Nhiều doanh nghiệp ô tô Việt Nam vẫn theo đuổi mục tiêu xuất khẩu ô tô. Tuy nhiên, vướng chính sách, khiến các doanh nghiệp thấy rất rủi ro, không dám mở thị trường xuất khẩu ô tô tay lái bên phải.
>>Có cơ hội xuất khẩu ô tô, doanh nghiệp lại gặp khó vì chính sách
Tham vọng xuất khẩu ô tô
Công nghiệp ô tô là một ngành kinh tế quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nhiều quốc gia. Thực tế cho thấy những hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới đạt được thành công như ngày nay đều có thị trường xuất khẩu rộng lớn. Hướng tới xuất khẩu, tức là mở rộng thị trường, qua đó tăng sản lượng, tăng nội địa hóa, tối đa hóa chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sau nhiều năm phát triển vẫn rất yếu thế với quy mô nhỏ, giá thành cao và tỷ lệ nội địa hóa thấp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn có tầm nhìn và theo đuổi mục tiêu xuất khẩu ô tô.
Để xuất khẩu được ô tô, các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức. Sản phẩm phải bắt kịp xu hướng của thế giới, phải đảm bảo về chất lượng, có sự khác biệt và có lợi thế cạnh tranh.
Tuy khó khăn nhưng xuất khẩu ô tô Việt Nam đã bước đầu thành hiện thực. Có cả xe du lịch, xe buýt, xe tải. Tính riêng phân khúc xe tải, Công ty ô tô Trường Hải đã đi đầu khi ký kết đơn hàng xuất khẩu hàng trăm xe tải nguyên chiếc và sơmi rơmoóc ra nước ngoài.
Mới đây, Công ty TNHH Vĩnh Phát Motors (Tp.HCM) đã ký hợp đồng xuất khẩu các sản phẩm xe tải, thùng xe tải sang thị trường Ma Cao và Hồng Kông với doanh số 6,5 triệu USD. Vĩnh Phát Motors cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường, đã có khách hàng nước ngoài đặt hàng. Mẫu xe xuất khẩu của Vĩnh Phát Motors có nhiều chi tiết, linh kiện được nội địa hóa, chẳng hạn như thùng xe tải, thùng xe tải chuyên dùng…
Kim ngạch xuất khẩu ô tô ban đầu tuy còn nhỏ bé và tỷ lệ nội địa hóa chưa cao. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam xu hướng này sẽ tăng lên.
Kỹ sư ô tô Nguyễn Minh Đồng, người có nhiều năm làm việc tại tập đoàn ô tô Volkswagen (CHLB Đức) cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất, phát triển sản phẩm ô tô xuất khẩu ra nước ngoài là điều đáng mừng. Xuất khẩu ô tô sẽ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giải quyết công ăn việc làm, thu được ngoại tệ và góp phần nâng cao hình ảnh ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Ban đầu tuy còn khiêm tốn nhưng Nhà nước cần ủng hộ và khuyến khích để ngày càng phát triển.
Cơ hội có bị mất?
Tuy nhiên, hiện nay việc nhập khẩu, xuất khẩu ô tô tay lái bên phải (tay lái nghịch) lại bị vướng về chính sách. Trường hợp mới nhất là Công ty TNHH Vĩnh Phát Motors, để làm hàng xuất khẩu, đã nhập khẩu 3 khung gầm và cabin xe tải có tay lái bên phải, về lắp ráp thùng chuyên dùng, cùng các chi tiết nội địa hóa khác, để hoàn thiện sản phẩm, xuất khẩu.
Xe về cảng Cát Lái (Tp HCM) ngày 14/4/2023 đã không được thông quan và có nguy cơ bị tịch thu. Lý do cơ quan Hải quan đưa ra là xe này thuộc Danh mục cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý ngoại thương”, ban hành ngày 15/5/2018.
Theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP thì các phương tiện vận tải tay lái bên phải là mặt hàng bị cấm nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập-tái xuất, tạm xuất -tái nhập.
Hậu quả là Công ty TNHH Vĩnh Phát Motors đang phải chịu thiệt hại lớn. Chi phí lưu kho bãi ngày càng tăng cao, có thể bị bạn hàng phạt vì vi phạm hợp đồng và đứng trước nguy cơ bị mất đơn hàng xuất khẩu.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc cấm không cho nhập khẩu để tiêu thụ nội địa đối với phương tiện giao thông tay lái bên phải là phù hợp, bởi luật giao thông Việt Nam chỉ áp dụng cho xe có tay lái bên trái. Tuy nhiên, cấm nhập khẩu sản phẩm này để làm hàng xuất khẩu vô hình chung đã hạn chế khả năng sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Làm mất đi cơ hội xuất khẩu xe tay lái bên phải của các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay và trong tương lai.
Một số doanh nghiệp ô tô cho rằng, nếu hiểu theo đúng tinh thần quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP, thì thực chất là cản trở việc xuất khẩu ô tô nguyên chiếc tay lái bên phải. Dù không bị cấm nhập khẩu linh kiện rời về sản xuất lắp ráp thành sản phẩm, nhưng đến khi xuất khẩu có thể sẽ lại gặp vướng mắc. Vì vậy, doanh nghiệp thấy rất rủi ro, không dám mở thị trường xuất khẩu ô tô tay lái bên phải.
Để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và thông thoáng, để hỗ trợ và khuyến khích xuất khẩu ô tô, các doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý cần sớm xem xét, sửa đổi Nghị định 69/2018/NĐ-CP cho phù hợp với hoàn cảnh mới.
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội tăng trưởng ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam
06:00, 30/07/2018
VinFast hợp tác với Phongsubthavy phân phối xe ô tô tại Lào
12:58, 29/06/2021
Đề xuất giải pháp giải quyết 2 điểm nghẽn của ngành công nghiệp ô tô
04:00, 01/07/2021
Tạo sức mạnh nội sinh cho ngành công nghiệp ô tô
05:00, 09/08/2021