Mối quan hệ đối tác chiến lược và cùng là thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều làn sóng đầu tư mới từ Australia vào Việt Nam.
Hiện nay, Australia đang là nhà đầu tư lớn thứ 19 trong số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, với 411 dự án trị giá hơn 1,8 tỷ USD tại Việt Nam.
Thị trường Việt Nam rộng mở ngóng vốn
Cụ thể, tính đến tháng 2/2018, các nhà đầu tư Australia đã có 3 dự án đầu tư mới vào Việt Nam, trong đó có 1 dự án mở rộng vốn. Cũng trong tháng 2 này, Việt Nam ghi nhận 20 lượt góp vốn mua cổ phần do nhà đầu tư Australia thực hiện với tổng giá trị đạt 28,06 triệu USD, đưa tổng số vốn đăng ký mới trong tháng 2/2018 lên 28,4 triệu USD. Những con số này đã giúp Australia là nhà đầu tư lớn thứ 15 có hoạt động đầu tư vào Việt Nam trong tháng 2/2018. Tuy nhiên, những con số này chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế mới trong mối quan hệ hợp tác mới giữa Việt Nam – Australia.
Vì vậy, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tới Australia mới đây, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Thời cơ đã đến với các nhà đầu tư Australia”.
Thủ tướng nhắc đến thời cơ ở đây có thể hiểu, với vị thế của đối tác chiến lược vừa được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng tới Australia và cùng là thành viên của CPTPP, rõ ràng đây là “thời điểm vàng” để các nhà đầu tư Australia tận dụng các cơ hội đầu tư với hàng rào thuế quan giảm, với thể chể pháp lý đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Bởi, Hiệp định tự do Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định CPTPP là hai hiệp định hiệp định tự do thương mại thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất về mở cửa thị trường của Việt Nam từ trước tới nay.
Bên cạnh đó, năm 2017 cũng là năm ghi nhận nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao ở mức 6,81%, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện 14 bậc xếp thứ 68/190 nền kinh tế. Những điều này đã được hiện thực hoá bằng con số thu hút FDI năm 2017 Việt Nam đạt hơn 30 tỷ USD. Vì vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Australia sẽ mở ra nhiều làn sóng đầu tư mới từ Australia vào Việt Nam.
"Ngọn sóng" đầu tiên vào nông nghiệp
Quả thực vậy, nhiều thoả thuận hợp tác đã được ký kết, trong đó phải kể đến việc mở đường bay thẳng từ Thành phố Hồ Chí Minh tới Thành phố Brisbane, Bang Queensland của Australia. Đây sẽ là một trong những điều kiện xúc tác đưa các nhà đầu tư Australia đến gần hơn với thị trường Việt Nam.
Được biết, trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt 12 quỹ đầu tư và tập đoàn tài chính hàng đầu Australia đang quản lý khối tài sản trị giá 500 tỷ USD. Và đây sẽ là những ngọn sóng đầu tư tiên phong trong làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam trong thời gian tới.
Có lẽ lĩnh vực nông nghiệp được chú trọng hơn cả, ông Jolyon Burnett - Giám đốc điều hành Hiệp hội Mắc ca Australia cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang có kế hoạch trồng cây mắc ca tại Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa biết hiện nay, Việt Nam đang có những chính sách ưu đãi gì cho cây mắc ca?
Được biết, hiện nay Việt Nam đã có đề án quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030. Theo đó nhằm khuyến khích đầu tư vào cây mắc ca, nhà đầu tư, doanh nghiệp được ưu đãi về đất trồng, về giống cây, bên cạnh đó là ưu đãi đầu ra cho sản phẩm, thuế..v.v..
Ngoài ra, với điều kiện khí hậu Việt Nam, so sánh về chất lượng sản phẩm hạt mắc ca, mắc ca Việt Nam có chất lượng cao hơn và được người tiêu dùng ưa chuộng hơn so với mắc ca Australia.
Vì vậy, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam – Australia đã thực hiện ký thoả thuận hợp tác. Theo đó, sẽ có một số nhà đầu tư trong hiệp hội mắc ca Australia đầu tư các dự án trồng mắc ca tại Việt Nam.
Năm 2017, xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt doanh thu 40 tỷ USD. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu ngành nông sản Việt Nam được đầu tư mạnh hơn nữa con số này sẽ tăng gấp đôi.
Rõ ràng, với những lợi thế về thuế suất, khi đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là những ngành được hưởng lợi thuế giảm dốc sẽ mang lại lợi nhuận doanh nghiệp đầu tư và góp phần đưa sản phẩm mang thương hiệu “Made in Việt Nam” vươn xa thế giới, đây chẳng phải là mối quan hệ win – win?