Để trở thành doanh nhân dân tộc thì phải biết đặt lợi ích quốc gia, đồng bào, sự tự cường dân tộc thành mục tiêu, động cơ chi phối việc làm giàu cá nhân.
>>Chương trình bình xét và trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ về doanh nhân dân tộc đích thực thời 4.0 hôm nay.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, kinh doanh là để làm giàu, trước hết là làm giàu cho mình. Động cơ này mạnh đến mức dễ đẩy người ta đến việc dùng mọi thủ đoạn để kiếm tiền, kể cả việc giẫm đạp lên lợi ích của người nghèo, tận dụng khe hở cơ chế, chính sách, tạo lập liên minh lợi ích nhóm để trục lợi, đục khoét ngân khố quốc gia.
“Để trở thành doanh nhân dân tộc thì phải đủ bản lĩnh, đủ cam đảm và sự hiểu biết để vượt qua động cơ “ròng cá nhân” đó, biết đặt lợi ích quốc gia, lợi ích của đồng bào, sự tự cường dân tộc, thành mục tiêu, động cơ chi phối việc làm giàu cá nhân. Đây thực sự là việc không dễ dàng, đặc biệt là trong điều kiện cơ chế, chính sách còn “tranh tối, tranh sáng””, PGS. TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Trước đây, trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhiều tấm gương doanh nhân dân tộc đặt mục tiêu làm giàu để có điều kiện góp tiền của cho cách mạng, giúp người nghèo, nuôi cán bộ, qua đó, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc, tháo bỏ gông xiềng áp bức cho đồng bào mình.
Ngày nay, trong bối cảnh cạnh tranh thị trường, toàn cầu hóa, công nghệ cao, mục tiêu của các doanh nhân dân tộc tuy không thay đổi bản chất nhưng có sự khác biệt căn bản về nội dung và cách thực hiện.
Giờ đây, những mục tiêu như “Thương hiệu quốc gia”, “Năng lực cạnh tranh quốc gia”, “Sản phẩm Việt”, “Tập đoàn kinh tế Việt Nam”, “Doanh nhân Việt Nam”, “Tỷ phú Việt Nam”… trở thành đích hành động của các doanh nhân dân tộc Việt. Hợp những thành phần đó lại, hình thành chân dung nền kinh tế Việt hiện đại. Đây chính là những nội dung làm mới định nghĩa “doanh nhân dân tộc Việt Nam”.
Tuy nhiên, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, doanh nhân dân tộc không làm giàu bằng cách đục khoét ngân khố, trục lợi tài sản công. Ngược lại, họ phải mẫu mực đóng thuế, tôn trọng luật lệ, sẵn sàng giúp người nghèo.
Hơn thế, họ còn phải là những người tiên phong đổi mới – sáng tạo, đi đầu trong cạnh tranh quốc tế, tạo thương hiệu quốc gia và danh tiếng quốc tế cho sản phẩm Việt, cho đất nước Việt Nam. Và bản thân họ phải trở thành niềm tự hào Việt Nam trên vũ đài quốc tế.
>>Xây dựng chương mới về Doanh nhân Việt Nam
>>“Giảm lượng, tăng chất” để giá trị doanh nhân được cộng đồng công nhận
>>Liêm chính, đạo đức, “thước đo” doanh nhân tiêu biểu
Như vậy, thế hệ doanh nhân ngày nay sẽ phải gánh trên vai sức nặng “ngàn cân”. Và nói như PGS. TS Trần Đình Thiên, đó chính là một "sứ mệnh". Trong điều kiện nền kinh tế còn ở thế “đi sau, tụt hậu”, những doanh nhân đó phải đương đầu với ít nhất ba thách thức lớn.
Một là, hệ thống cơ chế, chính sách, sau 30 năm đổi mới, vẫn còn tình trạng “tranh tối, tranh sáng”.
Hai là, cạnh tranh với các đối thủ quốc tế hùng mạnh gấp bội.
Ba là, phải vươn nhanh tới quản trị và công nghệ hiện đại.
“Đối mặt với những thách thức đó, nhiều doanh nhân Việt đang nỗ lực chứng minh năng lực “vượt trước” của “kẻ đi sau”. Để cất cánh, để Việt Nam cần có lực lượng doanh nhân hùng mạnh chứ không chỉ một vài tấm gương đơn lẻ. Và họ cần sự hậu thuẫn tích cực, đầy tinh thần dân tộc, của cả xã hội, của nhà nước Việt Nam”, PGS. TS Trần Đình Thiên bày tỏ.
Vẫn theo PGS. TS Trần Đình Thiên, kể từ khi Việt Nam bắt đầu bước chuyển lịch sử: “Đổi Mới và Cởi Trói (1986)”, đã xuất hiện nhiều doanh nhân xuất sắc với những phẩm chất doanh nhân nổi bật trong thời chuyển đổi – hội nhập đầy “bão táp” vừa qua.
Tất cả họ đều có những phẩm chất và năng lực vượt trội, cơ bản giống nhau. Đó là khát vọng làm giàu mãnh liệt kết hợp với mong muốn cháy bỏng đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi thân phận nghèo hèn, là năng lực tiên phong – đột phá và khả năng tận dụng thời cơ để khẳng định mình và góp phần định dạng tương lai đất nước.
Mặc dù rất tự hào về thế hệ doanh nhân Việt Nam ngày nay, nhưng PGS. TS Trần Đình Thiên vẫn có phần “tiếc nuối”, vì họ chưa được tạo "đường băng" to rộng và "vuột mất" nhiều cơ hội để bay cao hơn, xa hơn, mạnh hơn.
“Như Lý Quang Diệu từng nhận xét, Việt Nam vẫn đang bỏ phí hai nguồn tài nguyên lớn nhất – con người và cơ hội. Còn nhà thơ Trần Dần đã từng khóc và tiếc “những chân trời không có người bay” và “những người bay không có chân trời”. Muốn có tàu lớn ra khơi thì phải có biển lớn. Những giấc mơ vươn khơi sẽ mắc cạn trong cái ao làng về tư duy và cơ chế”, PGS. TS Trần Đình Thiên chia sẻ.
Chương trình bình xét, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cũng là một nội dung được VCCI triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các ứng viên doanh nhân tiêu biểu sẽ do các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền thông tìm chọn, giới thiệu và thời hạn đề cử là đến 31/8/2022. Ba bước tiếp theo trong quy trình bình xét là sơ tuyển, thẩm định thực tế và vòng chung tuyển sẽ thực hiện trong tháng 9/2022. Danh hiệu sẽ được trao tặng đúng dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Bên cạnh việc bình xét trao tặng Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, căn cứ hồ sơ các ứng viên trong vòng chung tuyển, Hội đồng bình xét sẽ đề xuất danh sách những doanh nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống đại dịch COVID-19 để tuyên dương tại Lễ công bố và trao danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022. Đây là hoạt động thiết thực để ghi nhận và tôn vinh những doanh nhân đã có đóng góp xuất sắc cho cuộc chiến chống dịch trong hơn 2 năm qua. |
Có thể bạn quan tâm
04:07, 13/08/2022
20:11, 09/08/2022
13:00, 08/08/2022
21:06, 02/08/2022
03:16, 02/08/2022
00:50, 31/07/2022
14:33, 30/07/2022
11:00, 30/07/2022
10:00, 30/07/2022