Có khoảng 15% doanh nghiệp logistics ước tính doanh thu giảm 50% trước đại dịch COVID-19.
Đây là số liệu khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), về những tác động của dịch COVID-19 lên tình hình hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp logistics.
Theo đó, khoảng 15% doanh nghiệp ước tính doanh thu giảm 50% so với năm 2019; hơn 50% doanh nghiệp ước tính số lượng dịch vụ logistics (trong nước và quốc tế) giảm từ 10% - 30% so với năm 2019. Nguyên nhân do nhiều nhà máy phải ngưng hoạt động nên lượng hàng hóa cần lưu chuyển cũng ít đi. Ngoài ra, nguồn thu xuất nhập khẩu từ các nước có dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... cũng bị giảm đáng kể.
Có thể bạn quan tâm
11:02, 03/03/2020
17:28, 06/02/2020
01:13, 15/01/2020
11:00, 29/12/2019
04:33, 26/12/2019
15:28, 25/12/2019
Hiện nay, các loại hình vận chuyển bằng tàu biển, hàng không, đều cắt giảm tuyến nên hàng nhập về Việt Nam giảm mạnh, giá cước vận chuyển hàng hóa tăng cao hơn so với bình thường nên các doanh nghiệp logictics gặp nhiều khó khăn.
Đội tàu biển của Việt Nam chủ yếu hoạt động trên các tuyến ngắn trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, trong đó sản lượng và doanh thu liên quan đến thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng đáng kể. Do đo, doanh thu của các doanh nghiệp vận tải biển nhiều khả năng sẽ sụt giảm trong quý 1/2020 khi mà sản lượng vận tải dự báo sẽ giảm mạnh.
Tương tự như vận tải biển, nhiều cảng biển của Việt Nam cũng có mức độ phụ thuộc tương đối lớn vào nguồn hàng xuất nhập khẩu có liên quan tới thị trường Trung Quốc, Hong Kong, do đây là khu vực cảng trung chuyển lớn nhất của thế giới.
Ví dụ như tại Hải Phòng, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính số chuyến tàu đến từ hai thị trường nói trên ra/vào các cảng ở đây chiếm khoảng 40-45% tổng số lượt tàu quốc tế. Với việc khai thác cảng và các nhà máy tại Trung Quốc hoạt động đình trệ do thiếu công nhân, cùng với thời gian bốc dỡ hàng lâu hơn do các tàu phải chịu sự kiểm tra gắt gao từ phía Trung Quốc, các hãng tàu lớn trên thế giới đều đã phải cắt giảm sản lượng do phải loại bỏ các cảng của Trung Quốc trong hành trình, dẫn tới giảm sản lượng bốc xếp tại các cảng của Việt Nam. Trong đó, VDSC ước tính sản lượng container qua các cảng Hải Phòng có thể bị giảm 10-15% trong 2 tháng đầu năm.
Trên đường hàng không, các hãng bay hiện nay đều hủy các tuyến bay đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông... và hạn chế tối đa các chuyến bay từ vùng dịch. Giá cước vận chuyển hàng hóa vì thế cũng tăng cao hơn so với bình thường.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đã giảm 7% trong hai tháng đầu năm 2020. Ngoài ra, do đa phần đây là những nguyên liệu được nhập khẩu về để gia công phục vụ xuất khẩu, nên nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác cũng bị ảnh hưởng theo, gián tiếp tác động tới các nhu cầu về logistics.
Trước tình hình khó khăn, các doanh nghiệp trong Hiệp hội VLA đề xuất Chính phủ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2020, khoản thuế giảm này xem như một phần để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của năm 2020. Đồng thời, Chính phủ xem xét hoãn và giảm các khoản đóng quỹ bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm y tế từ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Hiệp hội VLA, kiến nghị Chính phủ làm việc với các hãng vận tải, hãng tàu nhằm giảm giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giảm phí dịch vụ tại cảng để giảm chi phí lưu thông hàng hóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp logistics. Đặc biệt, là việc kiểm soát giá cước vận chuyển không để tăng giá quá cao, trong đó phí LSS, LSS tăng theo quý, nhưng hiện tại hãng tàu đang tăng theo tháng. Đối với các doanh nghiệp có kho lạnh cần được ưu đãi về giá điện vì hiện nay giá điện dùng cho kho lạnh đang cao hơn giá điện sản xuất từ 25-30%.
VLA cho rằng nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, Chính phủ cần xem xét giảm chi phí vận tải như giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay…để giảm khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với vận tải hàng hóa đường bộ, đường sắt giữa Việt Nam với Trung Quốc đang bị ảnh hưởng rất lớn, do đó Chính phủ chỉ đạo tăng cường vận tải nội địa. Đồng thời, mở rộng kết nối với các nước còn lại trong khu vực ASEAN, đặc biệt là Thái Lan để giúp vận tải đường bộ có thể bù đắp phần thiếu hụt từ việc hạn chế vận chuyển hàng hóa qua Trung Quốc trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
VLA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại cần khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các doanh nghiệp bị tác động mạnh từ dịch COVID-19. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, VLA kiến nghị Chính phủ xem xét lại các khoản thuế, chi phí vận tải như giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi...