Chuyển đổi số ngày nay không khác gì việc trang bị chiếc máy hơi nước ở thế kỷ 19. Ai nhanh chân hơn người đó chiếm hữu lợi thế cạnh tranh.
Số hóa và tiến tới chuyển đổi số đang là yêu cầu bức bách trong điều hành doanh nghiệp hiện nay. Nhưng đối với doanh nghiệp do nữ giới làm chủ sẽ còn có khó khăn riêng.
Để tháo gỡ vấn đề này, ngày 3/12/2019 tại Tp Huế, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp và Hội Doanh nhân nữ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chuỗi sự kiện về “Chuyển đổi số cho Doanh nghiệp do nữ làm chủ”.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI nói về sức mạnh của chuyển đổi số. Nó mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời; giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp.
Nếu hoạt động này đạt hiệu quả, nó sẽ thay đổi toàn diện (transformation) cách thức vận hành doanh nghiệp, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.
Đáng chú ý, Việt Nam là một trong 10 quốc gia (đứng thứ 6) có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất thế giới, chiếm 31,3%.
Theo một báo cáo của Google nền kinh tế trực tuyến Việt Nam đang bùng nổ với giá trị hàng hóa tổng hợp năm 2018 là 9 tỷ USD tăng gấp 3 lần năm 2015. Năm 2025, con số này dự báo tăng trưởng lên 33 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 25%.
Có thể bạn quan tâm
12:15, 21/11/2019
14:18, 19/11/2019
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ dành ngân sách cho đổi mới công nghệ phát triển nhanh gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10% ngân sách. Tuy nhiên, cứ 5 doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam, chỉ có một đơn vị hiển thị trực tuyến.
Tại phiên tọa đàm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan dẫn chứng tầm quan trọng của khoa học công nghệ - chuyển đổi số. Bà lấy ví dụ trường hợp của Chile, năm 1860, quốc gia Nam Mỹ đứng đầu thế giới về xuất khẩu đồng, nhờ sở hữu công nghệ vượt trội, thời điểm đó Nhật Bản đang chuẩn bị làm cuộc cải cách “Minh Trị Duy tân”
Nhưng đúng 100 năm sau (1960) Nhật Bản bắt đầu vươn mình trở thành cường quốc kinh tế, bỏ xa Chile, đồng thời soán ngôi nước xuất khẩu kim loại màu số 1 thế giới.
Vậy, điều gì giúp tạo ra “thần kỳ Nhật Bản”? Chuyên gia Phạm Chi Lan “bật mí”, đó là nhờ đột phá công nghệ. Từ đó rút ra lý luận chung rằng, ngày nay các quốc gia cũng đang đứng trước “khúc cua” quyết định, đó chính là chuyển đổi số, nước nào nhanh chân sẽ có cơ hội thay đổi vị trí của mình.
Đi sâu vào tâm lý của từng doanh nghiệp do nữ làm chủ, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, tâm sự, bản thân bà xuất phát điểm từ vùng nông thôn, lại là nữ giới không thành thạo công nghệ số, nhưng hiện nay bà điều hành hầu hết công việc của cơ quan từ xa thông qua các ứng dụng.
Đó là ví dụ sống động để thấy rằng, chưa am hiểu công nghệ không có nghĩa là không ứng dụng được công nghệ vào điều hành doanh nghiệp. Bà minh lý giải “bởi đã có các app (ứng dụng) của các nhà cung cấp, doanh nghiệp chỉ việc sử dụng vào mục đích của mình”.
Thực ra, số hóa và chuyển đổi số với doanh nghiệp không phải là cái gì đó quá cao siêu và xa vời, nhưng rào cản lớn nhất đó là dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận thử thách…
Đó là lý do để bà Tuyến Minh rút ra kết luận cuối cùng “chuyển đổi số chính là quá trình vượt qua bản thân mình, là ta phải chiến thắng chính mình trước đã”, và bày tỏ niềm tin “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng doanh nhân nữ Việt Nam sẽ tìm ra lối đi riêng mang gam mầu giới tính để không tụt lại phía sau trong sự phát triển chung của nền kinh tế”.
Song hành với sự kiện này còn có “Tọa đàm Thúc đẩy chuyển đổi số cho Doanh nghiệp do nữ làm chủ” và tập huấn “Kỹ năng tiếp thị trực tuyến cho doanh nhân nữ". Thảo luận về vai trò của khu vực tư nhân đối với phát triển kinh tế, quan hệ đối tác, hợp tác đa ngành để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nhân nữ áp dụng nền tảng công nghệ số và chuyển đổi số. Hướng dẫn cách thức marketing trực tuyến và cách tiếp cận khách hàng phi truyền thống. |