Doanh nghiệp

Doanh nghiệp SME khó khăn thực hiện chính sách xanh

Hạnh Lê 05/01/2025 03:17

Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn đã sớm điều chỉnh sản xuất ứng các chính sách xanh thì các doanh nghiệp SME gặp thách thức về tài chính, cách thức thực hiện.

Các chính sách thương mại xanh đã và đang trở thành trụ cột trọng tâm trong các chính sách kinh tế của các quốc gia. Theo ông Lê Huy Huấn - Điều phối viên Chương trình tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu toàn cầu Việt Nam (CCG Việt Nam), trên thế giới hiện có hơn 70 quốc gia đưa các tiêu chuẩn xanh vào trong các hoạt động thương mại với 3 nhóm chính sách chính.

tieu dung xanh
Các chính sách ưu đãi, khuyến khích tiêu dùng xanh để thúc đẩy sản xuất xanh đang được nhiều quốc gia áp dụng

Thứ nhất, nhóm chính sách ưu đãi thuế quan và phi thuế quan cho các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường như các sản phẩm từ ngành công nghiệp tái chế, công nghệ sạch, năng lượng tái tạo.

Thứ hai, nhóm chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ hoặc nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xanh

Thứ ba, nhóm mang tính bao trùm hơn liên quan đến phát triển bền vững, giảm phát thải của mỗi quốc gia.

Các chính sách thương mại xanh trên đã và đang tác động rất nhiều đến cấu trúc về trao đổi thương mại toàn cầu, bao gồm cả chuỗi cung ứng và các mô hình kinh doanh; đồng thời thúc đẩy các nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi sang nền sản xuất xanh với các quy trình sản xuất xanh nhằm cung ứng sản phẩm xanh hơn.

Theo ông Lê Huy Huấn, các chính sách thương mại xanh có thể xem là động lực chuyển đổi sản xuất, tạo cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng thị phần xuất khẩu cho doanh nghiệp; góp phần nâng cao thương hiệu, hình ảnh cũng như khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp.

Đáp ứng các yêu cầu về kinh tế xanh, thương mại xanh, ông Lê Huy Huấn đánh giá, trong thời gian qua, Việt Nam đã chuẩn bị rất chủ động thông qua việc ban hành cơ chế, chính sách hướng đến chuyển đổi xanh, phục vụ thương mại xanh; tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ ứng dụng các sáng kiến; nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực ứng phó với những sự thay đổi của thị trường, hỗ trợ chuyển đổi công nghệ cũng như thực hiện minh bạch hóa các quy trình sản xuất, chuỗi cung ứng của của các doanh nghiệp.

san xuat xanh
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã sớm ứng dụng các sáng kiến sản xuất xanh vào quy trình, góp phần giảm phát thải

Trước sự thay đổi của thị trường, không ít các doanh nghiệp trong nước đã chủ động thích ứng. Tuy nhiên, sự chủ động này tùy thuộc vào nguồn lực, quy mô, ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp.

Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn đã sớm điều chỉnh quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn xanh thì các doanh nghiệp nhỏ gặp những thách thức về tài chính, cách thức thực hiện. Các doanh nghiệp tham gia chuỗi đang lúng túng bởi chuỗi cung ứng thường phức tạp, có sự tham gia của nhiều bên.

Chuyên gia đã lấy minh chứng từ khu vực EU khi thực hiện CBAM yêu cầu một số sản phẩm công nghiệp phải minh bạch hóa lượng phát thải hay thực hiện EUDR yêu cầu các sản phẩm nông nghiệp chịu tác động phải chia sẻ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, quá trình sản xuất để xem có làm suy thoái rừng hay không. Tuy vậy, do chuỗi cung ứng rất dài khiến doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn, không thể nắm được hết thông tin.

Nhận định trong thời gian tới, những khó khăn của doanh nghiệp không chỉ vậy, ông Lê Huy Huấn cho biết thêm, các chính sách xanh ngày càng trở nên chặt chẽ hơn, đi theo các hạng mục như giảm phát thải hoặc carbon thấp trong quá trình sản xuất; truy xuất nguồn gốc và minh bạch quy trình chuỗi sản xuất hàng hóa; sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất. Do vậy, doanh nghiệp nên thực hiện đồng bộ các giải pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp SME khó khăn thực hiện chính sách xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO