phong trào thi đua tăng năng suất lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ,… Trong đó, cán bộ đảng viên là người tiên phong, gương mẫu đi đầu thực hiện, tạo động lực và năng lượng tốt, cởi mở giúp đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ đạt hiệu quả.

anhyen3.jpg
Ông Võ Văn Yên cho rằng, các đơn vị doanh nghiệp cần phải thường xuyên tổ chức, phát động các phong trào thi đua tăng năng suất lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ - Ảnh: Đình Đại.

Từ đó, lãnh đạo đơn vị thấy được vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể luôn vì sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, qua những phong trào thi đua đó sẽ phát hiện những nhân tố tích cực để giáo dục bồi dưỡng và giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp. Bên cạnh đó, việc làm này cũng tác động hai chiều, vừa ổn định sản xuất vừa đảm bảo phát triển được đảng viên mới.

Song song đó, các tổ chức đoàn thể cũng phải đi sâu, đi sát với người lao động, trao đổi, giải thích, động viên, uốn nắn để người lao động thấy được những chủ trương, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước đề ra là phù hợp và giúp ích cho người lao động. Từ đó, tiếp xúc thường xuyên và lan tỏa những gương điển hình, những thông tin tích cực từ cơ chế chính sách để giúp họ thông suốt, thấu hiểu, cùng đồng hành chia sẻ, đồng thời thấy được lợi ích từ chủ trương của Đảng mang lại. Thứ nhất là an tâm về tư tưởng để thực hiện công việc tốt hơn, được tổ chức Đảng, đoàn thể bảo vệ cho mình. Thứ hai, tránh được những sai lầm, khuyết điểm mà lợi ích kinh tế làm cho lý trí bị lu mờ vì vào Đảng là phải nhớ những điều đảng viên không được làm để rèn luyện và đưa mình vào khuôn khổ, tránh những sai lầm, vi phạm xảy ra.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Phương cho rằng, để công tác phát triển Đảng tại doanh nghiệp được thuận lợi, ban lãnh đạo doanh nghiệp phải luôn gần gũi, sâu sát với người lao động, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, cũng như những khó khăn của người lao động, qua đó kịp thời phát hiện ra những nhân tố ưu tú, có năng lực và phù hợp để bồi dưỡng, giới thiệu cho tổ chức Đảng.

Bên cạnh đó, thông qua các buổi sinh hoạt chung, các cuộc họp hàng tháng, các Chi bộ sẽ báo cáo tìm kiếm nguồn quần chúng để phát triển Đảng, thông qua danh sách của các Chi bộ, Đảng bộ sẽ xem xét cử đi học lớp cảm tình Đảng. Song song đó, lãnh đạo doanh nghiệp cũng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ để những quần chúng ưu tú này trong quá trình đi học thì không phải tham gia sản xuất, nhưng vẫn được chấm công đầy đủ.

“Đối với việc sinh hoạt Đảng hàng tháng, ở Đảng bộ Việt Hưng, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ ưu tiên sắp xếp công việc sản xuất để các đảng viên được tham gia sinh hoạt Đảng trong giờ làm việc, một mặt để đảng viên cảm thấy không bị đối xử, mặt khác cũng là để người lao động cảm thấy yên tâm hơn, qua đó, thu hút được nhiều quần chúng ưu tú hơn cho tổ chức Đảng”, Bí thư Đảng bộ Công ty CP Việt Hưng Nguyễn Thị Thanh Phương chia sẻ thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải pháp phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO