Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đề xuất được "trợ lực"

THY HẰNG 06/11/2021 09:30

Dù đánh giá cao các chính sách hỗ trợ, tuy nhiên doanh nghiệp cho rằng, còn khoảng cách lớn giữa chính sách và đời sống sản xuất kinh doanh, do đó còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả.

Phát biểu tại Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tp Hà Nội (Hanoisme) cho biết, đại dịch COVID-19 hiện nay đang đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và những khó khăn vô cùng lớn đối với toàn bộ nền kinh tế.

Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày 6/11.

Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày 6/11.

Khoảng cách chính sách và cuộc sống

Đặc biệt, làn sóng COVID lần thứ tư, đã tạo nên một sự xáo trộn lớn và có tác động rất tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong đó khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Trong khi đó, số doanh nghiệp này hiện chiếm 98,2% trên tổng số 318.000 doanh nghiệp của TP Hà Nội.

Mặc dù khẳng định, Chính phủ, Thành phố luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong việc ban hành các chính sách toàn diện về: tài khoá, tiền tệ. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hanoisme cũng thẳng thắn: “Các chính sách được đánh giá là hữu ích, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế, đòi hỏi cần có các giải pháp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống”.

Cụ thể, bên cạnh những chính sách được đánh giá cao như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng; giảm lãi suất cho vay; cho vay mới; giảm tiền thuê đất; tiền điện; gia hạn đóng thuế TNDN, GTGT, thì các doanh nghiệp cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.

Về giảm tiền thuế đất phải nộp của năm 2021 đối với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Ngày 25/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021, theo đó, giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với các đối tượng nêu trên.

ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tp Hà Nội (Hanoisme)

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tp Hà Nội (Hanoisme).

“Các gói chính sách về tài khoá phản ứng khá nhanh và được áp dụng ngay. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ vẫn khiêm tốn, chủ yếu mang tính tâm lý vì giãn thuế thì vẫn phải nộp”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Đại diện Hanoisme cũng nhắc tới các giải pháp về miễn, giảm thuế được Chính phủ ban hành như Nghị định số 92/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; Chính sách giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày, hiện nay đang trình Bộ Tư pháp thẩm định….

"Trong khi đó, các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống. Đa số các doanh nghiệp đánh giá các chính sách được ban hành là hữu ích nhưng còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả”, Phó Chủ tịch Hanoisme khẳng định.

Mọi chính sách đều hướng đến người dân, doanh nghiệp

Khẳng định mọi chính sách đều hướng đến người dân, doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh cũng cho biết, kết quả khảo sát của Hanoisme cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, Thành phố tiếp tục có các giải pháp tập trung vào 05 nhóm vấn đề chính.

“Doanh nghiệp mong muốn lãnh đạo Trung ương và Thành phố sẽ cam kết đưa ra thông điệp cụ thể và mạnh mẽ để cùng người dân, doanh nghiệp đoàn kết chung sức xây dựng phát triển Thành phố Hà Nội những tháng cuối năm 2021 và năm 2022 bứt phá”, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tp Hà Nội (Hanoisme)

Cụ thể, nhóm vấn đề thứ nhất, đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 để duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Có giá cho thuê ưu đãi, chương trình hỗ trợ thiết thực đối với các doanh nghiệp làng nghề để thu hút các doanh nghiệp này đưa nhà máy sản xuất vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp.

Nhóm vấn đề thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động, đào tạo, đào tạo lại, tạo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động (ưu tiên tiêm vaccine nhanh nhất có thể cho đối tượng này); lãi suất cho vay tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với phương án kinh doanh của các doanh nghiệp (các điều kiện cho vay về tài sản đảm bảo cần có phương án phù hợp hơn).

Nhóm vấn đề thứ ba, doanh nghiệp đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cho phép doanh nghiệp được tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội hết năm 6/2022.

Nhóm vấn đề thứ tư, chi phí logistics ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các mắt xích logistics và có giải pháp ổn định chi phí này;

Nhóm vấn đề thứ năm, đề nghị Chính phủ ban hành chính sách có tính chất dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh; các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số.

Tạo nền tảng cho doanh nghiệp "hồi sinh"

Từ những thực tế và yêu cầu trên, đại diện Hanoisme đề xuất, trước hết với Chính phủ và các Bộ ngành.

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức các chương trình hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp (off line và online), tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc với nhiều hình thức phù hợp để kịp thời giải quyết và sau đó đánh giá thực chất kết quả xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác về hỗ trợ doanh nghiệp năm 2021 và giai đoạn đến năm 2025. "Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài ngân sách. Trong đó, đẩy nhanh các gói đầu tư công, ưu đãi dành các dự án phù hợp với năng lực thực hiện của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp làng nghề", ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Thứ ba, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, các thủ tục hành chính thuộc các ngành như: quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, y tế, chuyển đổi số.

Với Thành phố Hà Nội và các Sở ban ngành, thứ nhất, các Sở, ngành TP Hà Nội triển khai đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của đề án, chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sở, ngành quản lý để chỉ số PCI của Hà Nội luôn nằm trong tỉnh thành được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tốt. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội sẽ cơ quan đầu mối xây dựng, phát triển, kết nối chuỗi liên kết giá trị, giữa bên mua bên bán, giữa Hà Nội với các tỉnh, giữa các Doanh nghiệp FDI, Doanh nghiệp quy mô lớn, tiềm năng với các Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Doanh nghiệp làng nghề, Doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thứ hai, nghiên cứu, tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc cho phép chậm nộp các loại thuế (thuế TNDN, thuế nhập khẩu) cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, logistic, công nghiệp, dệt may, da giày, khu công nghiệp, bất động sản....

Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, hội chợ ảo trên nền tảng trực tuyến, có giải pháp mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, kết nối bên mua bên bán, đẩy mạnh xuất khẩu.

Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các chi phí mặt hàng thiết yếu như: điện, nước, xăng dầu…. thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả. Phân bổ và đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn cho vay, giải quyết việc làm phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân và cho vay giải quyết việc làm đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư; tiếp tục cơ cấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên dành nguồn chi đầu tư phát triển.

Thứ tư, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ đề nghị có các gói giải pháp hỗ trợ về chính sách, tài chính, đào tạo.

“Doanh nghiệp mong muốn lãnh đạo Trung ương và Thành phố sẽ cam kết đưa ra thông điệp cụ thể và mạnh mẽ để cùng người dân, doanh nghiệp đoàn kết chung sức xây dựng phát triển Thành phố Hà Nội những tháng cuối năm 2021 và năm 2022 bứt phá”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh. 

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội gỡ khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19

    09:20, 06/11/2021

  • Doanh nghiệp Hà Nội thích ứng để hồi phục

    14:14, 10/10/2021

  • Doanh nghiệp Thủ đô mong “hồi sinh” nhờ chính sách “mở cửa” mạnh dạn

    13:57, 10/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đề xuất được "trợ lực"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO