Doanh nhân hiến kế hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế

Thy Hằng 03/09/2019 05:18

Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” sẽ được Ban Kinh tế Trung ương cùng các cơ quan liên quan phát động ngày 3/9.

Ban tổ chức cuộc vận động gồm các cơ quan: Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam…

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động, cho biết, cuộc vận động lần này thể hiện sự đổi mới trong cách thức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng đến với cộng đồng doanh nhân, doanh nhân. Qua đó, giúp cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nâng cao được nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Cuộc vận động

Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” thể hiện đổi mới trong cách tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Doanh nghiệp “đông nhưng chưa mạnh”

Thực tế ghi nhận, từ năm 2010 tới nay, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,2%/năm, tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 12%/năm ở khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tỉ trọng thu ngân sách nội địa chủ yếu doanh nghiệp tạo ra tăng từ 65% năm 2010 lên 80,6% năm 2019.

Tỉ trọng đóng góp của khu vực ngoài nhà nước và FDI tăng từ 58,1% lên 62,4%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước có đóng góp GDP lớn nhất trong vòng 9 năm trở lại đây.

Doanh nghiệp hàng năm tăng đều đặn, đưa số doanh nghiệp đang hoạt động đã đạt con số 715.000 doanh nghiệp. Hiện khu vực doanh nghiệp đang đóng góp lớn nhất vào quy mô phát triển của nền kinh tế, cho thấy đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng tiên phong chèo lái con thuyền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, để có thành công lớn và tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế nhanh, bền vững, không chỉ cần có sự quyết tâm, đồng tâm, đồng lòng của toàn Đàng, toàn dân, toàn quân mà cần phải có tư duy mới, suy nghĩ và tầm nhìn lớn, hành động đổi mới sáng tạo.

Khẳng định vai trò của đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam hiện có hơn 700.000 doanh nghiệp, 5,2 triệu hộ kinh doanh, gần 6 triệu thực thể kinh doanh... Tuy nhiên, đông nhưng không mạnh.

"Việt Nam cần chính thức hóa, coi hộ kinh doanh như doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển theo xu hướng của các Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư... Bằng cách đó chúng ta vừa nâng cấp hệ thống doanh nghiệp Việt vừa giúp chất lượng doanh nghiệp thay đổi hơn", TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Đồng quan điểm, PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, hiện nay lực lượng quan trọng bậc nhất của kinh tế thị trường là doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân, như Tổng Bí thư nói là vẫn còn bị kì thị, phân biệt, những ưu đãi vẫn chỉ cho những lực lượng khác như doanh nghiệp FDI, rồi cách tiếp cận giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân chưa thật sự công bằng.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nhân hiến kế - Quốc gia hưng thịnh

    Doanh nhân hiến kế - Quốc gia hưng thịnh

    11:00, 29/08/2019

Thay đổi tư duy xây dựng thể chế

Theo ông Thiên, thời đại mới công nghiệp sẽ hướng đến dịch vụ công nghệ cao, công nghệ thông tin, thương mại số, kinh tế số. Điều này sẽ hình thành các doanh nghiệp kinh tế số, doanh nhân kinh tế số lớn mạnh.

"Cách tiếp cận mới phải thay đổi từ tư duy xây dựng thể chế, thay đổi tư duy hướng đến lắng nghe ý kiến, phản biện của những chủ nhân mới của kinh tế đất nước và kinh tế thế giới", ông Thiên chia sẻ. 

Trong khi đó, theo các chuyên gia, hiện thế giới đang hình thành rất nhiều tỷ phú, thương nhân xây dựng được hệ sinh thái kinh tế bằng công nghệ số, thương mại số như Jackma với Alibaba của Trung Quốc; các đế chế của Amazon, Apple, Samsung... đều xây dựng được các tập đoàn lớn từ các doanh nghiệp tư nhân bản địa, qua thời gian phát triển họ hùng mạnh và đưa nền kinh tế các quốc gia nơi sản sinh ra cất cánh.

Trước đó, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 cũng ghi nhận, lần đầu phương thức đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp và đại diện các cơ quan của Chính phủ đã có sự thay đổi căn bản.

Theo đó, doanh nghiệp không còn kêu ca, phàn nàn về những vướng mắc, khó khăn thay vào đó, đại diện nhiều doanh nghiệp chuyển sang hiến kế, kiến nghị giải pháp để cùng song hành với Chính phủ xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Sự chuyển biến tích cực này là chỉ dấu cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn; đặc biệt là quyết tâm của Chính phủ trong việc chuyển từ “cởi trói” sang kiến tạo, định hướng và hậu thuẫn cho doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp chính là động lực quan trọng cho tăng trưởng, là chủ thể, lực lượng để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đặt ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

Do đó, khi Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, yểm trợ, cộng đồng doanh nghiệp không còn phải kêu ca mà chuyển sang hiến kế, chủ động đổi mới sáng tạo. Lúc đó, “hai bàn tay cùng vỗ” chắc chắn sẽ tiếp thêm sinh lực mới, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”

Tháng 9/2019: Tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động

Từ 5/9/2019 đến 31/12/2019: Nhận Hồ sơ tham dự Cuộc vận động

Từ 1/1 đến 31/3/2020: Tổ chức đánh giá, xét chọn các ý kiến góp ý, đề xuất Cuộc vận động

Dự kiến cuối tháng 4 năm 2020: Tổ chức Tổng kết và trao giải

Việc tổ chức cuộc vận động nhằm khẳng định sự coi trọng và mong muốn huy động trí tuệ cộng đồng của Đảng và Nhà nước đối với doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nhân hiến kế hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO