Với bờ biển dài 231 km dọc phía đông nam Đài Loan, Đài Đông sẽ đưa du khách đến những trải nghiệm du lịch biển độc đáo.
Mặc dù cung đường đến Đài Đông chưa phổ biến với người Việt, tuy nhiên, chính điều đó cho chúng tôi cơ hội để khám phá bao điều độc, lạ thú vị ở xứ Đài.
Đón năng lượng ở Đài Đông
Xuất phát từ Nội Bài trên chuyến bay 11:35 của hãng Hàng không China Airline với giờ giấc không thể chuẩn hơn, đúng 15:10 chúng tôi có mặt ở sân bay Đào Viên - một trong ba sân bay quốc tế của Đài Loan và nằm trong top 10 sân bay có lưu lượng giao thông vận tải lớn nhất thế giới. Từ đây, cùng với hướng dẫn viên của Cola tour, chúng tôi di chuyển bằng xe bus 2 tầng tới Trạm tàu hoả Đài Bắc để kịp chuyến tàu Đào Viên 18:35 - 22:50 Đài Đông với quãng đường hơn 300 km.
Đài Đông đón chúng tôi bằng một đêm mát trời, yên tĩnh với "một chiếc" khách sạn Cham Cham Taitung thân thiện và tiện nghi. Cham Cham chỉ cách ga tàu lửa Đài Đông vài bước đi bộ. Cái tên xuất phát từ tiếng Tây Tạng với từ đồng âm nghĩa là "mạnh mẽ" mô tả người Tây Tạng sống trên nóc nhà của thế giới, cưỡi ngựa và ca hát trên đồng cỏ. Tinh thần tự do, phiêu lưu và thử thách này chính là ý nghĩa ban đầu của thương hiệu.
Và quả thật, dù di chuyển cả ngày với quãng đường dài, chỉ sau một đêm ở Cham Cham, chúng tôi đã mau chóng nạp lại năng lượng, tràn đầy tinh thần và hứng khởi.
Sáng sớm ở Đài Đông - đúng là nơi nhiều ánh mặt trời nhất xứ Đài, hơn 5h, những tia nắng đầu tiên đã chói qua rèm. Tôi nhận ra view phòng mình hướng chính Đông. Hẳn là ở đất nước trọng phong thủy như Đài Loan, người ta đã phải tính toán rất kỹ để chọn hướng xây nhà. Hướng chính Đông là nơi mặt trời mọc, tượng trưng cho sự khởi đầu mới, sự sống và ánh sáng. Việc xây nhà hướng Đông được xem như một cách để đón nhận những nguồn năng lượng tích cực, may mắn và khởi đầu những điều tốt đẹp.
Từ Cham Cham nhìn ra xa là dãy núi bao quanh thành phố Đài Đông, cảnh vật yên bình và trong trẻo. Đường phố, nhà cửa ở đây đều được quy hoạch vuông vức, gọn gàng. Xe hơi đậu dọc theo vạch kẻ ở mép lòng đường và xếp ngăn ngắn ở một vài ô đất trống. Mọi thứ đều trật tự và quy củ.
Những ngày sau, khi trải nghiệm nhiều điểm đến thì tôi thấy ở Đài Loan, từ thành thị đến nông thôn đều được quy hoạch bài bản như vậy. Giao thông đi lại luôn thuận tiện, dễ dàng, không có cảnh tắc đường kể cả vào giờ cao điểm.
Đến Xiaoyeliu chiêm ngưỡng tác phẩm từ trầm tích ngàn năm
Đài Đông mùa này đúng độ cây bàng lá đỏ. Những cây bàng mọc rất nhiều ở khu Xiaoyeliu - thắng cảnh ở cực Nam Miền Đông, điểm đến đầu tiên trong những ngày khám phá Đài Đông của chúng tôi.
Bàng được trồng thành vườn ở bên trái lối vào, còn ngay giữa là một khối nhà trung tâm địa chất với các loại mô hình vật chất và mẫu đá sống động, giới thiệu cảnh quan địa chất đặc biệt, quá trình hình thành và tiến hóa của vùng núi ven biển này.
Sở dĩ gọi là Xiaoyeliu là bởi vì cảnh quan xói mòn nơi biển phong phú và đa dạng với hình thù giống như cây liễu hoang dã ở bờ biển phía Bắc, giống như ở Yeliou.
Địa chất ở đây cấu thành từ sa thạch, các rạn san hô cao, xếp hình bậc thang với những cây đa biển phủ bóng che…
Được mệnh danh là "Viên ngọc thiên nhiên Đài Đông", Xiaoyeliu thu hút du khách với phong cảnh biển tuyệt đẹp cùng những dải đá hình thù độc đáo như miếng đậu phụ, tổ ong, con hàu hay cây cỏ… Đây là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá các hiện tượng địa chất độc đáo và thiên nhiên hoang sơ.
Xung quanh Xiaoyeliu là hệ sinh vật ven biển phong phú như cây phong ba, dứa dại, xương rồng trổ hoa tím hồng rực rỡ…
Nghe tích Bát Tiên trên đảo Tam Tiên
Huyện Đài Đông (trung tâm là TP Đài Đông) là huyện lớn thứ 3 ở Đài Loan với địa hình lý tưởng, 1 bên tựa núi, một bên là bờ biển dài hơn 230 km ở đông nam Đài Loan. Tuy nhiên, Đài Đông lại không có bãi tắm, bởi bãi biển ở vùng này không phải cát trắng mà chủ yếu là đá - được tạo nên do biến động vỏ trái đất và sự xâm thực của nước biển qua hàng ngàn năm.
