Doanh nghiệp ở quy mô nào phù hợp để chuyển đổi số không phải là bài toán khó nhất nhưng việc tìm ra nghệ thuật chuyển đổi số mới là điều quan trọng nhất.
Cách đây 3 năm, ông Đỗ Hữu Hưng cùng công ty của mình là Accesstrade, một trong những mạng lưới tiếp thị liên kết quy mô và uy tín nhất Việt Nam, làm nhiệm vụ chiến lược chuyển đổi số cho một doanh nghiệp quy mô 500 nhân sự.
Lúc đầu, công ty này lấy một nhân sự làm mẫu, thiết kế một hành trình nhân sự từ lúc tuyển vào, nâng cấp đến bổ nhiệm; sau đó đưa tất cả hành trình này lên mạng để có thể quản trị và đưa ra quyết định thông qua hình thức online. Mặc dù đã xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin trong bộ máy, lãnh đạo rất quyết tâm nhưng thất bại chỉ một năm sau đó.
Ông Hưng cho biết, mặc dù đầu tư rất lớn nhưng vẫn thất bại do doanh nghiệp này không giải quyết được bài toán cụ thể của người thực hiện là nhân viên, không thể tạo động lực cho họ. Khi tổ chức đào tạo và thúc đẩy, nhân viên đều tham gia thực hiện nhưng khi lãnh đạo lơ đãng một chút là nhân viên cũng ngừng ngay.
Theo lãnh đạo Accesstrade, con người thường sợ hãi và phản đối khi thấy sự thay đổi, họ không muốn thực hiện.
“Mặc dù thực hiện chuyển đổi số nhưng tôi không nói gì đến chuyển đổi, tôi chỉ yêu cầu nhân viên thực hiện, không giải thích, làm nhỏ thôi. Sau 2 tuần, chúng tôi ghi nhận được kết quả tích cực mặc dù trong suốt nửa năm trước đó, chúng tôi nỗ lực thế nào cũng không ra.
Nghệ thuật triển khai là điều quan trọng nhất. Nếu cứ làm mấy thứ đao to búa lớn chắc chắn sẽ khiến nhân viên thấy sợ”, ông Hưng chia sẻ.
Lãnh đạo Accesstrade chỉ ra, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rào cản lớn khi làm chuyển đổi số. Rào cản lớn nhất là sự tuân thủ và quyết tâm của người thực hiện, bao gồm cả lãnh đạo và nhân viên. Theo đó, chủ doanh nghiệp có dám đánh đổi hay không bởi sẽ có những xung đột về mặt lợi ích, chẳng hạn như bán hàng qua mạng và bán hàng trực tiếp tại cửa hàng.
“Có những người bạn của tôi là lãnh đạo doanh nghiệp, muốn chuyển đổi số và rất quyết tâm nhưng nhân viên cấp dưới không biết sếp muốn gì, chuyển đổi như thế nào”, ông Hưng cho biết.
Vì vậy, từ ý chí của người lãnh đạo chuyển xuống nhân viên phải cụ thể, mong muốn ra sao, đặt mục tiêu như thế nào. Nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm công sức con người thì mới thực sự gọi là chuyển đổi số, còn nếu chỉ chuyển từ công cụ này sang công cụ kia thì ông Hưng cho rằng không phải là chuyên đổi số.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp chọn thuê các đơn vị công nghệ thông tin (IT) ở bên ngoài trong khi lựa chọn được đối tác phù hợp không hề đơn giản. Để chọn đối tác IT thích hợp, ông Hưng cho rằng trước hết phải xem xét rõ bộ phận nào trong doanh nghiệp cần chuyển đổi số.
Ngoài việc chọn các đối tác IT theo những tiêu chí truyền thống như uy tín, có năng lực thì với thời đại công nghệ bùng nổ và cạnh tranh toàn cầu, cần xem xét đến yếu tố trải nghiệm đối tượng khách hàng cuối cùng bởi nó có ý nghĩa chiến lược trong việc tạo nên sự khác biệt giữa các sản phẩm, doanh nghiệp.
“Khi chọn đối tác IT, phải xem xét đánh giá trên giác độ quan điểm về kinh doanh, nghĩa là có hiểu về lĩnh vực kinh doanh của mình hoặc có kinh nghiệm tương tự không. Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hoá, cần lưu ý về khả năng kiểm soát rủi ro và an ninh mạng”, ông Hưng khuyến cáo.
Tuy nhiên khác với nhiều doanh nghiệp, ông Hưng chia sẻ, Accesstrade có một đội làm công nghệ của mình bởi làm chuyển đổi số là thực hiện hàng ngày, liên tục. Nếu có vấn đề gì có thể sửa ngay trong khi không thể làm được điều đó nếu thuê bên ngoài và cũng tốn rất nhiều chi phí để sửa chữa.
Khi bàn về việc thực hiện chuyển đổi số tại sự kiện VSMCamp & CSMO Summit 2018, ông Tuấn Nguyễn, Phó Tổng giám đốc VCCorp cho rằng trên thực tế chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn mặc dù khả năng tài chính thực hiện còn thấp.
Ông Tuấn lý giải, để làm được chuyển đổi số phải thiết kế quy trình, mỗi con người trong bộ máy của doanh nghiệp phải am hiểu về chuyển đổi số. Chính vì vậy, rất khó và tốn thời gian để một bộ máy khổng lồ hiểu hết được những điều đó.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ có quy trình còn đơn giản, nhân sự còn ít nên thực hiện chuyển đổi số dễ. Nếu thực hiện đúng, doanh nghiệp sẽ rất nhàn trong thực hiện chuyển đổi số khi đã phát triển mạnh, khi quy trình đã được chuẩn hoá.
Không đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Hữu Hưng cho rằng quy trình trong các doanh nghiệp mới thành lập còn chưa chắc chắn, vẫn đang phải lo tìm kiếm khách hàng, phải thay đổi hàng ngày nên việc chuyển đổi số đôi khi có thể trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, khiến chủ doanh nghiệp không tập trung vào các vấn đề cốt lõi.
Theo ông Hưng, việc chuyển đổi số có thể được thực hiện tại tất cả các doanh nghiệp ở mọi quy mô, chỉ cần doanh nghiệp thực sự mong muốn chuyển đổi khi hành vi người dùng đang thay đổi theo hướng phức tạp.
Nhờ công nghệ, doanh nghiệp có thể hiểu hơn về hành vi con người bởi hiện nay, mỗi người tồn tại hai phiên bản, trong đó, phiên bản số thậm chí còn rõ nét hơn phiên bản ngoài đời thực.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh, các doanh nghiệp mới thành lập cần cẩn trọng trong chuyển đổi số vì nguồn lực còn yếu nên cần bàn đến tính hiệu quả trước khi quyết định thực hiện, hoặc cần xem chuyển đổi số là bài toán quan trọng cần giải của doanh nghiệp thay vì chỉ biết bắt chước theo xu hướng như hiện nay.
Khi thực hiện chuyển đổi số, ông Hưng nhấn mạnh 3 yếu tố quan trọng các doanh nghiệp cần xem xét nếu muốn chuyển đổi số thành công, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Thứ nhất, chi phí thực hiện cần vừa phải. Hiện nay các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có thể chuyển đổi số bởi có nhiều công cụ với chi phí chỉ vài trăm nghìn/tháng.
Thứ hai, ứng dụng chuyển đổi số phải thuận lợi, dễ dàng. Các doanh nghiệp Việt đang hoạt động trong một thị trường mới nổi, trình độ còn vừa phải so với các doanh nghiệp châu Âu nên cần xem xét ứng dụng các giải pháp chuyển đổi phù hợp. Công cụ, phương pháp nào dễ thì ứng dụng trước.
Một yếu tố cũng quan trọng không kém là việc chuyển đổi cần ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của doanh nghiệp.