Doanh nghiệp tư nhân cần bình đẳng trong cơ chế

Ngọc Thái 09/07/2018 11:20

Có một thực trạng đang tồn tại ở Nghệ An, đó là các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tiếp cận nguồn lực nhà nước vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, để hiện thực hoá các ưu tiên nhằm khuyến khích DNTN nâng cao tỷ trọng đóng góp vào ngân sách từng địa phương hơn nữa thì cơ chế tiếp cận nguồn lực của nhà nước cần phải được công bằng, minh bạch.

Nhiều “ông lớn” ôm cả hàng nghìn m2 đất vàng rồi băm nát quy hoạch trong khi đó doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa đang phải chật vật với việc thuê đất để sản xuất kinh doanh

Nhiều “ông lớn” ôm cả hàng nghìn m2 "đất vàng" rồi băm nát quy hoạch trong khi đó doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa đang phải chật vật với việc thuê đất để sản xuất kinh doanh

Ngay tại tỉnh Nghệ An, trên địa bàn hiện nay đã có 18.559 doanh nghiệp đăng ký, đóng góp bình quân từ 55 – 60% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Số vốn đăng ký hoạt động của DNTN ở Nghệ An cũng rất thấp, trung bình ở mức 5,01 tỷ đồng/doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong số hơn 18,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký nhưng số doanh nghiệp hoạt động mới ở con số thực chiếm khoảng 70%. Và, trong số những doanh nghiệp đang hoạt động, họ cũng gặp không ít trắc trở đủ đường vì tình trạng thiếu công bằng trong việc tiếp cận nguồn lực của nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghị quyết 10 – NQ/TW: “Mở lối” cho kinh tế tư nhân

    01:00, 09/07/2018

  • Những thách thức của khu vực kinh tế tư nhân trên con đường phát triển

    23:25, 08/07/2018

  • Hà Nội khuyến khích phát triển mạnh kinh tế tư nhân

    12:53, 05/07/2018

  • Đà Nẵng: Kinh tế tư nhân làm động lực cho tăng trưởng

    13:30, 17/06/2018

  • Đảng viên làm kinh tế tư nhân: Bước tiến của lý luận trên con đường thực tiễn

    11:02, 28/05/2018

  • Thúc đẩy kinh tế tư nhân

    06:00, 06/05/2018

  • Chính phủ quyết liệt "gỡ khó" cho kinh tế tư nhân

    02:02, 12/04/2018

  • Vì sao kinh tế tư nhân “bối rối”?

    23:17, 10/04/2018

  • “Mệnh lệnh” cho kinh tế tư nhân

    05:08, 16/02/2018

Theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 thì mọi thành phần kinh tế đều được tiếp cận nguồn lực của nhà nước, bình đẳng với nhau. Thế nhưng, có một thực trạng đang tồn tại ở Nghệ An, đó là các DNTN tiếp cận nguồn lực nhà nước vô cùng khó khăn.

Đơn cử như nguồn vốn vay để DNTN tiếp cận hiện nay nhằm đầu tư sản xuất kinh doanh cực kỳ phức tạp, khó khăn. Đó là chưa nói tới việc để DNTN tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi cũng phải trầy trật mới có được với một mớ thủ tục rờm rà, nhiêu khê. Nhiều doanh nghiệp phải thế chấp cả bìa đất của những người trong họ hàng nội ngoại cho ngân hàng thương mại để có vốn làm ăn. Hình thức vay thế chấp với lãi suất cao khiến nhiều doanh nghiệp không vững về kiến thức, kinh nghiệm quản trị kinh doanh dễ đi tới bờ vực phá sản.

Bà Hoàng Thị Ngọc Ánh – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch Từ Tâm cho biết: “Với những doanh nghiệp tư nhân mới hình thành, chúng tôi phải tự lực cánh sinh về mọi thứ. Chủ trương của nhà nước rất thông thoáng để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển nhưng khi chúng tôi đến gõ cửa các cơ quan ban ngành thì chỉ nhận được những câu trả lời phải chờ, phải đợi. Khi chúng tôi muốn sớm hoàn thiện thủ tục để tiếp cận được các ưu đãi của nhà nước thì phải mất rất nhiều thời gian”.

Còn ông Trương Quốc Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Thiện Mỹ cho rằng, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang xảy ra tình trạng giá cho các doanh nghiệp thuê đất ở cùng một cụm công nghiệp không giống nhau giữa các thành phần kinh tế. Nói cách khác là giá thuê đất áp dụng đối với DNTN khác xa đối với các thành phần kinh tế khác. Chính vì vậy, Nghệ An cũng cần minh bạch biểu giá thuê đất để các doanh nghiệp thấy rằng mọi thành phần đầu tư sản xuất kinh doanh đều có quyền lợi, trách nhiệm ngang bằng nhau.

Thực tế, việc thuê đất để ổn định sản xuất kinh doanh của các DNTN trên địa bàn đang vướng đủ thứ thủ tục.Mặt khác, có một thực trạng là các doanh nghiệp sau khi được chấp thuận thuê đất nhưng hàng chục năm trời vẫn “án binh bất động” nhưng cơ quan chức năng lại không thu hồi. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp phải trầy trật cả một thời gian dài vẫn không được thuê đất để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Liên quan đến điều này, đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho rằng, rất khó thu hồi đất vì đất đã cấp. Chính quyền chỉ có thể điều tiết bằng cách thu tiền thuê đất. Điều này trở nên lãng phí khi đưa ra bài toán hoạch định kinh tế nếu doanh nghiệp đầu tư trên đó sẽ sinh lời và thu được rất nhiều thứ khác chứ không phải duy nhất là thu tiền thuê đất nữa.

Chính vì vậy, để tránh tình trạng DNTN gặp cảnh “sớm nở tối tàn”, ngay từ khâu tiếp cận nguồn lực nhà nước cũng như các chính sách ưu đãi, họ cũng cần được đối xử công bằng như những doanh nghiệp khác. Làm được điều này chính là tạo động lực rất lớn để DNTN có thêm cơ hội tham gia vào cơ chế thị trường trong bối cảnh hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp tư nhân cần bình đẳng trong cơ chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO