Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thực phẩm phải “xanh” hóa

QUÂN BẢO 11/08/2024 08:04

Ngành thực phẩm thải tới 1/3 tổng lượng khí nhà kính toàn cầu và cũng là ngành chịu hậu quả đầu tiên. Cải tiến “xanh” hóa là yêu cầu bắt buộc cho các doanh nghiệp thực phẩm.

Về mặt khoa học, khí nhà kính rất cần thiết cho sự sống. Nó hấp thụ bức xạ Mặt trời, giữ cho Trái đất ấm và ẩm. Nhưng khi nhiều quá thì khí nhà kính được coi là một trong những tác nhân gây ra biến đổi khí hậu.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), ngành sản xuất thực phẩm chiếm tới khoảng 1/3 tổng lượng khí thải nhà kính của tất cả các ngành trên toàn cầu.

Những nguồn phát thải này đến từ việc sản xuất nông nghiệp, ví dụ như trong chăn nuôi, trâu bò tạo ra lượng lớn khí metan có hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 25 lần so với CO₂, hay quá trình trồng lúa nước cũng tạo ra một lượng lớn khí metan. Quá trình chế biến, vận chuyển và tiêu dùng thực phẩm cũng phát thải nhiều khí nhà kính.

Trớ trêu thay, ngành thực phẩm thải ra nhiều khí nhà kính thì lại là ngành chịu hậu quả đầu tiên trong việc biến đổi khí hậu. Điều này đặt ra một vấn đề cấp bách để ngành thực phẩm phải nhanh chóng giảm phát thải.

img_1346.jpg
Ông Nguyễn Võ Trường An: "Doanh nghiệp thực phẩm cần nhanh chóng đổi mới công nghệ và phương pháp sản xuất"

Phát biểu tại hội thảo “Hướng tới Net-zero: Chiến lược và giải pháp giảm phát thải khí nhà kinh trong ngành thực phẩm” ngày 8/8, ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA), cho rằng cần nhanh chóng đổi mới công nghệ và phương pháp sản xuất, đầu tư vào nghiên cứu cũng như phát triển các công nghệ và thực hành mới như nông nghiệp thông minh và công nghệ chế biến thực phẩm tiên tiến vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính, vừa dẫn đến các sản phẩm và quy trình bền vững hơn.

Nông nghiệp cần phải chuyển sang canh tác bền vững, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến như nông nghiệp hữu cơ, luân canh cây trồng, sử dụng phân bón sinh học để giảm thiểu lượng khí thải từ quá trình sản xuất nông nghiệp.

Chăn nuôi cũng cần “xanh” hơn, áp dụng các phương pháp chăn nuôi giảm thiểu lượng khí metan từ quá trình tiêu hóa của động vật nhai lại, như thay đổi khẩu phần ăn, sử dụng các loại cỏ có khả năng giảm phát thải.

Chế biến cần chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm. Áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng trong quá trình làm lạnh, bảo quản và vận chuyển thực phẩm.

Theo ông An, chuỗi cung ứng cũng cần phải thay đổi, giảm vận chuyển đường dài, ưu tiên sử dụng các sản phẩm địa phương để giảm thiểu lượng khí thải từ vận chuyển.

Ông lấy ví dụ mô hình sản xuất phụ trợ ở khu công nghiệp cao quận 9, nhà máy Samsung ở một bên và đối diện là nhà máy nhựa chuyên sản xuất vỏ tivi cung cấp cho Samsung. Ông đánh giá mô hình một nhà máy chính và nhiều nhà máy phụ trợ nằm trong phạm vi bán kính 3km sẽ là một mô hình rất hiệu quả để giảm phát thải từ chuỗi cung ứng, dẫn tới “xanh” hơn.

img_1353.jpg
Bà Thái Lê Bảo Ngân: "Nếu không đổi mới là tự mình loại mình ra khỏi cuộc chơi"

Bà Thái Lê Bảo Ngân, Giám đốc Chuỗi cung ứng, Đồng sáng lập Công Ty Cổ Phần Leanwares, cũng đồng tình cho rằng chuỗi cung ứng cần phải thay đổi mạnh mẽ để “xanh” hơn.

Chuỗi cung ứng bắt đầu từ nhà cung cấp, đầu vạo, sản xuất, đầu ra và khách hàng. Trong chuỗi này, nhà máy là trái tim của chuỗi cung ứng không ạ. Để chuỗi cung ứng hoạt động được, nhà máy sống tốt được thì sẽ phải đáp ứng yêu cầu của thị trường. Thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Mỹ hay Châu Âu thì lại đang có yêu cầu rất cao về lượng khí thải. Thành thử ra các nhà máy của Việt Nam bắt buộc phải tuân theo. Nếu không thay đổi để tuân theo thì đồng nghĩa tự loại mình ra khỏi những thị trường đó.

Bà Ngân cho rằng một trong những điểm cần phải thay đổi ngay là phải chuyển đổi số, phải “thông minh hóa” nhà máy, ứng dụng các công nghệ tiên tiến để kiểm soát khí thải và giảm phát thải so với các công nghệ, dây chuyền truyền thống.

Để thực hiện được việc cải tiến này, bà Ngân kêu gọi sự phối hợp của 4 “nhà”: Nhà cung cấp, quỹ tài chính, nhà tư vấn và nhà máy. Đây sẽ là một mối quan hệ tất cả cùng thắng trong thời đại bắt buộc phải “xanh” hóa hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp thực phẩm phải “xanh” hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO