Doanh nghiệp Việt Nam và bài toán chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Nha Trang 06/10/2019 15:33

Để tồn tại và phát triển trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh bắt kịp cuộc chuyển đổi số, tăng "chất" của sản phẩm xuất khẩu cũng như mạnh dạn bước ra thế giới.

Đó là khẳng định của ông Đỗ Cao Bảo - Đồng sáng lập, UV HĐQT Tập đoàn FPT tại Hội thảo “Dự báo Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế số và những làn sóng mới – Thích nghi và chuyển đổi phương thức kinh doanh” do Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI phối hợp cùng Trường Kinh doanh Chất lượng cao PBS tổ chức mới đây tại Hà Nội.

ông Đỗ Cao Bảo - Đồng sáng lập, UV HĐQT Tập đoàn FPT tại Hội thảo “Dự báo Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế số và những làn sóng mới – Thích nghi và chuyển đổi phương thức kinh doanh”

Ông Đỗ Cao Bảo - Đồng sáng lập, UV HĐQT Tập đoàn FPT.

Theo ông Đỗ Cao Bảo, sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu đã đặt ra yêu cầu bức thiết với doanh nghiệp Việt nhanh chóng bắt nhịp từ đó thay đổi được vị trí trong chuỗi cung ứng

“Nếu bắt kịp, doanh nghiệp không có công nghệ trở thành có công nghệ, chuyển từ làm công đoạn có giá trị thấp sang làm công đoạn giá trị cao,… thì có thể làm thay đổi chính doanh nghiệp và thay đổi nền kinh tế chúng ta. DN nào nắm bắt được sẽ bứt phá lên.”, ông Bảo nói.

Ông Bảo cũng nêu một thực tế nhiều năm qua, xu thế toàn cầu hóa vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, các sản phẩm hàng hóa không chỉ sản xuất ở 1 quốc gia mà sản xuất thành chuỗi trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Cao Bảo cũng đã đưa ra các số liệu rất cụ thể để chứng minh những lợi thế của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và qua các hiệp định đối tác thương mại lớn EVFTA và CPTPP.

Cụ thể, đối với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hai quốc gia này có tổng GDP đạt 35.000 tỷ USD chiếm 40% kinh tế thế giới nên cuộc chiến xảy ra chắc chắn có tác động lớn tới nền kinh tế thế giới. “Chiến tranh mỹ trung xảy ra ai sẽ được hưởng lợi?”, ông Bảo đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Bảo: “Có nhiều góc nhìn khác nhau về quốc gia nào hưởng lợi nhất tuy nhiên, theo 3 tổ chức uy tín đó là UNCTAD (Liên Hiệp Quốc), CNBC (Mỹ), Nomura (Nhật Bản) đều đánh giá Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất. Vấn đề là Việt Nam chúng ta đón nhận và tận dụng cơ hội này như thế nào? “.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị phá vỡ ra sao?

    Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị phá vỡ ra sao?

    06:34, 03/07/2019

  • Doanh nghiệp Việt chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu

    Doanh nghiệp Việt chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu

    00:02, 17/04/2019

  • Doanh nghiệp Việt tìm

    Doanh nghiệp Việt tìm "cửa hẹp" tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

    00:10, 04/04/2019

  • 4 khó khăn khiến doanh nghiệp Việt chưa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

    4 khó khăn khiến doanh nghiệp Việt chưa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

    12:49, 02/04/2019

Về các hiệp định đối tác thương mại lớn EVFTA và CPTPP, ông Bảo đánh giá, các hiệp định này đều tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và đến nền kinh tế Việt Nam nói riêng.

“Quy mô kinh tế của EVFTA đạt 18.705B chiếm 21.44% quy mô kinh tế thế giới; Qui mô kinh tế của CPTPP là 11.096B chiếm 12.72% quy mô kinh tế thế giới. Nếu Mỹ không muốn rút ra và 1 số nước muốn tham gia vào như Thái Lan, Đài Loan thì Quy mô kinh tế của CPTPP đạt 29,801 tỷ USD, chiếm 34,16% kinh tế thế giới, EVFTA đạt 55,091 tỷ USD chiếm 63,14%”, ông Bảo lấy dẫn chứng.

Từ đó, ông Bảo khẳn định: “Việt Nam ký cả 2 Hiệp định này. CPTPP & EVFTA là động lực tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên có tận dụng được hay không tuỳ vào nỗ lực của chính phủ và doanh nghiệp Việt”.

Nói về tác động của cuộc CMCN 4.0, theo ông Bảo, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra trong nhiều năm nhưng với tiến bộ CM CN 4.0, của trí tuệ nhân tạo làm quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, mang lại hiệu quả lớn lao hơn cho toàn xã hội, cho nền kinh tế.
“Chuyển đổi số phải có Chính phủ số, doanh nghiệp số và công dân số “, ông Bảo đánh giá.

Lấy ví dụ ở Singapore, ông Bảo cho biết, tại đây tập trung các dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, du khách; Xuất nhập cảnh tự động (công dân Singapore 100%, khách quốc tế khi xuất cảnh), hoàn thuế VAT tự động...

Tương tự, Bộ ngoại giao Mỹ cũng đã có hệ thống cấp Visa online. Hay ở Đan Mạch, quốc gia đứng số 1 thế giới về chính phủ số khi 92% công dân Đan Mạch nhận được email trực tiếp từ chính phủ, tất cả các dịch vụ giữa người dân với chính phủ, với doanh nghiệp đều thực hiện online, từ nộp thuế, giao dịch ngân hàng, mua thẻ điện thoại, đặt lịch hẹn bác sĩ đến đặt lịch cắt tóc; tương lai cả đặt kế hoạch về hưu cũng online; 92% người dân Đan Mạch hài lòng.

Trong khi đó, theo xếp hạng của Liên hiệp quốc, Việt Nam đứng thứ 88/193 thế giới, đứng thứ 6 ASEAN về chuyển đổi số.

“Để tiến tới Chính phủ số và nền kinh tế số của Việt Nam còn rất xa và cần nhiều nỗ lực. Chuyển đổi số không phải là công việc của giới CNTT mà là công việc của các doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng CNTT, của Chính phủ. Chuyển đổi số phải bắt đầu từ nghiệp vụ, từ nhu cầu công việc. Chuyển đổi số không thể thành công nếu nó không thay đổi (từ con người, từ lãnh đạo, từ nghiệp vụ), CNTT, AI, 4.0 chỉ là công cụ để chuyển đổi số.”, ông Bảo đánh giá.

Lấy ví dụ về xuất khẩu, ông Bảo thông tin năm 2018 Việt Nam xuất khẩu 290 tỷ USD bằng 120% GDP quốc gia. Việt Nam đứng thứ 2 ĐNA, đứng thứ 22 thế giới về giá trị xuất khẩu (290 tỷ USD) vượt Thái Lan (250 tỷ USD), Indonesia (180 tỷ USD), Malaysia (247 tỷ USD), Philippines (68 tỷ USD) về giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam đứng thứ 6 thế giới tính theo tỷ trọng xuất khẩu/GDP quốc gia (120), sau Luxemburg (221), Hongkong (187), Singapore (172), Malta (139), Ireland (122). Tuy nhiên giá trị xuất khẩu giá trị gia tăng của Việt Nam không cao, doanh nghiệp Việt chỉ tham gia công đoạn dễ, chất xám ít, tạo giá trị gia tăng thấp. Hàng hóa nông sản chủ yếu xuất khẩu thô, chưa qua chế biến. Sản xuất chủ yếu gia công lắp ráp, sản phẩm made in VN/Make VN ít. Hầu hết là công ty địa phương, rất ít công ty đa quốc gia như Viettel, FPT. Đó đều là những khoảng trống cần các doanh nghiệp Việt lấp đầy.

“Chúng ta phải thay đổi cơ cấu kinh tế chuyển lên những công đoạn khó hơn, tạo giá trị gia tăng lớn hơn, để không những xuất khẩu cao mà xuất khẩu giá trị gia tăng cũng phải tăng (tính đến tính hiệu quả). Cụ thể, thay vì xuất khẩu sản phẩm nông sản thô Việt Nam cần chế biến nông sản, thủy hải sản; đẩy mạnh những sản phẩm Make in Vietnam (SP do người Việt thiết kế, sản xuất); tham gia vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ (sản xuất linh kiện, phụ tùng, bao bì…); tham gia vào lĩnh vực dịch vụ cho Toàn cầu (CNTT, BPO, kiến trúc, nội thất, xây dựng, giao thông,…); Có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo AI; Có nhiều công ty Việt Nam là công ty Global (KD trực tiếp tại nước ngoài)”, ông Bảo nêu đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp Việt Nam và bài toán chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO