Đó là chia sẻ của LS. Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM với báo Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan đến những ảnh hưởng của dịch SARS-CoV-2 đối với các doanh nghiệp tại TP. HCM.
- Các doanh nghiệp trên cả nước đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch SARS-CoV-2. Vậy đối với các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM thì sao thưa ông?
Hiện nay, các doanh nghiệp tại TP. HCM cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các ngành chiếm tỷ trọng lớn của thành phố như dệt may, da giày.
Khó khăn thứ nhất là ngành dệt may, da giày hiện đang thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất, khi nguyên liệu dự trữ chỉ có thể sản xuất cầm chừng đến hết tháng 3/2020. Nếu tình hình dịch bệnh SARS-CoV-2 vẫn còn kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn về nguyên vật liệu. Hiện nguồn nguyên liệu của ngành này có tới 50% là nhập từ Trung Quốc.
Không chỉ ngành dệt may, da giày gặp khó về nguyên vật liệu mà cả ngành điện tử cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì phần lớn các linh kiện điện tử cũng đều được nhập từ Trung Quốc.
Khó khăn thứ hai là vấn đề về đầu ra cho các sản phẩm của Việt Nam cũng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 40 tỷ USD mỗi năm, rõ ràng là đầu vào đã khó mà đầu ra lại càng khó hơn. Trong những ngày qua, cũng đã thông quan cho một số mặt hàng nông sản, tuy nhiên, việc mở cửa khẩu vẫn còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.
Khó khăn thứ ba là về vấn đề công nhân lao động. Hiện nay, lực lượng công nhân tại nhiều doanh nghiệp đang biến động rất mạnh, do việc nghỉ học kéo dài của học sinh nên người lao động phải bố trí thời gian để trông nom con cái. Có một số doanh nghiệp đã tham khảo ý kiến Hiệp hội về việc đối xử với người lao động trong thời gian này. Đặc biệt là các doanh nghiệp ngành Du lịch, khi hầu hết các tour đều đã bị hoãn hoặc hủy tour và doanh nghiệp không có nguồn kinh phí để trả lương cho người lao động.
Khó khăn thứ tư là nguồn vốn cho các doanh nhiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đối với các doanh nghiệp ngành dịch vụ nhà hàng và ăn uống phải thuê mặt bằng để kinh doanh thì chỉ cần 3 tháng không kinh doanh được là sẽ không có tiền để chi trả cho tiền thuê mặt bằng và tiền thuê nhân viên. Một số doanh nghiệp hiện đang hoạt động cầm chừng, việc tái tạo nguồn vốn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Vừa qua, một số ngân hàng cũng đã đưa ra những gói hỗ trợ giảm lãi suất, giãn thời gian trả nợ, chưa đưa vào nợ xấu các khoản vay ngắn hạn. Tuy nhiên, đây chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp đã vay được và đang có quan hệ vay với các ngân hàng. Còn đối với các doanh nhiệp chưa vay được thì hiện tại không có vốn để tái tạo và ổn định dòng tiền. Một khi dòng tiền bị đứng thì doanh nghiệp cũng sẽ đứng theo. Chưa kể trong thời điểm hiện tại, các ngân hàng cũng sẽ rất cẩn trọng trong việc duyệt cho vay đối với các DNNVV.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 25/02/2020
05:06, 25/02/2020
20:00, 24/02/2020
11:00, 24/02/2020
- Vừa qua Hiệp hội Du lịch TP. HCM đã gửi kiến nghị miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch SARS-CoV-2. Ông đánh gía như thế nào về những kiến nghị này?
Có thể nói, những kiến nghị của Hiệp hội Du lịch TP. HCM không chỉ phù hợp với các doanh nghiệp ngành Du lịch, mà còn phù hợp với tất cả các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành nghề đang chịu ảnh hưởng của dịch SARS-CoV-2. Trong thời điểm này các doanh nghiệp ở một số ngành nghề của Việt Nam cũng rất mong muốn Chính phủ giảm thuế VAT xuống để kích cầu. Ví dụ như ngành Du lịch nếu được giảm thuế VAT xuống còn 3 - 5% thì các gói Du lịch sẽ giảm, đồng thời giảm một số thủ tục hoặc miễn visa đối với một số nước thuộc khu vực Châu Âu để bổ sung lượng khách quốc tế khi khách Trung Quốc sụt giảm do SARS-CoV-2.
Cùng với đó là chính sách giãn thuế cho các doanh nghiệp để họ có nguồn tiền để xoay vòng và cầm cự. Trong trường hợp doanh nghiệp nợ thuế thì Nhà nước cũng không nên phạt vì hiện tại doanh nghiệp đang khó khăn thật sự. Theo tôi, việc giãn thuế, giảm thuế cho các doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại là hợp lý và nằm trong khả năng của nhà nước.
Riêng đối với kiến nghị giảm thuế đối với phần đất chưa xây dựng trong các khu du lịch, tôi cho rằng kiến nghị này cũng khá phù hợp đối với các doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Vì đối với ngành kinh doanh dịch vụ du lịch, khi được giao đất, giá đất sẽ thay đổi liên tục, thường theo chu kỳ 5 năm sẽ thay đổi một lần.
Khi Nhà nước tính giá thuê đất sẽ tính nguyên diện tích đất giao cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với các dự án doanh nghiệp chưa sử dụng hết toàn bộ mà có những phần diện tích chưa được sử dụng đến thì việc kiến nghị giảm thuế cho các phần đất chưa xây dựng và khai thác này là hợp lý.
Hoặc là nhà nước sẽ kéo dài thời gian điều chỉnh giá đất, đây là một vấn đề lớn mà Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp. Dĩ nhiên, khi thực hiện việc này, Nhà nước cũng sẽ gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn thu ngân sách và nhiều vấn đề phát sinh khác, Nhưng đổi lại doanh nghiệp sẽ có điều kiện vượt qua khó khăn để hoạt động và thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước.
Trong thời điểm dịch SARS-CoV-2 đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì cần phải có sự chung tay từ người lao động, người quản lý doanh nghiệp, những nhà đầu tư đến Nhà nước để cùng giữ ổn định xã hội và ổn định sản xuất kinh doanh.
- Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM có những kiến nghị gì với Chính phủ, với các Cơ quan quản lý Nhà nước để cùng các doanh nghiệp khắc phục và vượt qua khó khăn thưa ông?
Hiện nay, vấn đề quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp là vấn đề đầu vào và đầu ra của thị trường. Theo tôi, Nhà nước nên tác động vào các Tham tán thương mại ở các nước để tìm kiếm và mở ra hướng mới cho doanh nghiệp, tránh tình trạng tập trung quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Cần phải mở rộng ra các nước có thể sử dụng hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nguyên liệu thay thế cho nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có những chính sách về tài chính, trong đó có việc giãn thuế, giảm thuế và hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành nghề bị tác động lớn từ dịch SARS-CoV-2.
Riêng đối với các Hiệp hội, các Hội ngành nghề cần phải thường xuyên nắm bắt được tình hình của các doanh nghiệp để có những đề xuất kịp thời với các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời giúp đỡ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Xin cảm ơn ông!