Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp là tác giả, là trung tâm của chính sách siêu kết nối vì sự phát triển bền vững của châu Á.
Theo đó, tại buổi họp báo thông tin về Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh châu Á (ABS) lần thứ 10 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) tổ chức, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, các cộng đồng doanh nghiệp châu Á cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, nhất là với những doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội liên quan tới vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và công nghệ xanh cũng như phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Cụ thể, trong chiến lược phát triển châu Á thời kỹ thuật số, Chủ tịch VCCI cho biết, cộng đồng doanh nghiệp châu Á đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề an ninh mạng và nhu cầu tăng cường hợp tác ở cấp độ khu vực và toàn cầu, từ cấp độ doanh nghiệp đến Chính phủ.
Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới đang chịu những tác động mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghệ, từ nền kinh tế số, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà trong mọi mặt của xã hội, của cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
17:59, 16/10/2019
05:00, 16/10/2019
05:00, 16/10/2019
08:57, 13/09/2018
"Nỗ lực của chúng tôi là xây dựng một châu Á siêu kết nối, kết nối châu Á, kết nối toàn cầu vì sự phát triển bền vững của châu Á, của toàn cầu. Trong bối cảnh này, sự hợp tác xuyên bên giới vô cùng quan trọng", TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Chính trong thời điểm này, cộng đồng kinh doanh châu Á đòi hỏi các nền kinh tế châu Á cam kết với một khung chính sách mở và tìm kiếm các cơ hội đến từ cuộc cách mạng đổi mới kỹ thuật số, thúc đẩy thực hiện các tiến bộ công nghệ trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch VCCI, để đảm bảo sự phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần chung tay với Chính phủ để hợp tác trong việc thiết lập các tiêu chuẩn sản xuất xanh và sử dụng nguồn nước tại các dòng sông.
"Đây là yếu tố quan trọng trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Cộng đồng doanh nghiệp kêu gọi các thành phố châu Á tăng cường giao lưu kết nối và sẻ chia kinh nghiệm trong thực tiễn để xây dựng và phát triển xã hội thông minh", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Với chiến lược "Châu Á toàn cầu: Quan hệ đối tác để phát triển toàn diện", các Hiệp hội doanh nghiệp châu Á nêu rõ, cộng đồng doanh nghiệp khu vực cam kết thương mại tự do và cởi mở là lựa chọn tốt nhất để mang lại sự tăng trưởng bền vững và toàn diện, dẫn tới sự thịnh vượng cho tất cả các nền kinh tế trong khu vực châu Á dù bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường.
Đáng chú ý, ABS 2019 đã nhắc đến vai trò của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa sẽ tiếp tục là trụ cột của nhiều nền kinh tế châu Á trong tương lai. Do đó, việc khuyến khích các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vận hành để trở thành các doanh nghiệp xuyên biên giới thành công và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là vô cùng cần thiết; đồng thời mở rộng khả năng đổi mới thông qua nền kinh tế kỹ thuật số, Internet và nền tảng thương mại điện tử.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh châu Á (ABS), ông Sumi Shuzo nhận định, cộng đồng doanh nghiệp ở châu Á ủng hộ mạnh mẽ và nhận ra tầm quan trọng của vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc, khuyến khích tăng trưởng thương mại, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs).
Bên cạnh đó, mở rộng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thúc đẩy sớm thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là những mục tiêu chính trong việc hội nhập kinh tế khu vực và trên toàn cầu.
"Song song với đó, các Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) không nên riêng biệt và thương mại nên được tự do hóa để đạt được sự tương thích của WTO, hướng tới mục tiêu mang lại lợi ích chung cho mọi người", ông Sumi Shizo cho biết.
Để thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững và thịnh vượng chung, cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực và các chính phủ phải hợp tác trong xây dựng khuôn khổ pháp luật, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo để thúc đẩy kết nối.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa các nền kinh tế trong khu vực cùng thương mại tự do và cởi mở là lựa chọn tốt nhất để mang lại sự tăng trưởng bền vững và toàn diện và dẫn đến sự thịnh vượng cho tất cả các nền kinh tế trong khu vực.