Theo bà Thái Hương, nhà sáng lập và tư vấn đầu tư Tập đoàn TH, trước khi nghĩ làm được bếp ăn tử tế cho thế giới, thì trước hết chúng ta phải làm bếp ăn tử tế cho hơn 90 triệu người Việt.
Tại Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng, bà Thái Hương, nhà sáng lập và tư vấn đầu tư Tập đoàn TH True Milk cho biết, Việt Nam có đủ điều kiện để làm bếp ăn tử tế cho thế giới khi có nhiều nông sản, thực phẩm có chất lượng cao.
“Tuy nhiên, trước khi nghĩ làm được bếp ăn tử tế cho thế giới, thì trước hết chúng ta phải làm bếp ăn tử tế cho hơn 90 triệu người Việt”, bà Thái Hương nhấn mạnh.
Cùng với đó, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp mặc dù đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, tuy nhiên bà Thái Hương cũng cho biết, TH là đơn vị tiên phong vẫn sẽ kiên định tiếp tục định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Bởi doanh nghiệp Việt phải hội nhập để tồn tại, thế giới đã ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp từ rất lâu rồi.
Bà Thái Hương cũng cho rằng: “Cần sớm phải xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về chất lượng hàng nông sản theo thông lệ quốc tế để thứ nhất người tiêu dùng được hưởng lợi khi được sử dụng những sản phẩm nông sản tốt nhất, thứ hai là khích lệ các nhà sản xuất chân chính".
Thực tế, câu chuyện nói trên không phải là của riêng TH, có một CEO lĩnh vực xuất khẩu trái cây từng chia sẻ: “Nếu không có nguồn thu từ hoạt động kinh doanh khác thì doanh nghiệp khó có thể tồn tại trong ngành nông nghiệp”. Báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, doanh thu của các doanh nghiệp nông nghiệp có xu hướng tăng nhưng tổng lợi nhuận lại giảm gần 60% trong giai đoạn từ 2008-2016 và tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ tăng khoảng 28% trong cùng quãng thời gian trên.
Điều này là có căn cứ khi đầu tư cho nông nghiệp là đầu tư dài hạn, đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi đó rủi ro cao, hạ tầng thiêú hụt. Ngay cả thị trường các yếu tố đầu vào ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện cũng còn yếu. Đơn cử như thuốc bảo vệ thực vật phải nhập gần như 100%, các thiết bị máy móc nông nghiệp, dung môi sản xuất phụ thuộc nước ngoài. Điều này khiến toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp Việt Nam thấp.
"Cho dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư nông nghiệp song chưa hợp lý, mỗi nơi một khác. Các thủ tục kiểm tra chuyên ngành chồng chéo, một mặt hàng bị nhiều lần kiểm tra ở bộ. Chính sách tiền kiểm đang gây trở ngại khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận xét.
Có thể thấy, "hòn đá tảng" cản trở sự hỗ trợ của Nhà nước từ chính sách, dòng vốn...đến với doanh nghiệp đã dần lộ diện. Trên thực tế, các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao gặp rất nhiều vướng mắc liên quan tới đất đai, đặc biệt là giải quyết vấn đề về tài sản thế chấp trên đất. Khi quỹ đất làm nông nghiệp hạn chế, rất khó cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao.
Do đó, TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi đề xuất, để hỗ trợ doanh nghiệp, mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ về tín dụng như trên, nhưng cần phải thay đổi, cải tiến các thủ tục hành chínhđể doanh nghiệp tiếp cận với đồng vốn được nhanh hơn.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để các sản phẩm sạch của ngành nông nghiệp công nghệ cao có điều kiện chinh phục được người Việt, hướng đến xuất khẩu toàn cầu. “Điều này Nhà nước không có cơ chế chính sách hỗ trợ, bản thân doanh nghiệp không tự làm được” – ông Sơn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 30/07/2018
08:40, 30/07/2018
05:48, 30/07/2018
17:12, 27/07/2018
Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan đề xuất, để tăng hiệu quả ngành nông nghiệp, nhà nước cần khuyến khích và ban hành cơ chế phù hợp thúc đẩy quá trình tích hợp chuỗi giá trị từ nuôi trồng đến chế biến, nâng cao giá trị cho nông sản, xây dựng thương hiệu nông nghiệp quốc gia để cạnh tranh quốc tế.
Bên cạnh đó, nhà nước cần tạo hành lang pháp lý nhằm khai mở các nguồn vốn đầu tư thay vì chỉ giới hạn ở việc tài trợ vốn ngân hàng cho hộ kinh doanh cá thể như lâu nay.
"Quỹ đất cho nông nghiệp đang giảm dần nên để tăng hiệu suất trồng trọt chăn nuôi với quy mô lớn thì nhà nước cần xây dựng chính sách quản lý và phát triển tài nguyên mặt nước biển gần bờ bởi Việt Nam có bờ biển dài vốn là tài nguyên lớn cần có chiến lược khai thác theo hướng nuôi trồng bền vững", ông Quang kiến nghị.