Doanh nhân và hội họa: Cuộc dạo chơi màu sắc

Diendandoanhnghiep.vn Có một doanh nhân đã từng nói: “Sau biệt thự cao cấp, ô tô sang trọng, máy bay và du thuyền, thì các tác phẩm mỹ thuật đỉnh cao sẽ là mối quan tâm của giới doanh nhân”.

>>> LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Một bức tranh bị “vẽ bậy” lại bán được 750.000 USD

Đầu cơ hay nghệ thuật?

Có lẽ lời nhận xét của nhà sưu tập nổi tiếng kia dù là một mệnh đề chủ quan nhưng lại có nhiều hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Hãy quên việc đầu tư vào cổ phiếu hay trái phiếu, một khảo sát toàn cầu gần đây cho thấy, những người giàu nhất thế giới đang tích trữ tiền mặt của họ trong lĩnh vực nghệ thuật.

Một phiên đấu giá của Sotheby’s.

Một phiên đấu giá của Sotheby’s.

Cuối năm 2015, bức tranh nổi tiếng "Reclining Nude" của họa sĩ Ý, Amedeo Modigliani được định giá ở mức 100 triệu USD, nhưng một tỷ phú người Trung Quốc, Liu Yiqian - người sáng lập Long Museum Pudong và Long Museum West Bund, hai bảo tàng nghệ thuật tư nhân nổi tiếng ở Thượng Hải, đã đấu giá và mua được nó với giá 170,4 triệu USD.

Theo tờ Bloomberg, đây là mức giá kỷ lục đối với tranh của họa sĩ Modigliani. Mức giá này cũng đưa "Reclining Nude" trở thành bức họa đắt thứ hai thế giới, sau bức "Women of Algiers" của danh họa Picasso được đấu giá ở mức 179,4 triệu USD ở thời điểm đó. 

Còn theo một thống kê của tờ CNN cho thấy, chỉ riêng tại New York, có hơn 2 tỷ USD những tác phẩm nghệ thuật được rao bán trong một tháng. Đó là một con số khổng lồ cho bất kỳ thương vụ mua bán nào trên thế giới, không chỉ riêng trong giới nghệ thuật. Điều đó cũng cho thấy, thế giới nghệ thuật hội họa đỉnh cao đang được quan tâm một cách sâu sắc.

“Mặc dù không rõ động cơ mua tác phẩm là gì, nhưng việc mua bán các tác phẩm nghệ thuật với giá “trên trời” là một dấu hiệu cho thấy thế giới nghệ thuật cao cấp không bị ảnh hưởng bởi sự biến động của nền kinh tế toàn cầu”, các chuyên gia cho biết.

Tỷ phú J. Tomilson Hill, cựu chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Blackstone Alternative Asset Management (BAAM), công ty kinh doanh quỹ đầu cơ của Blackstone, đã xây dựng một trong những bộ sưu tập mỹ thuật hàng đầu thế giới, chứa đầy các bức tranh của Picasso, de Koonings và Bacon, giá trị đã tăng hơn gấp đôi hoặc gấp ba kể từ khi ông mua chúng.

Tỷ phú J. Tomilson Hill và bộ sưu tập khổng lồ của ông.

Tỷ phú J. Tomilson Hill và bộ sưu tập khổng lồ của ông.

Bí mật lớn nhất của Tomilson Hill khi đầu tư vào nghệ thuật đến từ kinh nghiệm của ông trên thị trường tài chính. Hill là chủ tịch của nhóm giải pháp quỹ đầu cơ trị giá hàng tỷ đô la của Blackstone Group, đồng thời là nhà điều hành tài chính hàng đầu trong nhiều thập kỷ. Ông cho rằng, cả cổ phiếu và nghệ thuật, đều có một sự tương đồng đáng ngạc nhiên trong việc đầu tư.

Tuy nhiên, theo Kevin Yardumian, nhà sưu tập các tác phẩm mỹ thuật thế kỷ 19, đối tác hãng Gumbiner Savett chuyên về kế toán và tư vấn kinh doanh, đã từng chia sẻ: “Đầu tư mỹ thuật là kênh đầu tư tuyệt hảo cho những ai có tiền nhàn rỗi trong khoảng thời gian dài. Tuy vậy, những khoản đầu tư này mang tính chất lâu dài vì chậm thanh khoản”.

Cuộc dạo chơi thú vị

Một số người tin rằng, những bức hội họa cao cấp là một cách tuyệt vời để giới siêu giàu gửi đô la của họ vào thời điểm mà xu hướng nền kinh tế toàn cầu không chắc chắn. Trong khi một số khác lại cho rằng, những tỷ phú này có rất nhiều nơi khác để gửi tiền, chẳng hạn như cổ phiếu hay bất động sản. Nhưng, họ lại mua các tác phẩm nghệ thuật, đơn giản là vì tình yêu.

Tác phẩm “Air Power” của Jean-Michel Basquiat tại Sotheby’s in London.

Tác phẩm “Air Power” của Jean-Michel Basquiat tại Sotheby’s in London.

Trong một báo cáo dựa trên một cuộc khảo sát toàn cầu của Ledbury Research về những triệu phú trên thế giới cho thấy, hơn 2.000 cá nhân có giá trị ròng cao, tương đương mức tài sản vào khoảng 1,5 triệu USD trên thế giới (Châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông và Châu Á - Thái Bình Dương), đã sử dụng 9,6% số tài sản vào các bộ sưu tập nghệ thuật của mình.

Trong đó, những phụ nữ có xu hướng thích các bộ sưu tập nghệ thuật và ít coi đó là một khoản đầu tư tài chính. Chỉ có khoảng 11% trong số họ tìm kiếm động cơ tài chính trong các bộ sưu tập nghệ thuật.

Mặt khác, những người sống trong các nền kinh tế biến động hơn có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào việc sưu tầm nghệ thuật, vì nó được coi là tài sản an toàn hơn. Ở một số quốc gia có nhiều người giàu mới nổi, chẳng hạn như Ấn Độ và Trung Quốc, nhiều người trong số họ muốn chứng tỏ địa vị của mình thông qua các bộ sưu tập nghệ thuật mà họ sở hữu.

ông Phan Minh Thông – Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Phúc Sinh, một nhà sưu tầm tranh Việt Nam chịu chi và có thẩm mỹ tốt.

Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Phúc Sinh và các tác phẩm hội họa sưu tầm.

Tại Việt Nam hiện tại, cũng không thiếu những doanh nhân có đam mê sưu tập hội họa và các tác phẩm nghệ thuật. Có người tìm đến với việc sưu tầm hội họa xuất phát từ thú vui và cảm xúc cá nhân, song cũng có người tìm kiếm những động cơ thực tế trong kinh doanh.

Trong vài năm gần đây, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Phúc Sinh nổi lên như một nhà sưu tập tranh Việt Nam chịu chi và có thẩm mỹ tốt. Ông cho rằng: “Đến với nghề chơi tranh và sưu tầm tranh giúp tôi cũng như doanh nghiệp của mình nâng tầm văn hóa, giúp việc giao kết kinh doanh với đối tác Âu – Mỹ dễ dàng hơn".

doanh nhân Nguyễn Trọng Thuận, một trong những nhà sưu tập tranh, đồng hồ và cổ vật kín tiếng tại Hà Nội.

Doanh nhân Nguyễn Trọng Thuận, một trong những nhà sưu tập tranh, đồng hồ và cổ vật kín tiếng tại Hà Nội.

Trong khi doanh nhân Nguyễn Trọng Thuận, một trong những nhà sưu tập tranh, đồng hồ và cổ vật kín tiếng tại Hà Nội lại cho rằng: “Đối với tôi, hội họa là môn nghệ thuật đỉnh cao, hội tụ tinh hoa nghệ thuật của nhân loại. Bạn có thể tìm thấy hàng ngàn đại gia dễ dàng chi cả trăm ngàn đô la để tậu một chiếc siêu xe lái ra đường khoe khắp thiên hạ, nhưng không phải ai cũng chấp nhận bỏ ra số tiền tương tự chỉ để mua một bức tranh nhỏ xíu về treo trang trọng kín đáo trong nhà, lại phải dành một không gian riêng để treo tranh, đánh đèn, dành nhiều thời gian chiêm ngưỡng, tìm hiểu, thẩm thấu nghệ thuật và bàn luận say mê…”.

Rõ ràng, nghề chơi cũng lắm công phu. Nhưng, tựu chung theo kết luận từ khảo sát của Ledbury Research cho thấy, động lực quan trọng nhất để người ta sưu tầm nghệ thuật là sự thích thú và họ tìm được niềm vui từ đó. Với hầu hết những doanh nhân giàu có, việc làm đó có thể là một cách thú vị để đa dạng hóa danh mục đầu tư…

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nhân và hội họa: Cuộc dạo chơi màu sắc tại chuyên mục Doanh nhân của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714333042 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714333042 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10