Sinh ra ở một vùng quê thuần nông của tỉnh Thanh Hóa, doanh nhân Nguyễn Văn Mẫn đã sớm chọn cho mình hướng đi riêng, đó là đầu tư trồng măng Tây xuất khẩu.
Khi người nông dân có máu Doanh nhân
Sau 2 năm nghiên cứu, trồng thực nghiệm, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có trên 100ha măng Tây của Doanh nhân Nguyễn Văn Mẫn, Giám Đốc Cty TNHH Dịch vụ Thanh Mẫn đang vào độ thu hoạch. Lợi nhuận ước tính khoảng 1 tỷ đồng/1ha.
Một ngày trải nghiệm làm nông dân, chúng tôi được nhân viên của Công ty đưa đi thăm các thửa ruộng măng Tây trồng thí điểm. Những búp măng Tây vươn lên mơn mởn như những ngón tay nõn nà của các cô gái đang thì xuân sắc. Trên những luống măng Tây, những người nông dân đang miệt mài làm việc. Thấy chúng tôi, họ hồ hởi với những cái bắt tay gần gũi như không còn khoảng cách.
Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, Doanh nhân Nguyễn Văn Mẫn đã có những bước thăng trầm trong kinh doanh. Anh Mẫn sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo tại xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Với 2 bàn tay trắng, anh rong ruổi khắp nơi để lập nghiệp, không ít lần nếm trải sự thành công cũng như thất bại.
Doanh nhân Nguyễn Văn Mẫn cho biết, bản thân anh cũng đã từng đứng trên đỉnh cao của thành công, nhưng thời cuộc thay đổi, thị trường xoay chuyển rất khó khăn cho những doanh nghiệp kinh doanh chân chính, lấy chữ tâm làm đầu.
“Khi gặp thời kỳ kinh tế suy thoái, mình bắt đầu tụt dốc trong kinh doanh, nhiều phi vụ làm ăn đổ vỡ, và phải tuyên bố phá sản, đã phải bán hết cả gia sản để trả nợ. Kinh doanh thất bại, nợ nần, mình phải đưa vợ con trở về quê sinh sống. Từ một doanh nghiệp thành đạt, mình quay về với đôi bàn tay trắng. Trở về với đồng ruộng, chăn nuôi gần như một người nông dân. Phải mất một khoảng thời gian dài tĩnh tâm tại quê nhà, với nhiệt huyết làm giàu, tôi đã đi khắp các cánh đồng quê hương, rồi sang các địa phương bên cạnh, thấm thía nỗi nhọc nhằn của người nông dân một nắng hai sương mà thu nhập vẫn không đủ sống. Thiết nghĩ, phải tìm cho được một sản phẩm, một cây trồng phù hợp với quê mình, giúp mình, giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững”, Doanh nhân Nguyễn Văn Mẫn nhớ lại.
Bén duyên với cây măng Tây
Qua bạn bè và người thân Doanh nhân Nguyễn Văn Mẫn đến với cây măng Tây như một cái duyên. Anh đã cất công tìm tòi, học hỏi, đến tận nơi, những vùng đã thành công từ mô hình rau an toàn xuất khẩu chất lượng cao. Ngoài ra, anh cũng đến các đầu mối thu mua, tìm hiểu thị trường đầu ra, liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp. Sau khi đã tìm hiểu kỹ lưỡng, anh đã kết nối với Công ty Xuất Khẩu Toàn Cầu đóng tại Hà Nội, ngay sau khi trở lại quê nhà, anh bắt đầu hành trình ấp ủ đầu tư vào nông nghiệp, đầu tư vào cây rau măng tây, ngành mà rất nhiều doanh nghiệp đang né tránh vì rủi ro thất bại rất lớn.
Doanh nhân Nguyễn Văn Mẫn nhớ lại: “Phải khi bắt tay vào đầu tư cho nông nghiệp mới thấy đủ cái khó, thời gian đầu tôi cùng cán bộ Công ty xuống từng hộ gia đình nông dân vận động, mở các lớp tìm hiểu về cây măng tây. Cây rau măng tây – loại cây trồng còn rất mới mẻ đối với người nông dân, nên bà con tiếp cận đón nhận rất e ngại, phía Công ty phải cam kết đầu tư một 100% vốn”.
Khó khăn là vậy, nhưng sau 2 năm với sự kiên trì cố gắng, thành quả đã đến với Doanh nhân Nguyễn Văn Mẫn. Thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa anh đã kết nối và mở rộng thêm thị trường, nông sản sạch, măng Tây của công ty anh được giới thiệu ở nhiều nước trong khu vực.
Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 15 huyện triển khai trồng cây măng Tây của công ty với diện tích trên 100 ha, số vốn đầu tư đã lên đến trên 11 tỷ đồng cho người nông dân Thanh Hóa. Mô hình rau an toàn đã vươn tới cả những người nông dân ở các huyện nghèo miền núi của tỉnh Thanh Hóa như: Ngọc Lặc, Như Xuân, Bá Thước… Sắp tới công ty sẽ mở rộng phạm vi đầu tư và kinh doanh với các tỉnh lân cận.
Cùng nông dân làm giàu
Với những cách làm hay trong chính sách đầu tư kinh doanh, anh đã giúp người nông dân làm giàu trên đất bạc màu, trở thành những ông bà chủ trên chính mảnh ruộng của mình.
Để gắn kết tới từng hộ nông dân, thành công từ người đi trước, Công ty vẫn đầu tư 50% vốn, giống, cam kết hỗ trợ kỹ thuật, cho tới khi thu hoạch. Ngoài ra, Công ty còn hợp đồng bao tiêu sản phẩm trong 10 năm, trong 5 năm phía công ty cam kết lại giá, tránh để thiệt cho người lao động. Cùng nông dân làm giàu đó là chiến lược kinh doanh của Doanh nhân Nguyễn Văn Mẫn.
Điển hình như gia đình anh Trần Hợp Hùng, (thôn Thành Hưng, xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa) hiện có 0,3 ha măng tây, thu nhập bình quân 150triệu/năm. Anh Hùng cho biết, từ khi chuyển đất hai lúa sang làm măng tây thu nhập của gia đình anh ổn định hơn, lợi nhuận gấp rất nhiều lần cây lúa hay cây rau màu khác. "Làm việc và hợp tác với phía Công ty, chúng tôi rất hài lòng và tin tưởng", anh Hùng chia sẻ.
Anh Phạm văn Mạnh, (xã Định Bình, huyện Yên Định) với diện tích 1,5 ha măng tây xanh, trung bình mỗi ngày cho thu hoạch 10kg, thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/năm. Anh Mạnh cho biết, làm nông nghiệp bao nhiêu năm nhưng phải đến khi gặp được anh Mẫn, biết đến cây măng tây chúng tôi, thì những người nông dân không những thoát được nghèo, mà còn làm giàu, đi lên từ nông nghiệp nông thôn.
Nói về lý do đầu tư cho nông nghiệp, anh Nguyễn Văn Mẫn cho biết, khi đầu tư, anh đã nhắm đến ngành hàng mà sản phẩm được sản xuất ra là cần thiết và nhu cầu ngày một lớn của người tiêu dùng. Cũng như tôi muốn mình cùng người nông dân quê làm giàu trên chính những mảnh đất quê hương, làm ông chủ trên chính thửa ruộng của mình, tương lai không xa có thể trở thành tỷ phú nông dân.