Doanh nghiệp Thái Bình vượt khó

TRUNG THÀNH 04/01/2024 02:00

Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình phải đối mặt với những khó khăn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực, vượt qua những khó khăn, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.

>>>Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG tại Thái Bình

Ông Nguyễn Mạnh Duân - Giám đốc Công ty TNHH Bảo hộ lao động Lan Phú (cụm công nghiệp Đông La, huyện Đông Hưng) chia sẻ: Ngay từ đầu năm, số lượng đơn hàng sản xuất mà Công ty ký được với các đối tác giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2022. Không những vậy, khối lượng và giá trị mỗi đơn hàng cũng thấp khiến cho lợi nhuận gần như không có. Nhằm bảo đảm việc làm, thu nhập cho hơn 600 lao động, chúng tôi chấp nhận ký cả những đơn hàng gia công cho các đối tác, thậm chí Công ty đang sản xuất giày phải mở rộng sang lĩnh vực may đồ gia dụng xuất khẩu để tồn tại và giữ ổn định nguồn nhân lực.

Người lao động trong Công ty TNHH Bảo hộ lao động Lan Phú thi đua sản xuất ( Ảnh: Báo Thái Bình)

Người lao động trong Công ty TNHH Bảo hộ lao động Lan Phú thi đua sản xuất ( Ảnh: Báo Thái Bình)

Không chỉ có doanh nghiệp trong ngành da giày, các doanh nghiệp dệt may cũng rơi vào tình thế vô cùng khó khăn. Là doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực tài chính, mạnh về khoa học công nghệ và có nhiều đối tác bạn hàng uy tín, nổi tiếng thế giới nhưng Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Chi nhánh Thái Bình (Công ty Tân Đệ) cũng phải căng mình chống chọi với khủng hoảng kéo dài. 

Ông Nguyễn Tiến Phương - Tổng giám đốc Công ty cho biết: Chưa bao giờ ngành dệt may khó khăn như năm 2023. Để có đơn hàng sản xuất, các doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt, chấp nhận đơn hàng nhỏ lẻ, đơn giá thấp, đòi hỏi kỹ thuật cao, tiến độ giao hàng nhanh tạo áp lực lớn ngoài dự tính lên doanh nghiệp. Nghĩ đến việc làm, cuộc sống của gần 17.000 người lao động, ban lãnh đạo Công ty Tân Đệ phải đôn đáo tìm kiếm đơn hàng sản xuất, không tính toán đến lợi nhuận mà chỉ lo làm sao có đủ việc làm cho cán bộ, công nhân.

Các doanh nghiệp ngành hàng da giày, dệt may khó khăn là vậy, các doanh nghiệp cơ khí, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng cũng xoay vần trong gian khó. Khó vì thị trường thu hẹp dẫn tới hàng hóa tồn kho, dòng vốn bị ách tắc, khó do chi phí đầu vào sản xuất gồm nguyên vật liệu, điện, than, khí gas, xăng dầu tăng cao trong khi giá sản phẩm bán ra thị trường gần như không thay đổi. Đã có không ít doanh nghiệp sức chống đỡ yếu đã phải rơi vào tình trạng “ngủ đông”. 

Theo Cục Thống kê tỉnh, từ đầu năm đến nay, khó khăn về thị trường và sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp. Đến hết tháng 11, trên địa bàn tỉnh có 567 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động và 113 doanh nghiệp không còn khả năng hoạt động buộc phải giải thể.

Theo lãnh đạo tỉnh Thái Bình: Năm 2023, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức song với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở, nhất là sự năng động, sáng tạo của mỗi doanh nhân, đoàn kết, nỗ lực của người lao động, cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình đã về đích ngoạn mục, đúng kế hoạch, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo đảm an sinh xã hội.

Khó khăn, khắc nghiệt là vậy, song cộng đồng doanh nhân Thái Bình không nao núng, từng ngày tự đổi mới, nâng cao sức khỏe, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, không chỉ duy trì hoạt động mà còn phát triển mạnh mẽ hơn. 

Ông Trần Văn Quang - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh chủ động thích nghi với tình hình mới và áp dụng các giải pháp kinh doanh linh hoạt. Các doanh nghiệp đã tìm cách cắt giảm chi phí, tăng năng suất và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, công nghệ số đã được ứng dụng rộng rãi hơn để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã tích cực đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ, công nhân viên của mình để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giúp khối doanh nghiệp trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường.

Ông Nguyễn Mạnh Duân – Giám đốc Công ty TNHH Bảo hộ lao động Lan Phú chia sẻ: Trong năm qua, Công ty đã tập trung đầu tư chuẩn hóa hạ tầng nhà xưởng, máy móc, công nghệ, quy trình sản xuất và thực hiện các chính sách an sinh xã hội đáp ứng tất cả tiêu chuẩn, tiêu chí để sản xuất và xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ. Thành công lớn nhất là Công ty đã ký kết hợp tác sản xuất và cung cấp hàng hóa cho đối tác lớn của Mỹ là Tập đoàn Target. Ngoài mang lại đơn hàng sản xuất cho người lao động, uy tín của doanh nghiệp, chúng tôi được nâng tầm, trở thành địa chỉ của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm tìm đến hợp tác.

Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình phải đối mặt với những khó khăn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực, vượt qua những khó khăn, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh (Ảnh minh họa)

Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình phải đối mặt với những khó khăn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực, vượt qua những khó khăn, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh (Ảnh minh họa)

Không để doanh nghiệp “tự bơi” giữa vòng xoáy khó khăn, trong năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh, các sở, ngành, địa phương luôn đồng hành, kiến tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Trong đó phải kể đến các hoạt động cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nắm bắt và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt. Công tác đầu tư hạ tầng kinh tế: giao thông, điện, viễn thông, hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cụm công nghiệp được triển khai đồng bộ; công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước được tỉnh tổ chức thường xuyên, quy mô lớn tạo ra cơ hội, không gian phát triển cho doanh nghiệp. 

Ông Bùi Thế Long - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park (nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy) cho biết: Thái Bình đang tạo ra sức hút đầu tư rất lớn, hấp dẫn những tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới đến hợp tác đầu tư. Được biết, năm 2023 tỉnh đã cấp mới, điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 42 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư tăng thêm 2.747 triệu USD đầu tư vào địa bàn khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh. Ngoài bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các dự án FDI có mặt tại Thái Bình chính là điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quản lý, phương thức sản xuất mới, công nghệ sản xuất tiên tiến để phát triển và hội nhập.

Theo lãnh đạo tỉnh Thái Bình: Cộng đồng doanh nghiệp đang trên đà lớn mạnh và phát triển cả về chất lượng và số lượng, vì thế bất chấp những thách thức khó khăn, năm 2023 kinh tế của Thái Bình vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Giá trị sản xuất toàn tỉnh ước đạt 203.029 tỷ đồng, tăng 6,6%; trong đó giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 103.750 tỷ đồng, tăng 8,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 69.212 tỷ đồng, tăng 15,3%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.601 triệu USD, tăng 6% so với năm 2022. Hy vọng năm 2024 với những thời cơ, vận hội mới, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh sẽ có bước phát triển vượt bậc, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Dự án xây dựng và kinh doanh nhà xưởng Nam Tài tại khu công nghiệp Liên Hà Thái bắt đầu đi vào hoạt động

Dự án xây dựng và kinh doanh nhà xưởng Nam Tài tại khu công nghiệp Liên Hà Thái bắt đầu đi vào hoạt động (Ảnh: Báo Thái Bình)

Ông Trần Văn Quang - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của các các sở, ngành, địa phương đồng hành mạnh mẽ hơn nữa với các doanh nghiệp, doanh nhân. Đồng thời giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, đón bắt cơ hội, duy trì và tiếp tục phát triển ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là động lực thúc đẩy nền kinh tế tỉnh ngày một phát triển.

Có thể bạn quan tâm

  • Thái Bình: Chuyển đổi số là cơ hội để phát triển

    Thái Bình: Chuyển đổi số là cơ hội để phát triển

    00:03, 01/01/2024

  • Quy hoạch đến năm 2050 Thái Bình là tỉnh phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng

    Quy hoạch đến năm 2050 Thái Bình là tỉnh phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng

    16:13, 30/12/2023

  • Hàng không châu Á - Thái Bình Dương

    Hàng không châu Á - Thái Bình Dương "chật vật" phục hồi

    03:00, 25/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp Thái Bình vượt khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO