Người lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội sẽ tạo ra một khoản chi phí đáng kể đối với doanh nghiệp.
Theo đó, điều này có thể làm ảnh hưởng tới sức hấp dẫn của môi trường đầu tư và việc tuyển dụng lao động chất lượng cao trong bối cảnh Việt Nam đang cần nguồn nhân lực này.
Cụ thể, từ ngày 1/12/2018, Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn đủ từ 1 năm trở lên thì thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ, nếu người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp hoặc đã đủ tuổi.
Liên quan đến nội dung này, trao đổi với PV Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Chistine M.Y.Wong – Phó Tổng Giám đốc- Công ty TNHH Crystal Martin (Việt Nam) thuộc Tập Đoàn Crystal Hồng Kông cho biết: “Với đặc thù là một doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc, xuất khẩu đi các thị trường châu Âu và châu Mỹ, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực đòi hỏi kỹ thuật cao, tinh xảo. Trong bối cảnh, người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn các nhất này, doanh nghiệp cần thiết phải thuê các chuyên gia kỹ thuật từ nước ngoài. Như vậy, họ chỉ làm việc tại Việt Nam trong một thời gian, sẽ trở về nước, vì vậy họ không cần phải hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội tại Việt Nam”.
Cũng theo vị này, thì quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nước ngoài là điều không cần thiết.
Đồng tình với quan điểm của bà Chistine M.Y.Wong, ông Nicolas Audier - Đồng Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp cũng cho rằng: “Những khoản đóng góp này sẽ trở thành một khoản chi phí đáng kể cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nước ngoài tại Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh đây là nguồn lao động rất cần thiết trong chiến lược phát triển của Việt Nam”.
Theo đó những tổ chức giáo dục và các ngành công nghiệp phụ thuộc vào công nghệ sẽ là những ngành đòi hỏi doanh nghiệp phải tuyển nhiều lao đông nước ngoài là chuyên gia hoặc kỹ sư để tới Việt Nam làm việc.
Thời điểm áp dụng năm chế độ đối với người lao động là công dân nước ngoài sẽ khác nhau. Đối với các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản; tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp sẽ được áp dụng kể từ ngày 1/12/2018. Các chế độ dài hạn như hưu trí và tử tuất sẽ được áp dụng khoảng 3 năm sau, tức ngày 1/1/2022.
Có nghĩa là kể từ sau ngày 1 tháng 1 năm 2022, nhân viên nước ngoài sẽ phải tuân thủ tất cả các chế độ bảo hiểm xã hội, với mức đóng tương tự như lao động Việt Nam.
Theo phân tích của ông Nicolas Audier, nếu tính theo cách tính được đưa ra trong Nghị định số 143/2018/NĐ-CP là người sử dụng lao động phải đóng góp 17,5%, người lao động phải đóng góp 8%, mức lương với mức trần 20 lần mức lương tối thiểu chung, trong khi hiện tại là 27,8 triệu đồng, nhưng có khả năng sẽ tăng lên trong năm 2022.
Chính vì vậy, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu đang kinh doanh tại Việt Nam, ông Nicolas Audier, đề xuất: “Chính phủ và Bộ LĐTBXH không nên áp dụng chế độ bảo hiểm hưu trí này cho lao động nước ngoài và đưa ra các thủ tục đơn giản giúp nhân viên nước ngoài có thể yêu cầu trợ cấp một lần khi hồi hương từ Việt Nam”.
Đây chỉ là 2 trên nhiều ý kiến phản hồi trong số rất nhiều hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài khác đang làm việc tại Việt Nam liên quan đến nội dung này. Những kiến nghị này cho thấy cần thiết phải có những giải pháp tối ưu để làm hài hoà lợi ích của doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi của người lao động khi làm việc tại Việt Nam.
Được biết, hiện nay, nhằm hỗ trợ người nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội tại Việt Nam. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội cùng với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đàm phán các hiệp định song phương về Bảo hiểm xã hội thế hệ mới. Việc thực hiện đàm phán này nhằm hạn chế việc đóng trùng và đảm bảo quyền lợi được hưởng của người tham gia bảo hiểm xã hội.