Doanh nghiệp hai nước đang thúc đẩy các cơ hội hợp tác nhằm đẩy mạnh giá trị hợp tác thương mại, cũng như nâng tầm hai nước trong các xu hướng kinh tế toàn cầu như công nghệ và kinh tế số.
Ngày 8/7, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Malaysia với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại & Công nghiệp Malaysia, Zafrul Abdul Aziz, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam ông Dato’ Tan Yang Thai, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh và đại diện những doanh nghiệp hàng đầu hai nước.
>>Turkmenistan mong muốn thúc đẩy hơn nữa giao thương với Việt Nam
Tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Vinh đã khẳng định hai nước Việt Nam và Malaysia có mối quan hệ hữu nghị lâu dài với nhiều điểm tương đồng về văn hóa và địa lý. Đặc biệt, Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất của Malaysia trong ASEAN.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại song phương, ông Vinh khẳng định Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN, kim ngạch thương mại song phương của chúng ta đạt gần 13 tỷ USD vào năm 2023. Đến hết năm 2023, Malaysia có 733 dự án FDI vào Việt Nam với tổng vốn 13,1 tỷ USD, đứng thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Thái Lan); và thứ 10 trong số hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Do đó, lãnh đạo VCCI cho rằng hai nước có nền tảng vững chắc để tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và hợp tác kinh tế thương mại trong thời gian tới, khai thác tốt mối quan hệ đa phương trong các hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đặc biệt trong năm tới 2025, Malaysia làm Chủ tịch ASEAN, VCCI với vai trò Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) Việt Nam sẽ có nhiều hợp tác với ASEAN BAC Malaysia để đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại 18 tỷ USD vào năm 2025 do Chính phủ 2 nước đặt ra.
Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Zafrul Abdul Aziz cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang chứng kiến sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng sau đại dịch.
“Vì vậy, điều quan trọng đối với Malaysia và Việt Nam, cùng với khu vực ASEAN rộng lớn hơn là tăng cường và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế của chúng ta. Chúng ta phải thực hiện điều này thông qua việc tăng cường phát triển thương mại, đầu tư và công nghiệp trên nhiều diễn đàn khác nhau”, ông Aziz nói.
Theo ông, tiềm năng tăng trưởng hơn nữa trong thương mại song phương của hai nước là rất lớn, do nền kinh tế có sự bổ sung cho nhau. Lĩnh vực sản xuất phát triển mạnh mẽ và công nghệ tiên tiến của Malaysia mang lại nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, cơ sở thị trường rộng lớn và nền kinh tế năng động, phát triển nhanh chóng của Việt Nam mang lại cho các công ty Malaysia một thị trường phát triển mạnh cho hàng hóa và dịch vụ.
>>Doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa hợp tác
Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia phát biểu: “Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư quan trọng đối với Malaysia. Hiện Malaysia là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 10 tại Việt Nam. Tính đến năm 2023, đầu tư của Malaysia vào Việt Nam trị giá 13,1 tỷ USD (13,11 tỷ USD), với hơn 730 (733) dự án đã đăng ký. Tất cả những con số này chứng tỏ sự vững chắc trong quan hệ thương mại và đầu tư song phương của chúng ta”.
Năm ngoái, Malaysia đã công bố Quy hoạch tổng thể công nghiệp mới 2030 (NIMP), nhằm cải cách các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ liên quan theo hướng có độ phức tạp kinh tế cao hơn, tiến bộ công nghệ, tính bền vững, tính toàn diện và sự hội nhập sâu hơn của các ngành công nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu.
NIMP 2030 tập trung phát triển các lĩnh vực có giá trị cao như điện và điện tử (bao gồm thiết kế vi mạch và chế tạo tấm bán dẫn), hóa chất đặc biệt, hàng không vũ trụ, dược phẩm và thiết bị y tế. Ngoài ra, Malaysia cũng đang nhắm mục tiêu đến các lĩnh vực như vật liệu tiên tiến, xe điện (EV), năng lượng tái tạo (RE) và thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS).
Trong các lĩnh vực mới này, Bộ trưởng khẳng định doanh nghiệp Malaysia và Việt Nam có thể khám phá sự hợp tác chiến lược trong những lĩnh vực đầy hứa hẹn này để phục vụ toàn khu vực. Ví dụ như xe điện, du lịch hàng không (hàng không vũ trụ) và thương mại điện tử (nền kinh tế kỹ thuật số) ở cả ASEAN và Châu Á.
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp nâng cao chất lượng tham mưu của Văn phòng Đảng ủy VCCI trong giai đoạn hiện nay
12:13, 25/06/2024
Chủ tịch VCCI tặng Bằng khen cho đại diện USAID tại Việt Nam
12:41, 11/06/2024
VCCI trao chứng nhận hội viên chính thức đợt 1/2024
10:26, 29/05/2024
VCCI Hải Phòng: Định hình tư duy và chiến lược chuyển đổi số cho doanh nghiệp
19:16, 23/05/2024