Doanh nghiệp “phụng sự Tổ quốc”

Trương Khắc Trà 15/09/2018 11:00

Để phụng sự Tổ quốc, doanh nghiệp phải xây trên nền tảng đủ vững, đầu tiên là sự chân chính, tiềm lực và khả năng “mang chuông đi đánh xứ người”.

Rất nhiều cách để nói về sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp với đất nước, nhưng một khi sử dụng bốn từ “phụng sự Tổ quốc” thì ý nghĩa của nó không đơn thuần như xưa nay xã hội thường nghĩ.

Đó là cách mà quyền Bộ trưởng Thông tin và Tuyền thông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ với tập đoàn công nghệ FPT tại buổi gặp gỡ nhân dịp tập đoàn này tròn 30 tuổi.

“Phụng sự” được nhắc đến khi người ta muốn nói đến điều lớn lao nhất, vĩ đại nhất bằng cách trang trọng nhất.

Để phụng sự Tổ quốc dĩ nhiên doanh nghiệp phải xây trên nền tảng đủ vững, đầu tiên là sự chân chính, tiềm lực và khả năng “mang chuông đi đánh xứ người”. Nghĩ rằng, FPT hoàn toàn có thể.

Doanh nghiệp Việt cần nuôi hoài bão vươn ra biển lớn

Doanh nghiệp Việt cần nuôi hoài bão vươn ra biển lớn

Tính đến thời điểm này Việt Nam có trên nửa triệu doanh nghiệp đang hoạt động, tất cả đều phục vụ xã hội dưới nhiều góc độ khác nhau, ít ra họ tạo công ăn việc làm, nộp thuế và là những “tế bào” của tổng thể một nền kinh tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Tại sao doanh nghiệp lớn và tập đoàn nên

    Tại sao doanh nghiệp lớn và tập đoàn nên "đi khởi nghiệp"

    13:44, 11/05/2018

  • Doanh nghiệp lớn đi trước là bệ đỡ vững chắc cho startup trong hoạt động đầu tư

    12:15, 27/04/2018

  • Doanh nghiệp lớn cũng cần khởi nghiệp

    09:03, 23/04/2018

  • "Bài toán" thu hút doanh nghiệp lớn để thay đổi bức tranh nông nghiệp Việt Nam

    13:00, 30/11/2017

  • Khởi sự kinh doanh: Hiện thực hóa ước mơ lớn

    10:35, 10/08/2015

 Một thống kê quen thuộc khi nói về doanh nghiệp Việt Nam: đa số vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Quy mô, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp quyết định đến khả năng phụng sự của họ với xã hội.

Thứ được nhắc đến nhiều nhất hiện nay là cuộc cách mạng 4.0, đó cũng là chủ đề xuyên suốt của diễn đàn kinh tế Asean vừa bế mạc tại Hà Nội, “Việt Nam là một trong những quốc gia đề cập nhiều nhất về cách mạng 4.0” - theo lời của Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc.

Để tìm lời giải cho vấn đề “Việt Nam đứng đâu hay đứng đầu trong cách mạng 4.0” tất yếu phải có sự quan tâm của toàn xã hội đến lĩnh vực công nghệ. Cách mạng 4.0 có nhiều thứ để diễn giải nhưng tóm lại là đợt “thay máu” kỹ thuật, công nghệ không thể cưỡng lại. Ví dụ như phổ biến trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, dữ liệu lớn.

Chính vì vậy doanh nghiệp công nghệ sẽ là người dẫn dắt xu thế, ông Nguyễn Mạnh Hùng quan điểm “Việt Nam muốn trở thành nước phát triển thì phải phát triển các công ty công nghệ, mà đầu tiên phải là những công ty lớn, đầu đàn”.

Xu thế tạo ra cho các doanh nghiệp công nghệ cơ hội nắm quyền làm chủ cuộc chơi, yêu cầu phải lớn mạnh không còn là ý chí chủ quan, tâm thế phụng sự Tổ quốc là đồng hành.

Ông Hùng cũng đưa ra nan đề “nhiều doanh nghiệp không nhìn thấy mối liên hệ giữa lợi nhuận và phụng sự Tổ quốc”. Đó là một thông điệp cực kỳ tế nhị, một phản biện kín kẽ đậm tính biện chứng và rất đúng với thực tế.

Xã hội trông chờ vào doanh nghiệp với tư cách là nơi nắm giữ tiềm lực vật chất lớn nhất, là khách hàng nuôi nấng doanh nghiệp thì đương nhiên xã hội không muốn bị phản bội lòng tin, trách nhiệm.

Đáng buồn là mối lợi nhuận nhiều khi khiến doanh nghiệp bất chấp, kinh doanh gian dối, làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người khác, cái mà dư luận thường hay nhắc đến là “văn hóa kinh doanh”.

Ở tầm cao hơn là “lobby chính sách” tạo thế “chân vạc” độc quyền thao túng thị trường góp phần không nhỏ tạo ra thể trạng kinh tế yếu ớt, mất sức cạnh tranh.

Vẫn liên quan đến khả năng vươn ra biển lớn “mang chuông đi đánh xứ người”, rồi thực trạng “doanh nghiệp không muốn lớn”, bất công bằng giữa các thành phần kinh tế…

“Doanh nghiệp phụng sự Tổ quốc” là tiến trình có “đầu vào” hẳn hoi, đó là kết quả chỉ mang lại khi được tạo điều kiện tối ưu, sinh ra và lớn lên trong môi trường minh bạch.

Đó là nguyên nhân vì sao nhiều doanh nghiệp kêu cứu khi gặp phải làn sóng cạnh tranh khốc liệt, là ví dụ không thể điển hình hơn của nhiều năm tồn tại trong chăn ấm nệm êm, được che chở bao bọc.

Nuôi dưỡng doanh nghiệp đủ sức phụng sự Tổ quốc cũng như chọn gà nòi, phải chăm chút từ quả trứng đến con giống, giống tốt gặp môi trường lý tưởng sẽ đem đến kết quả tốt. Và không thể áp dụng một “chính sách cào bằng”.

Cách đây 30 năm và bây giờ Việt Nam có một FPT danh tiếng nhưng ít người đặt câu hỏi vì sao người Việt không sở hữu nhiều hơn những FPT có khả năng xuất khẩu phần mềm tới những nơi được coi là “thủ phủ phần mềm” như doanh nhân Trương Gia Bình.

Cả 3 cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra, đất nước chúng ta còn bề bộn với chiến tranh và công cuộc tái thiết, nhưng lần này - cuộc cách mạng lần thứ 4, hãy xem là “cơ hội cuối cùng”.

Càng ngày tính kế thừa của những cuộc cách mạng càng sâu sắc, nếu không bắt kịp cách mạng thứ 4 thì không mong có lần thứ 5.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp “phụng sự Tổ quốc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO