Doanh nghiệp vẫn bị làm khó bởi nhiều rào cản pháp lý

NGUYỄN GIANG 06/01/2024 03:10

Trong bối cảnh kinh doanh cực kỳ khó khăn, những rào cản phát sinh từ các quy định của pháp luật đang làm gia tăng chi phí sản xuất và tiêu hao nguồn lực doanh nghiệp…

Theo số liệu được công bố mới đây cho thấy, trong 11 tháng năm 2023, cả nước có thêm 201.500 doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập, nhưng bên cạnh đó cũng có 158.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nhìn vào những con số này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là một chỉ báo cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp rất đáng quan tâm. “Sức khỏe” của một bộ phận doanh nghiệp suy yếu đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người lao động, tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự an toàn xã hội.

>>Nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý cho đầu tư kinh doanh

hihihi

Những rào cản phát sinh từ các quy định của pháp luật đang làm gia tăng chi phí sản xuất và tiêu hao nguồn lực doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Liên quan tới vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng thẳng thắn chỉ ra 6 nguyên nhân khiến “sức khỏe” doanh nghiệp yếu, trong đó có nguyên nhân từ rào cản pháp lý. Ông Tuấn cho rằng, chất lượng các quy định pháp luật ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.

“Qua khảo sát doanh nghiệp hàng năm PCI cho thấy, tính ổn định và khả năng dự đoán được pháp luật của Việt Nam tương đối thấp, trong cả giai đoạn ban hành pháp luật và thực thi pháp luật. Thời gian qua nổi lên vấn đề lạm dụng ban hành Thông tư, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật”, ông Tuấn chia sẻ.

Cũng theo ông Tuấn, qua 2 lần sửa đổi, bổ sung, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy các lĩnh vực trong nền kinh tế phát triển theo định hướng ưu tiên, đặc biệt là quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách thuế TNDN đã phát sinh những bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt là với quy định mức suất thuế TNDN áp dụng “cào bằng” 20% là không công bằng đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nếu không thay đổi thì loại hình doanh nghiệp này sẽ không lớn lên được. Trong khi đó số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (hộ gia đình) chiếm hơn 93% tổng số doanh nghiệp thành lập và đang hoạt động.

Còn liên quan đến Luật Thuế GTGT, ông Tuấn cho biết, vướng mắc lớn nhất là quy định về thủ tục hoàn thuế VAT bắt buộc truy xuất nguồn gốc đầu vào. Để thực hiện trong bối cảnh xảy ra nhiều doanh nghiệp gian lận trong thủ tục hoàn thuế, ngành Thuế phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, dẫn tới làm chậm hoàn thuế tiền của doanh nghiệp.

“Không chỉ vậy, có rất nhiều chi phí chồng lấn nhau khiến nhiều ngành hàng Việt Nam khó cạnh tranh (như phải thực hiện Luật Bảo vệ môi trường thông qua thực hiện trách nhiệm mở rộng với nhà sản xuất trong tái chế… ). Hay “một mặt chúng ta dành nhiều sức để có được việc giảm VAT 2%, nhưng mặt khác Bộ Tài chính lại đang bổ sung rất nhiều ngành hàng vào diện chịu thuế. Đây là chính sách không hợp lý”, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết.

>>Rào cản pháp lý ngăn logistics hút vốn FDI

Đồng quan điểm với ông Đậu Anh Tuấn, cũng chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề này, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự cũng cho rằng, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều hành động quyết liệt, ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trong đó đặc biệt là các chính sách tháo gỡ pháp lý cho các doanh nghiệp. Điển hình như: thành lập tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, rà soát tháo gỡ, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản, hàng loạt cơ chế chính sách như Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ thúc đẩy thị trường bất động sản, Nghị định 08/2023/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp…

Kết quả, đã có những doanh nghiệp được tháo gỡ, tuy nhiên, luật sư Nhung cũng cho biết, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp kêu khó, nhất là khó khăn vướng mắc về pháp lý các dự án.

Theo luật sư Lê Thị Nhung, những rào cản phát sinh từ các quy định của pháp luật đang làm khó doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ, đối tượng dễ bị tổn thương.

“Những rào cản đó đã làm gia tăng chi phí sản xuất và tiêu hao nguồn lực doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh cực kỳ khó khăn (đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, tiếp cận vốn tín dụng khó khăn, lãi suất cao), do tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới”, luật sư Nhung nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý cho đầu tư kinh doanh

    Nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý cho đầu tư kinh doanh

    16:30, 11/10/2023

  • Gỡ rào cản pháp lý để phát triển thị trường cho thuê tài chính

    Gỡ rào cản pháp lý để phát triển thị trường cho thuê tài chính

    13:00, 17/07/2023

  • Còn nhiều rào cản pháp lý

    Còn nhiều rào cản pháp lý "làm khó" môi trường kinh doanh

    00:10, 13/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp vẫn bị làm khó bởi nhiều rào cản pháp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO