Doanh nhân Việt Nam thể hiện ý chí, nghị lực của dân tộc Việt Nam

Bài: NGUYỄN VIỆT - BẢO LOAN - Ảnh: QUỐC TUẤN 15/09/2022 15:39

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã thể hiện sự kết tinh và tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu của dân tộc Việt Nam.

>>Nghị quyết 09: Tạo đà cho Nam Định có những con số “ngoạn mục”

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09 Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại cuộc làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân  về tình hình thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngày 15/9.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09 Trần Tuấn Anh. Ảnh: Quốc Tuấn

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09 Trần Tuấn Anh. Ảnh: Quốc Tuấn

Ông Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh: doanh nhân còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước, tham gia ngày càng tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách.

Chủ lực và tiên phong

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã thể hiện sự kết tinh và tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu của dân tộc Việt Nam; là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn HTX và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh (trong đó khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế). Nếu chỉ tính các hộ kinh doanh có mã số thuế, đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã có gần 4 triệu doanh nhân, còn nếu xét cả các hộ kinh doanh không có mã số thuế, chúng ta đã có hơn 7 triệu doanh nhân.

Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn, tạo được đột phá trong sản kinh doanh với những dự án đầy tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp... 

“Chúng ta đã có 6 doanh nhân lọt vào tốp "tỷ phú USD" toàn cầu năm 2021. Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia, một số thương hiệu gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nói.

Trong năm 2021, mặc dù cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn lớn bởi đại dịch COVID-19, song theo Tổng cục Thống kê, cả nước bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Khi đất nước căng mình ứng phó với đại dịch COVID-19 và các tác động bất lợi từ bối cảnh quốc tế, doanh nhân Việt Nam cũng chính là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, kiên cường đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Một bộ phận đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cũng đã linh hoạt, chủ động, nhanh chóng thích ứng với bối cảnh mới, tìm kiếm những hướng đi mới từ những cơ hội do quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

>>Nghị quyết 09: Nam Định chọn con đường và bước đi riêng

>>Doanh nghiệp Đăk Lăk kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến Nghị quyết 09

>>Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Cụ thể hoá Nghị quyết 09 bằng nhiều sáng kiến

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã thể hiện sự kết tinh và tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Quốc Tuấn

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã thể hiện sự kết tinh và tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Quốc Tuấn

“Những kết quả đã đạt được như nêu trên về phát triển doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có được là nhờ những chủ trương, định hướng, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, mở cửa và hội nhập nói chung và phát triển doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng. Cùng với đó là những nỗ lực, cố gắng, tinh thần và ý chí phấn đấu lâu dài, không ngừng nghỉ của toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh bày tỏ.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhắc lại, lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tâm huyết, tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho giới công thương gia, tiền thân của giới doanh nhân Việt Nam ngày nay. Người khẳng định, giới công thương là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn - tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước.

Người nhấn mạnh, giới công thương phải đồng hành với dân tộc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Về xây dựng con người doanh nhân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn trở thành người kinh doanh giỏi phải không ngừng học tập, khổ công rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức người kinh doanh.

Với tinh thần đó, cùng với quá trình đổi mới tư duy về cơ chế quản lý kinh tế, quan điểm, chủ trương của Đảng về đội ngũ doanh nhân cũng liên tục được phát triển, là yếu tố quan trọng tạo nên những thay đổi tích cực trong suốt những giai đoạn phát triển của đất nước.

Năm 2011, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết riêng về đội ngũ doanh nhân. Sau khi Nghị quyết số 09 được ban hành, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 09 và đã đạt được những kết quả tích cực.

Lần đầu tiên, cụm từ “doanh nhân” đã được xuất hiện trong Hiến pháp năm 2013 (Điều 51: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh).

Các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII và nhiều Nghị quyết, văn bản của Đảng đã xác định đội ngũ doanh nhân có vai trò quan trọng, doanh nghiệp là lực lượng chủ lực, động lực quan trọng, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của Nhân dân.

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về tạo lập môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân và được thực thi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp vươn lên và phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh lại  điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói “... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày nay...”. Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới. Những thành công này có đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân.

Qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ảnh: Quốc Tuấn

Qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ảnh: Quốc Tuấn

Đại hội XIII đặt ra những mục tiêu và khát vọng phát triển của đất nước đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Công cuộc đổi mới ở nước ta đang bước vào giai đoạn mới trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mang lại nhiều cơ hội, thuận lợi, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Hội nhập ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu nhận thức sâu sắc hơn về nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ dựa trên nền tảng củng cố nội lực và tận dụng được những cơ hội từ hội nhập quốc tế. Các xu hướng mới về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, tăng trưởng dựa trên năng suất và khoa học công nghệ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09 Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại cuộc làm việc với đội ngũ làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhânp/về tình hình thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ảnh: Quốc Tuấn

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09 Trần Tuấn Anh làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân về tình hình thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ảnh: Quốc Tuấn

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng chính là chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng thông minh và bền vững, có khả năng thích ứng cao trước những biến động lớn của kinh tế thế giới và khu vực, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp, doanh nhân chính là những người đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Yêu cầu phát triển về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp phần quyết định vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước. Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không chỉ cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, mà còn cần phải vươn ra tầm khu vực và quốc tế.

Cần phát huy hơn nữa tính chủ động, năng lực sáng tạo, linh hoạt để không chỉ phát triển doanh nghiệp do mình làm chủ, mà cần tăng cường hợp tác, liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Quốc Tuấn

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Quốc Tuấn

Cùng với đó là những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp; về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm và đủ tầm đáp ứng được những thay đổi và thách thức ngày càng lớn của môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế.

Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đề ra nhiệm vụ phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.

Có thể bạn quan tâm

  • “Bí quyết” xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Hòa Bình

    00:36, 10/09/2022

  • Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Cụ thể hoá Nghị quyết 09 bằng nhiều sáng kiến

    19:25, 09/09/2022

  • Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Đốt ngọn lửa nhỏ để tạo ra ánh lửa hồng!

    16:18, 08/09/2022

  • Bản sắc văn hoá tạo ra thương hiệu

    00:11, 08/09/2022

  • Văn hoá là “điểm tựa” của doanh nghiệp trong đại dịch

    00:09, 07/09/2022

  • Thời gian "thử thách" với "độ bền" văn hoá

    01:03, 03/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nhân Việt Nam thể hiện ý chí, nghị lực của dân tộc Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO