Mặc dù USTR không đề xuất Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhưng Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực.
Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) mới đây đã có báo cáo về vụ việc điều tra theo mục 301 đối với vấn đề định giá thấp tiền tệ của Việt Nam.
Theo đó, báo cáo của USTR kết luận rằng “Các hành vi, chính sách và biện pháp can thiệp của Việt Nam góp phần vào việc định giá thấp đồng tiền của Việt Nam, bao gồm những can thiệp quá mức vào thị trường ngoại hối và các hành động liên quan khác, xét trong bối cảnh tổng thể của tất cả những hành động này,” là “không hợp lý” và “gây khó khăn cho hoặc hạn chế thương mại của Hoa Kỳ.”
Điều đáng mừng là, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert E. Lighthizer cho biết “USTR hiện không đề cập hoặc đề xuất việc Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam”. Nói dễ hiểu, sẽ không có “biện pháp trừng phạt” nào được đưa ra lúc này.
Tuy nhiên, đại diện USTR cũng nói thêm rằng: “Các hành vi, chính sách và biện pháp can thiệp không lành mạnh góp phần vào việc định giá thấp tiền tệ gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ và cần phải được giải quyết. Tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ và Việt Nam có thể tìm ra con đường giải quyết các mối quan tâm của chúng tôi.”
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN chia sẻ, có thể nói, Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu giai đoạn 1 của “cuộc chiến” này là “câu giờ”.
“Các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể tạm "thở phào", nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn phải tiếp tục “chiến đấu” để đảm bảo chính quyền Biden không tiến hành các biện pháp mang tính trừng phạt trong thời gian tới. Tin vui là “xét trong bối cảnh tổng thể của mối quan hệ song phương” trong thời gian tới, hai nước có nhiều cơ hội đẩy mạnh hợp tác hơn nữa, trong đó có lĩnh vực kinh tế thương mại, hơn là trừng phạt nhau”, ông Vũ Tú Thành nhận định.
Cùng quan điểm khi trao đổi với Phóng viên, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhận định, Việt Nam còn một năm để cải thiện tình hình này.
“Theo đó, cần tăng cường nhập khẩu nhiều hơn nữa từ Mỹ để Mỹ giảm thâm hụt thương mại. Tuy nhiên đây là vấn đề khó, đòi hỏi nỗ lực hợp tác của chính quyền mới ở cả hai nước trong thời gian dài, có thể mất nhiều năm”, ông Sơn cho biết.
Ngay sau khi có báo cáo này, ông Myron Brilliant, Phó Chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ đã tuyên bố cộng đồng doanh nghiệp nước này hoan nghênh thông tin Chính quyền Hoa Kỳ sẽ không áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Myron Brilliant nói thêm: "Hành động trừng phạt thương mại là phương tiện không thích hợp để giải quyết các vấn đề về định giá tiền tệ. Trên hết, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ hết sức khuyến khích Chính phủ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược và thương mại chặt chẽ hơn với Việt Nam - quốc gia đang ngày càng trở thành một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ".
Thực tế, trong vòng mấy năm gần đây, USTR cũng công bố kết quả và cập nhật các cuộc điều tra việc một số đối tác thương mại của Mỹ áp thuế dịch vụ số (DST) đối với Hoa Kỳ, trong đó kết luận các nước này phân biệt đối xử các doanh nghiệp Mỹ và làm phương hại đến thương mại của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, USTR cũng “không thực hiện bất kỳ hành động cụ thể nào liên quan đến các kết luận trên vào lúc này nhưng sẽ tiếp tục cân nhắc tất cả các lựa chọn hiện có.”
Trước đó, trên cơ sở 3 tiêu chí: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam cùng với Thuỵ Sỹ vào danh sách các nước thao túng tiền tệ theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.
Kể từ khi Đạo luật Cạnh tranh và Ngoại thương Omnibus năm 1988 được ban hành, Mỹ đã chỉ định các quốc gia sau đây là thao túng tiền tệ: Hàn Quốc vào năm 1988, Đài Loan vào năm 1988 và một lần nữa vào năm 1992, và Trung Quốc từ năm 1992 đến năm 1994. Ấn Độ được thêm vào danh sách năm 2017.
Vào tháng 5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đã loại Ấn Độ và Thụy Sĩ khỏi danh sách giám sát tiền tệ của mình nhưng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam vẫn nằm trong danh sách này.
Về áp dụng biện pháp trừng phạt, cho đến thời điểm hiện tại Trung Quốc là quốc gia duy nhất bị Mỹ trừng phạt khi bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ. Việc đầu tiên mà Mỹ làm là đánh thuế 25% cho hàng nhập khẩu từ nước này để khiến giá cả hàng hoá vào Mỹ tăng cao hơn, từ đó hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc.
Với Việt Nam, nếu không có giải pháp nào giúp Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ thì Mỹ cũng có thể làm điều tương tự như với Trung Quốc, áp thuế 25% với các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Đó có thể là các sản phẩm dệt may, da giày, nông sản, các sản phẩm công nghiệp. Tuy nhiên, đó là giả thuyết tệ nhất.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 30/12/2020
03:20, 24/12/2020
11:00, 22/12/2020
04:00, 22/12/2020