Một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc tạo ra không ít cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng đầy ắp thách thức cần cẩn trọng.
Kinh tế thế giới chịu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Trong cương lĩnh tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định nước Mỹ là trên hết. Ông cũng nhiều lần tuyên bố sẽ đưa sản xuất và việc làm quay trở lại Mỹ, đồng thời sẽ giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại nghiêm trọng giữa Mỹ với Trung Quốc. Trước đó, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã phát triển rất nhanh chóng kể từ thiết lập quan hệ ngoại giao và ký kết Hiệp định Thương mại song phương vào năm 1979. Hai nước là những đối tác thương mại và đầu tư rất lớn của nhau. Vấn đề thâm hụt thương mại Mỹ-Trung không đơn thuần chỉ là con số tuyệt đối đang tăng dần theo thời gian.
Tuy nhiên, trong năm 2017, Tổng thống Mỹ liên tiếp đưa ra các yêu cầu điều tra nhằm xác định liệu thép do Trung Quốc và các nước khác sản xuất có đe dọa an ninh quốc gia Mỹ hay không và điều tra xem Trung Quốc có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các công ty Mỹ. Mỹ ước tính, thiệt hại có thể lên tới 225 - 600 tỷ USD/năm.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chính thức khơi mào từ 2/4/2018 sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Ông cũng ký sắc lệnh mở đường cho việc áp khoản thuế 60 tỷ USD với các sản phẩm nhập khẩu đến từ Trung Quốc và hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, cũng như hoạt động mua lại doanh nghiệp tại Mỹ.
Đáp trả lại, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 1/4 thông báo nước này sẽ áp thuế nhập khẩu đối với 128 sản phẩm của Mỹ. Ngày 15/4 Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục ra lệnh cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và các linh kiện công nghệ cao cho ZTE. Ngày 13/9 Trumps tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. Trong đó mức thuế 10% đã áp dụng vào 24/9 và sẽ tăng lên 25% vào đầu năm sau. Thậm chí, Trumps còn tuyên bố sẽ đánh thuế bổ sung lên tất cả hàng hóa của TQ xuất khẩu vào Mỹ (khoảng trên 500 tỷ).
Cuộc chiến thương mại song phương giữa những cường quốc, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, chắc chắn gây nhiều ảnh hưởng tới những nền kinh tế khác. Mỗi bên đều cố gắng lôi kéo về phía mình những “đồng minh” hay những quốc gia dưới sự chi phối của mình. Cũng theo đánh giá của Oxford Economics, Thương mại thế giới sẽ giảm 4% và tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 0.4%. Tại Hội nghị các Thống đốc Ngân hàng và Bộ trưởng Tài chính các nước G-20, Tổng giám đốc IMF khẳng định, cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung tác động xấu đến kinh tế thế giới. Các nhà kinh tế cảnh báo: cứ mỗi 100 tỷ hàng hóa bị đánh thuế, thương mại toàn cầu sẽ giảm 0,5%.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Việt Nam đang là nước hội nhập sâu rộng trong một hệ thống thương mại toàn cầu có tính phụ thuộc lẫn nhau rất cao. Nước ta cũng có quan hệ thương mại chặt chẽ với cả hai cường quốc Mỹ, Trung. Một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn không phải là tin tốt cho Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế rằng trong trường hợp chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gia tăng ở quy mô toàn diện, cơ hội sẽ đến với nhiều quốc gia khác với vai trò là nước cung cấp thay thế hàng hoá cho 2 thị trường này. Như vậy, Việt Nam cũng dành cho mình một cơ hội. Cụ thể, các doanh nghiệp Mỹ sẽ gặp khó khi kinh doanh tại Trung Quốc, họ cần chuyển hướng và có thể Việt Nam sẽ là điểm đến của họ. Nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ giảm và Việt Nam hoàn toàn có thể lấp vào chỗ trống đó.
Các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng mở rộng thị phần tại Mỹ ở các ngành hàng như da giày, hàng may mặc, đồ gỗ nội thất, lắp ráp đồ điện tử, đồ dùng thể thao, chất bán dẫn, sản xuất đồ chơi trẻ em,…
Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô vừa và nhỏ, kinh nghiệm quản lý còn hạn chế, khả năng cạnh tranh còn chưa cao. Các doanh nghiệp nước ta cần sự quản lý chặt chẽ hơn, tránh hiện tượng hàng Trung Quốc trà trộn vào Việt Nam để trung chuyển, tìm đường xuất khẩu sang Mỹ, tiêu biểu là các mặt hàng sắt thép, đồ gỗ nội thất. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang mơ hồ và cần tìm kiếm cho mình một giải pháp, phương hướng cụ thể để giảm thiểu các tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Trong bối cảnh đó, hội thảo kinh tế: “Doanh Nghiệp Việt Nam và con đường hội nhập trong không gian kinh tế toàn cầu” sẽ được tổ chức vào ngày 1/12/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội với hy vọng các doanh nghiệp sẽ nắm bắt được những chiến lược để mở đường tăng trưởng, tìm ra con đường phát triển, hội nhập thành công cho doanh nghiệp, tận dụng các cơ hội và tránh các tác động tiêu cực mà cuộc chiến tranh thương mai Mỹ - Trung gây ra.