Ngành cà phê Việt Nam, thuỷ điện nhỏ và vừa chưa bao giờ phải đối mặt với hạn hán như năm nay, khi lượng nước bị cạn kiệt, kế hoạch sản xuất của hàng loạt công ty, doanh nghiệp phải thay đổi.
>>Co-branding: Chiến lược của các thương hiệu trong việc liên minh
TừTôr hơn một tháng qua, toàn bộ cán bộ, người lao động ở Công ty TNHH MTV cà phê Ia Châm tại xã Ia Tôr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đang ra sức chống hạn, mọi phương án đều cố gắng đưa nước đến gốc cây cà phê. Đội trưởng đội sản xuất số 5 cho biết “có những vườn cây của công nhân phải nối 4 máy bơm tiếp sức đẩy nước lên vườn. Bây giờ có vất vả mấy, chúng tôi cũng phải động viên người lao động, cố gắng lấy nước cho cây cà phê”.
Tại xã Ia Tôr, huyện Ia Grai, Công ty TNHH MTV cà phê Ia Châm đang sản xuất và kinh doanh hơn 400 ha cà phê. Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, cùng với các đợt thiên tai bất lợi, ông Hoàng Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công TNHH MTV cà phê Ia Châm cho biết “Với tình hình hiện nay, chắc chắn sản lượng cà phê sản xuất tại chỗ của đơn vị sẽ giảm. Trước đó 1 tháng bị gió mạnh thổi rụng lá, còn bây giờ vườn cây chịu nắng hạn. Chúng tôi cũng đã mời các doanh nghiệp tư vấn phục hồi cây, nhưng vẫn chưa có kế hoạch khả thi”.
Hiện tại khu vực Tây Nguyên đang có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất cà phê có vốn nhà nước và hàng trăm doanh nghiệp tư nhân sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê. Chỉ tinh riêng huyện Ia Grai có 3 Công ty sản xuất cà phê có vốn nhà nước trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam.
Do đó, hạn hán đang làm thay đổi hàng loạt kế hoạch sản xuất năm, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tham gia thị trường xuất khẩu cà phê. Nhận định chung của các doanh nghiệp là việc thu mua nguyên liệu đầu vào sẽ khắc nghiệt hơn, trong đó khó khăn nhất là các doanh nghiệp có vốn nhỏ, thường xuyên phải đi vay.
CEO Nguyễn Tiến Định (Công ty Cổ phần VCU trụ sở tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), thông tin: đây là năm thứ 3 công ty xuất khẩu cà phê đi nước ngoài. Tuy nhiên đây là năm khó khăn với doanh nghiệp, bởi VCU theo đuổi cà phê sạch, hữu cơ ngay từ ban đầu. Chắc chắn, hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sản lượng hoặc giá cả. Điều này cũng làm thay đổi kế hoạch xuất khẩu cà phê của đơn vị. Tuy nhiên, chúng tôi đã có phương án dự phòng điều chỉnh sản lượng xuất khẩu, trong đó tập trung ưu tiên mua vườn trước khi thu hoạch.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn được Bộ Công thương công nhận doanh nghiệp xuất khẩu uy tín đều có nhận định sẽ điều chỉnh kế hoạch sản xuất tùy theo hạn hán. Phương án chủ yếu là tăng các đại lý, mua vườn, mua diện tích trước thu hoạch để đảm bảo sản lượng. Tuy nhiên, giảm như thế nào vẫn phải chờ cơ quan chức năng có các báo cáo về diện tích bị thiệt hại. Đây cũng là mấu chốt cho kế hoạch thu mua, chế biến và xuất khẩu.
>>Mô hình “bán lẻ” X “sạc xe” chuẩn bị lan rộng ở Việt Nam
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 579.449 tấn cà phê, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,93 tỷ USD.
Các chuyên gia của Vicofa lo ngại rằng, với diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay, mùa vụ sắp tới có thể sẽ gặp nhiều khó khăn và giá cà phê sẽ tiếp tục không ổn định.
Không chỉ ngành cà phê bị ảnh hưởng, đến nay nhiều doanh nghiệp đầu tư vào thuỷ điện nhỏ và vừa cũng như đang nằm trên đống lửa. Công ty Cổ phần Tấn Phát là một tập đoàn lớn trong lĩnh vực thuỷ điện ở tỉnh Kon Tum, sở hữu nhiều thuỷ điện nhỏ và vừa. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Quân – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tấn Phát cho biết “hiện nay các nhà máy thuỷ điện của đơn vị chỉ vận hành được 2 tiếng đồng hồ trong một ngày. So với cùng kỳ của năm trước, sản lượng điện sản xuất được đạt 70%. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất của toàn đơn vị trong năm”.
Ghi nhận tại các địa phương trong khu vực Tây Nguyên, nhiều sông suối, hồ thuỷ lợi đã cạn trơ đáy. Ông Đỗ Ngọc Hà – Quản lý điều hành nhà máy thuỷ điện Hà Tây huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai cho biết, “sản lượng sản xuất điện của nhà máy năm nay giảm nhiều so với các năm trước. Hiện nay, mỗi ngày chúng tôi chỉ chạy máy phát được 1 giờ đồng hồ. Không chỉ chúng tôi, mà nhiều thuỷ điện khác cũng trong hoàn cảnh tương tự. Đây là năm ghi nhận hạn hán kỷ lục ở Tây Nguyên, nhiều hồ sâu cũng đã bắt đầu trơ đáy”.
Ngành cà phê, các doanh nghiệp còn có giải pháp thu mua và tìm nước tưới. Còn đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực thuỷ điện nằm im chờ mưa. Hạn hán đang làm thay đổi kế hoạch sản xuất của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực cà phê và sản xuất điện. Một giấc mơ về nước đang "cháy" trong lòng người dân, doanh nghiệp ở Tây Nguyên vào lúc này.
Có thể bạn quan tâm