Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nếu Việt Nam không đàm phán được với Mỹ giải quyết vấn đề thao túng tiền tệ, thì Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam.
Ngày 16/12 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Để làm rõ hơn những tác động của việc này tới Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, Phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng.
- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ?
Sở dĩ Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ do chúng ta đã đáp ứng cả 3 tiêu chí: Tiêu chí thứ nhất là xuất siêu của một quốc gia vào Mỹ trên 20 tỷ USD, trong khi trong năm qua chúng ta xuất siêu vào Mỹ hơn 40 tỷ USD. Tiêu chí thứ hai là trên cán cân vãng lai của một quốc gia có số dư trên 2% GDP, trong khi Việt Nam cũng đạt mức này. Tiêu chí thứ ba là nếu trong 12 tháng liên tục mà NHTW mua vào ngoại tệ (USD) vượt trên 2% so với GDP, trong khi Việt Nam cũng vượt mức này. Do đó, họ đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ tác động rất nhiều đến Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, điều đó còn tùy vào phản ứng của Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Nếu Việt Nam không đàm phán được với Mỹ trong việc giải quyết vấn đề này, thì Mỹ có khả năng sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt đối với Việt Nam, nhất là việc tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam vào quốc gia này.
Theo tôi, với cuộc viếng thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Việt Nam cách đây không lâu, có thể ông Pompeo đã trao đổi với Việt Nam để tìm giải pháp tháo gỡ, giúp đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ.
- Theo ông, Việt Nam cần những chính sách gì để Mỹ loại khỏi danh sách này?
Tôi cho rằng tới đây, Việt Nam có một số cách để Mỹ đưa mình ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ . Thứ nhất, Việt Nam cần tăng lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam để giảm xuất siêu sang Mỹ, trong đó nên tập trung nhập khẩu từ Mỹ các loại hàng như nông sản, điện tử, hóa học, thiết bị...
Thứ hai, Việt Nam có thể đưa ra các chính sách kích thích nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Như chúng ta có thể thấy, vừa qua, Apple đã chuyển dây chuyền sản xuất iPad, Macbook sang Việt Nam nhằm tránh những rủi ro ở Trung Quốc...
Ngoài ra, về mặt tỷ giá, tôi cho rằng vừa qua NHNN đã cố gắng rất nhiều để điều hành tỷ giá, tạo thiện chí cho Mỹ thấy Việt Nam sẽ không sử dụng tỷ giá để tạo sự cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Có thể với các biện pháp thương mại, đầu tư và điều hành chính sách tiền tệ như thế, Mỹ sẽ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ.
- Trong tình huống xấu nhất, Mỹ áp các lệnh trừng phạt lên Việt Nam, theo ông, các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị ứng phó ra sao?
Trong trường hợp xấu nhất, Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt lên Việt Nam như áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, Cụ thể, mức thuế nhập khẩu có thể lên đến 25% như đã làm với Trung Quốc, sẽ rất bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần có giải pháp ứng phó: Thứ nhất, cần phải giảm giá bán để tạo lợi thế cạnh tranh và cân bằng với mức thuế áp lên hàng hóa. Thứ hai, hàng hóa Việt Nam phải tăng chất lượng, tạo sự hấp dẫn, khi đó mặc dù giá cao, nhưng chất lượng lại tốt hơn có thể vẫn được giới tiêu thụ Mỹ ưa chuộng và mua.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Góc nhìn khác về việc Việt Nam bị Mỹ gán nhãn thao túng tiền tệ
09:35, 18/12/2020
Bị gán mác thao túng tiền tệ, Việt Nam cần hành động ra sao?
06:06, 18/12/2020
Nhóm cổ phiếu nào "dính đòn" khi Việt Nam bị gắn mác thao túng tiền tệ?
05:00, 18/12/2020
Cách nào thoát khỏi danh sách thao túng tiền tệ?
11:00, 17/12/2020
Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, NHNN nói gì?
07:50, 17/12/2020