Doanh nghiệp phải biết “chiếm chỗ” trong chuỗi cung ứng mới

Nguyễn Việt thực hiện 09/05/2020 12:15

Nếu doanh nghiệp không đổi mới công nghệ, nâng cao quản trị doanh nghiệp… thì sẽ mất đi cơ hội phát triển bền vững, và tham gia vào chuỗi cung ứng mới.

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh với DĐDN tại Hội nghị trực tuyến “Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp”, sáng 9/5.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Nguyễn Việt

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Nguyễn Việt

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Covid-19 đã cho thấy những yêu cầu và thực tiễn phải đẩy nhanh kết nối chuỗi cung ứng.

- Theo Bộ trưởng, đâu là điểm yếu nhất của chuỗi cung ứng của chúng ta?

Khâu trung gian cồng kềnh, chuỗi cung ứng chưa có quan hệ hữu cơ, gắn với mục tiêu vì lợi ích chung, vì liên kết lỏng lẻo và thiếu tính bền vững. Do đó, rất cần có một số cơ chế chính sách đặc thù, bằng những công cụ cơ chế thị trường và khung khổ luật pháp trong điều hành của nền kinh tế thị trường. 

- Còn với thương mại thị trường nội địa, thưa Bộ trưởng?

Phải khẩn trương thúc đẩy hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đổi mới công nghệ phát triển thương mại nội địa, trên cơ sở nền tảng thương mại điện tử, công nghệ số. Giải quyết ngay một số khâu quan trọng về cơ sở pháp lý để đảm bảo quyền lợi và lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp trong đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại. Thương mại điện tử là cột trụ quan trọng cho thương mại nội địa và thương mại xuyên biên giới đối với Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid-19 này.

Vấn đề đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại gắn với thương mại điện tử phải được nâng lên tầm cao mới. Với việc nâng cao năng lực, thể chế của các cơ quan quản lý nhà nước và các lực lượng chức năng. Hoàn thiện các khung khổ pháp luật để có đủ sức răn đe đối với hành vi gian lận và buôn lậu thương mại. Buôn lậu và gian lận thương mại có tác động và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường, doanh nghiệp và người dân.

Cơ quan Tổng cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương được tổ chức lại đã phát huy vai trò trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, công cuộc đấu tranh chống buôn lậu không chỉ dừng lại ở một lực lượng, mà phải có sự vào cuộc của tất cả các lực lượng chức năng, với chiến lược “đánh tập trung, có trọng điểm”. Chỉ có như vậy, thì công cuộc đấu tranh với đường lậu, xi măng lậu, phân bón giả hay với những mặt hàng tiêu dùng khác mới được ngăn chặn kịp thời, bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

- Bộ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của thị trường ngoài nước đối với doanh nghiệp?

Đây là yếu tố then chốt, vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam lên tới hơn 200%. Trong khi năng lực sản xuất lại vượt xa so với nhu cầu của thị trường nội địa. Đơn cử, dệt may chỉ có 10% sản lượng được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Do đó, yếu tố sống còn đối với phát triển bền vững của nền kinh tế và doanh nghiệp là  giữ ổn định thị trường ngoài nước.

Một số thị trường ngoài nước đang được các doanh nghiệp duy trì tốt như Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ. Quý I/2020 mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, nhưng tăng trưởng thương mại xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt mở mức 4,8%, trong khi nhiều nước có mức tăng trưởng âm.

Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan mà cần nhìn rõ hơn các thách thức mới. Cụ thể, khả năng suy thoái kinh tế tại những thị trường lớn là đối tác của Việt Nam, đang cho thấy khó khăn rất lớn về xuất khẩu.

Ngoài ra, chúng ta cũng đang phải đối mặt với việc tác cấu trúc nguồn cung ứng trên phạm vi toàn cầu. Từ câu chuyện thu hút, điều chỉnh lại các hoạt động đầu tư sản xuất ở tại các thị trường bên ngoài, đến xây dựng lại chuỗi cung ứng mới, với sự tham gia của các nhà sản xuất, xuất khẩu ở nhiều khu vực trên thế giới. Việt Nam cần đặt mình trong tâm thế này để đưa ra những giải pháp phù hợp.  

Tuy nhiên, dù ở mức độ nào thì cũng phải khẳng định, quan hệ thương mại và hợp tác trên nền tảng hội nhập sâu rộng của Việt Nam, đặc biệt với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA hay các khung khổ hợp tác thương mại của ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…sẽ luôn là nền tảng quan trọng, mang lại cơ hội cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu, tái cơ cấu lại nền kinh tế một cách hiệu quả.

-Vậy, về phía các doanh nghiệp sẽ cần phải làm gì, thưa Bộ trưởng?

Bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp cũng phải chủ động cơ cấu lại chiến lược kinh doanh của mình. Đặc biệt, không thụ động trước những chính sách kiến tạo của chính phủ. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể tác động chính sách đó đến đâu, cần làm như thế nào để chính phủ biết và cùng song hành.

Nếu doanh nghiệp không đổi mới công nghệ, nâng cao quản trị doanh nghiệp cũng như trình độ chuyên môn cho người lao động thì sẽ đánh mất cơ hội phát triển bền vững, cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng mới. Đây là nội dung Bộ Công Thương sẽ làm việc với VCCI, Hiệp hội DNNVV cùng các hiệp hội ngành hàng khác để xây dựng kế hoạch phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, phòng vệ thương mại, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cơ cấu lại các lĩnh vực trong công nghiệp, thương mại… cho các doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Những kiến nghị của Bộ Công Thương tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp:

Thứ nhất, Bộ Công Thương sẽ cùng với các bộ, ngành đánh giá lại những vấn đề đang đặt ra cho sự tồn tại, phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó có các gói hỗ trợ thông qua ngân hàng, tài chính, an sinh xã hội. Đối với vấn đề kích hoạt và đưa nền kinh tế hoạt động trở lại ở trạng thái bình thường mới, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và khả năng của cộng đồng doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, như tiếp cận thị trường, khôi phục lại các chuỗi cung ứng của nguồn cung, cũng như các điều kiện để hoạt động sản xuất vật chất và kinh doanh trong điều kiện vẫn phải tiếp tục phòng chống dich bệnh.

Thứ hai, giải quyết cụ thể từng nhóm khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải, đây là trọng tâm ưu tiên của Bộ Công Thương. Câu chuyện khôi phục lại nguồn cung trong chuỗi cung ứng mà Việt Nam đang tham gia, như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ, sản phẩm lượng thực, nông sản chế biến…là những nội dung Bộ đang nghiên cứu và hoạch định lại chính sách. Bao gồm những giải pháp ngắn hạn và dài hạn.

Với giải pháp ngắn hạn, tối đa hóa hợp tác với các đối tác để khôi phục lại những nguồn cung từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN… đồng thời đa dạng hóa thị trường tiềm năng như Ấn Độ. Về dài hạn, sàng lọc, xác định những lĩnh vực ưu tiên để tập trung phát triển thông qua các cơ chế, chính sách mới để thu hút nguồn đầu tư của xã hội, đặc biệt là FDI. Việc này sẽ giúp chúng ta phát triển nhanh và kịp thời các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Từ đó, các chuỗi cung ứng như dệt may, da giày, điện tử…của doanh nghiệp Việt Nam không còn bị phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung từ một số thị trường trọng yếu. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hậu Covid-19 của Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác như Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng, Tài chính…

Thứ ba, ổn định nguồn nhân lực để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vấn đề này cần được thực thi một cách kịp thời, chặt chẽ và đầy đủ, trên cơ sở hướng dẫn của chính phủ trong việc đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh. Từ đó, cụ thể hóa những yêu cầu, tiêu chí hướng dẫn của từng lĩnh vực.

Thứ tư, khai thông thị trường. Thị trường trong nước đã chứng tỏ được sức mạnh và vai trò của mình từ dịch Covid-19. Qua đây cho thấy, bên cạnh dư địa tiềm năng của thị trường với gần 100 triệu dân, chúng ta còn có cơ hội phát triển bền vững thị trường nội địa.

Có thể bạn quan tâm

  • Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Không được "đẩy qua đẩy lại" làm lỡ thời cơ của doanh nghiệp

    11:41, 09/05/2020

  • Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Korcham kiến nghị nối lại đường bay Việt Nam - Hàn Quốc

    11:12, 09/05/2020

  • Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: VCCI đề xuất bổ sung đối tượng được gia hạn tiền nộp thuế, tiền thuê đất

    10:41, 09/05/2020

  • Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: VASEP kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp "đón sóng" đầu tư

    09:53, 09/05/2020

  • Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Nên thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu

    09:08, 09/05/2020

  • Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: "Ví không có cảnh đông tàn. Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”

    08:39, 09/05/2020

  • Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Dệt may kiến nghị "nới" điều kiện dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất

    07:00, 09/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp phải biết “chiếm chỗ” trong chuỗi cung ứng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO