Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang bị thiệt thòi, bất bình đẳng.
>>Doanh nhân Việt Nam thể hiện ý chí, nghị lực của dân tộc Việt Nam
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà góp ý tại cuộc làm việc giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09 Trần Tuấn Anh với đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân về tình hình thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn cho rằng, trong các chính sách thu hút, hỗ trợ hiện nay thì khối doanh nghiệp FDI "đang lợi hơn nhiều" so với doanh nghiệp trong nước. Trong khi doanh nghiệp trong nước phải có trách nhiệm xã hội nhiều hơn. “Phải chăng đây là một trong nhữngnguyên nhân khiến chúng ta không đạt được mục tiêu đến 2020 có được 1 triệu doanh nghiệp?”, ông Sơn bày tỏ.
Vậy trợ lực ở đây là gì? Theo ông Sơn, có thể dùng các chính sách hỗ trợ để “mở đường” ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển đi lên. Cụ thể, ông Sơn “hiến kế” nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống dưới 20%, có thể 15%. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nguồn bù ở đâu? Ông Sơn cho rằng, nguồn bù chính là tăng thuế VAT, từ đó sẽ bù đắp một phần cho thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đặc biệt, khi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tạo ra sự “hồ hởi” cho doanh nghiệp hăng hái nộp thuế. Với 5 triệu hộ kinh doanh dùng thuế khoán khi thấy thuế thu nhập doanh nghiệp thấp sẽ đăng ký mở sổ để có mã số, nhập sổ sách và dần đi vào kinh doanh đàng hoàng. “Còn hiện nay, sau khi tính toán các hộ kinh doanh thấy thuế tính vẫn bị cao cho nên loanh quanh chỉ xin nộp thuế khoán”, ông Sơn nói.
>>Nghị quyết 09: Nam Định chọn con đường và bước đi riêng
>>Nghị quyết 09: Tạo đà cho Nam Định có những con số “ngoạn mục”
>>Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Cụ thể hoá Nghị quyết 09 bằng nhiều sáng kiến
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai cho rằng, Nghị quyết mới phải tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, ưu tiên, ưu đãi và bình đẳng giữa các doanh nghiệp tư nhân và DNNN. Theo ông Long, trong thời gian qua doanh nghiệp tư nhân với DNNN và doanh nghiệp FDI không có sự bình đẳng.
Vẫn theo ông Long, chúng ta có hàng triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhà hàng nhưng muốn phát triển thành các doanh nghiệp thì ngoài thông thoáng về cơ chế chính sách và giảm thuế thì cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được thuê đất với giá ưu đãi.
“Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhà hàng thuê được những vị trí đất và trả tiền hàng năm thì đây cũng là tạo điều kiện để phát triển các cơ sở này lên thành doanh nghiệp”, ông Long nói.
Thực tế, ông Long đánh giá các cơ sở này thường ít vốn nếu phải bỏ tiền ra mua đất, sau đó đầu tư trang thiết bị, công nghệ… thì “còn đâu tiền” để hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Từ đó, ông Long đề nghị cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này được thuê đất với giá ưu đãi để họ có điều kiện phát triển. Ngoài ra, ông Long cũng đề nghị khi các doanh nghiệp hoạt đồng sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì cần được biểu dương, khen thưởng kịp thời.
“Thậm chí phải vinh danh những tập thể, cá nhân ở những chương trình tổng kết. Đơn cử, VCCI tổng kết doanh nhân Việt Nam tiêu biểu hay Ban Kinh tế Trung ương tổng kết về phát triển đảng viên trong cộng đồng doanh nghiệp thì nên có sự ghi nhận”, ông Long đề xuất.
Trao đổi về các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chúng ta cùng phải thảo luận, phân tích những tư tưởng, quan điểm, định hướng và chủ trương chính sách đã triển khai trên thực tế đến đâu và có đạt được hay không?
Trên cơ sở đó mới làm rõ cái gì làm được, cái gì chưa để sau đó sẽ kế thừa những cái nào còn nguyên giá trị để làm nghị quyết mới. Bên cạnh kế thừa thì phải phát triển, tiếp thu thêm những cái mới, phát hiện những vấn đề mới để đưa vào nghị quyết mới.
Từ đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phân tích, thay vì chỉ nhận diện thì phải làm rõ những tồn tại cũng như kết quả đạt được.
Ví dụ, việc tổ chức thực hiện trong thời gian vừa qua ở cả phạm vi quốc gia cũng như từng địa phương, từng lĩnh vực ngành trong xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, công khai, bình đẳng và minh bạch.
“Chúng ta làm được đến đâu và còn vướng mắc gì về thể chế, pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, điều hành chủ trương, chính sách? Những vướng mắc có phải do nhận thức không đúng, chưa đầy đủ về các thành phần kinh tế khác nhau, kể cả ngoài nhà nước, trong nhà nước và của nước ngoài? Nguyên nhân cụ thể của những vướng mắc đó”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
12:04, 14/09/2022
03:40, 14/09/2022
19:25, 09/09/2022
18:42, 09/09/2022
00:09, 06/09/2022
00:26, 19/08/2022