Nếu ở Xiaoyeliu dày đặc những tác phẩm đá do tự nhiên tạc thành thì ở đảo Tam Tiên (Sanxiantai), đá cuội bạt ngàn trên bãi biển…
Sanxiantai là nơi nổi tiếng nhất bờ Đông, gồm một đảo nhỏ nằm ngoài khơi được nối bằng một cây cầu 8 nhịp màu đỏ - hiên ngang như một con rồng đang vờn sóng đại dương.
Đảo này gắn liền với tích Bát Tiên vượt biển. Tương truyền, hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi là nơi ba vị tiên trong nhóm bát tiên đã dừng chân khi vượt biển là Lyu-Dongbin, Li-Tieguai và He-Xiangu. 8 nhịp cầu tượng trưng cho bát tiên.
May mắn đến đảo Sanxiantai khi thủy triều xuống, nên chúng tôi thong dong đi qua bãi đá cuội, sang bên kia đảo. Một con đường dài hiện ra, hai bên dứa dại um tùm.
Mùa này lặng gió. Đây cũng là lúc các trái dứa lủng lẳng chín màu vàng ruộm. Đi dọc theo đảo, mùi thơm đặc trưng của dứa dại, mùi của biển cả và mùi thơm của nắng mới hoà quyện, thoang thoảng như đưa du khách lạc vào không gian xa ngái và mơ màng miền cổ tích.
Cảnh quan, địa hình và hệ sinh thái ở khu vực này hết sức đặc biệt và quý hiếm nên đây là địa điểm nổi tiếng cho việc nghiên cứu quá trình hình thành và tiến hóa của vùng núi ven biển cũng như hệ sinh thái sinh vật biển.
Học cách bảo tồn thiên nhiên của "Toyama"
"Đặc sản" của Đài Đông là biển, vì vậy, sẽ không quá ngạc nhiên khi phần lớn hành trình du lịch của chúng tôi liên quan đến biển. Tuy nhiên, mỗi điểm đến lại là một khám phá mới, trải nghiệm thú vị và khác biệt. Nhưng có điểm chung là bài học về cách người Đài làm du lịch, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên.
Ở những điểm đến chúng tôi qua, biển không hề có rác. Ngay khi chúng tôi đứng trên cầu 8 nhịp ở Sanxiantai, nhìn xuống vẫn thấy đáy của biển với rong rêu xanh mướt qua làn nước trong vắt.
Đến Khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản Toyama thì lại càng thấy cách biển được “bảo tồn” một cách tuyệt đối hơn.
Trước khi đến đây, tôi đã tưởng tượng khu bảo tồn thủy sản có những bể to đầy đủ các loài thủy hải sản quý hiếm hay một vựa thuỷ sản trồng kiểu mẫu của ngư dân vùng biển này... Nhưng không, khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản Toyama - hoàn toàn khác với tưởng tượng của tôi, và có lẽ bất ngờ với rất nhiều du khách. Nó tự nhiên đơn sơ như nó vốn là, không xây dựng, không chỉnh trang, không can thiệp… đúng nghĩa là gìn giữ nguyên trạng, để thiên nhiên tự phục hồi.
Chỉ có duy nhất đoạn bờ bao ra biển, người ta lót lưới để hạn chế bước chân du khách có thể trơn trượt, làm xáo động cuộc sống của các loài sinh vật biển.
Sau khi được công bố là khu vực cấm đánh bắt cá vào năm 2005, khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản Toyama đã trở thành một thắng cảnh ven biển phong phú về mặt sinh thái trong vùng triều của bờ biển phía Đông. Cả trường cá và rạn san hô đều được bảo tồn gần như tuyệt đối.
Ở đây, qua làn nước biển trong suốt, chúng tôi nhìn rõ mồn một những đàn cá to nhỏ tung tăng bơi sát bờ, hay những con hải sâm thư thái dạo chơi dưới đáy, sau mép đá... Du khách chỉ được ngắm nhìn mà không được thả bất cứ thức ăn hay tác động hóa học, vật lý nào đến vùng biển này.
Hướng dẫn viên của đoàn chúng tôi cho biết, ở xứ Đài, công tác bảo tồn thiên nhiên ngày càng được coi trọng. Thậm chí, giờ nhiều người sinh ra trong gia đình ngư dân nhiều đời nhưng không biết đánh bắt cá (vì nhiều vùng biển không còn cho phép khai thác thuỷ hải sản). Hay ở những bãi biển được phép tắm biển thì người dân hay du khách không được dùng kem chống nắng khi xuống biến, hoặc chỉ cho phép sử dụng những sản phẩm chống nắng trong danh mục cho phép.
Có lẽ, sự thiết lập chương trình phát triển du lịch bền vững một cách nghiêm túc cùng ý thức của người dân Đài Loan nhiều năm qua đã tạo nên giá trị gia tăng bền vững cho du lịch, trong đó có du lịch biển, mà hiếm ở nơi nào du khách có được trải nghiệm độc đáo trong môi trường trong lành đến vậy.