“Công ty của chúng tôi quy mô 12.000 công nhân nhưng hiện nay chỉ thu hút được 20% số lượng việc làm theo nhu cầu. Người lao động hồi hương sẽ được bố trí việc làm với chế độ đảm bảo theo quy định…”.
Đây là khẳng định của ông Trần Tiến Dũng – Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn An Hưng, doanh nghiệp chuyên về may mặc có địa chỉ tại xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An nói như vậy với phóng viên trước cảnh hàng nghìn người dân từ các tỉnh phía Nam hồi hương, tránh dịch. Qua đó, nhà máy may An Hưng sẽ tạo điều kiện, sắp xếp việc làm cho con em địa phương trở về nếu có nguyện vọng bám trụ lại quê hương lâu dài.
Nỗ lực kết nối việc làm
Đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An cho biết, qua thống kê hiện nay người Nghệ An đang sinh sống, làm việc ở các tỉnh, thành trên địa bàn cả nước khoảng hơn 344 nghìn người. Đặc biệt, số lượng tập trung phần lớn ở các tỉnh, thành phía Nam như Tp HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh phía bắc như Bắc Ninh, Hải Dương…
Từ đầu năm 2021 đến nay, Nghệ An có hơn 92.000 công dân trở về từ các địa phương trong cả nước, trong đó có 66.700 lao động từ các tỉnh, thành phía Nam trở về quê tránh dịch COVID-19. Hầu hết, số công dân trở về quê lần này đều là lao động phổ thông và rơi vào cảnh mất việc làm vì dịch bệnh.
Đây là áp lực rất lớn cho Nghệ An trong bối cảnh hiện nay bởi với số lượng lớn công dân xa quê trở về như vậy, nếu không có phương án đảm bảo tốt an sinh xã hội thì nhiều hệ luỵ xấu sẽ xảy ra. Mặt khác, trong bối cảnh ảnh hưởng chung của dịch COVID-19 tác động hầu hết các tỉnh, thành trên địa bàn cả nước, Nghệ An cũng không thể nằm ngoài vùng kiểm soát được.
Làm sao để kết nối việc làm ngay sau khi công dân trở về, giúp họ không bị bỏ lại phía sau? Đó là trăn trở không chỉ riêng Nghệ An mà suốt thời gian qua, các cấp ngành Trung ương cũng đã quan tâm, chỉ đạo bằng các giải pháp về cơ chế, chính sách.
Trả lời với báo chí, ông Bùi Văn Hưng - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An thông tin rằng, hiện đã có trên 45.000 lao động đăng ký xin việc làm qua các khu kinh tế, gần 3.000 lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cũng đã thống kê, kết nối được 84 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động nếu công dân có nhu cầu đăng ký tìm việc làm.
Trong số đó, qua khảo sát thì có có 57 doanh nghiệp trong tỉnh cần 15.000 lao động, với mức lương từ 5-30 triệu đồng, tùy năng lực chuyên môn tay nghề và vị trí ứng tuyển…
Cũng qua các kênh giới thiệu việc làm, tỉnh Nghệ An sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa công dân trở về địa phương tìm kiếm, lựa chọn nơi sinh kế lâu dài tại quê nhà. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động khi trở về cũng sẽ được phổ biến, áp dụng xuống từng địa phương để người dân nắm bắt.
Riêng về việc chi trả hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68 NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, tính đến ngày 30/9/2021 đã chi hơn 19,2 tỉ đồng hỗ trợ hơn 12.900 lượt đối tượng cho người lao động, doanh nghiệp sử dụng lao động.
Doanh nghiệp “nội địa” sẵn sàng đón người lao động hồi hương
Cũng theo ông Bùi Văn Hưng - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trong tổng số 84 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, hiện nay có 57 doanh nghiệp trong tỉnh cần 15.000 lao động, với mức lương từ 5-30 triệu đồng, tùy năng lực chuyên môn tay nghề và vị trí ứng tuyển…
Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi Nghệ An có chủ trương thu hút các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực số lượng lớn như may mặc, dày da…về các vùng quê xây dựng nhà máy đã giải quyết phần lớn việc làm tại chỗ cho con em địa phương. Các huyện như Tân Kỳ, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu cũng đang được thu hút nhà đầu tư ngành dệt may về xây dựng nhà máy với quy mô sử dụng hàng vạn lao động.
Chủ trương này của Nghệ An đã phần nào giúp người dân thoát cảnh “ly nông không phải ly hương” vào các tỉnh, thành phía Nam tìm kiếm việc làm trong suốt nhiều thập kỷ qua. Chính vì vậy, với số lượng lớn công dân hồi hương trở về quê qua các đợt vừa qua cũng là cơ hội để những nhà máy may mặc, dày da phát huy hết công suất thiết kế, không bị rơi vào cảnh khủng hoảng lao động.
Nghệ An là tỉnh có dân số đứng thứ 4 cả nước, hàng năm có gần 50 ngàn người bước vào độ tuổi lao động. Chỉ tính riêng trong năm 2020, dân số tỉnh Nghệ An là 3,36 triệu người, trong đó khoảng 1,93 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 57,3% dân số. Đây là nguồn nhân lực dồi dào để các doanh nghiệp lựa chọn, sử dụng.
Ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn An Hưng doanh nghiệp chuyên về may mặc có địa chỉ tại xã Công Thành, huyện Yên Thành cho biết, từ khi đi vào vận hành từ đầu năm 2021 đến nay mới chỉ tuyển dụng được hơn 2.000 công nhân vào làm việc. Trong khi đó, nhu cầu của nhà máy may của doanh nghiệp có công suất thiết kế, tạo việc làm cho trên 12.000 công nhân.
“Công ty của chúng tôi quy mô 12.000 công nhân nhưng hiện nay mới chỉ thu hút được hơn 20% số lượng việc làm theo nhu cầu. Người lao động hồi hương sẽ được bố trí việc làm với mức lương, chế độ đảm bảo theo quy định…” – ông Trần Tiến Dũng cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An sẽ làm gì khi được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù?
16:48, 12/10/2021
Lực lượng chức năng Nghệ An căng mình đón công dân từ miền Nam trở về
11:00, 06/10/2021
"Phiên chợ 0 đồng" Đà Nẵng tiếp sức người về quê tránh dịch
11:00, 10/10/2021
Đà Nẵng mở hầm Hải Vân, trung chuyển miễn phí người từ TP HCM về quê tránh dịch
14:14, 30/07/2021