Ai còn bà, ai còn mẹ là hồng phúc trên đời. Đó là Bụt ở trong nhà. Đừng đi chùa cầu khẩn, nếu chưa sống tốt với mẹ, bà với người thân.
Có lần bà đề nghị “cháu xem có chỗ nào mổ mắt cho bà” - Đó là lần đầu tiên tôi thấy bà đề nghị một việc phiền con cháu. Nhưng, bà lại nói “sáng mắt để xem tivi”. Hóa ra, xem tivi để hằng ngày dõi theo đứa cháu dại (em con cậu tôi), đi biền biệt nay đây mai đó. Cứ có hình ảnh tai nạn, bắt bớ, đám đông xúm lại trên tivi là bà xem cho bằng được. Xem có thằng cháu dại ở đó không. Tôi biết bà thắt ruột, thắt gan với nó.
Ngày ông ngoại ốm liệt giường, tôi về thăm, xuống phòng dưới nói chuyện với bà. Bà bóp chân tay, quạt cho ông, rồi cười hiền bảo: “Thăm ông thế được rồi, con lên nhà đi. Ở đây hôi hám…”.
Ngày các cậu xây mộ cho ông, bà lên nghĩa trang thăm ông. Sau đó tôi nhờ xe anh bạn đưa bà về nhà nghỉ ngơi. Lên ô tô, vừa ngồi vào ghế, bà nói ngay: “Có bẩn xe bạn cháu không?”. Bà đi dép, chân lấm đất, lên xe người ta sợ làm bẩn.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 14/08/2019
12:56, 24/08/2018
Hôm về làm rằm, ngồi nói chuyên với bà. Tôi hỏi kiểm tra trí nhớ bà: “Bà năm nay chính xác bao nhiêu rồi nhỉ?”. Bà bảo, gần chín chục rồi. Bà nắm tay tôi dặn dò, làm báo cẩn thận, uống rượu ít thôi, chọn người mà chơi... và viết lách là “lời nói đọi máu”.
Tôi hỏi đùa: “Bà có sợ chết không?”. Bà cười: “Chết không sợ bằng làm tội con cháu”. Đến chết mà bà cũng sợ làm phiền, sợ chết trong nhà con rồi làm các cháu sợ ma, sợ bẩn nhà...
Bà chưa nghĩ cho mình bao giờ. Bà thương con thương cháu nên với tôi bà khuyên cái gì cũng như rút ruột ra, rất thấm thía. Tôi nghe bà bằng cả trái tim!
Đúng là lòng mẹ, lòng bà, rộng lớn mênh mông hơn cả bể học. “Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa- Nguyễn Duy).
Ai còn bà, ai còn mẹ là hồng phúc trên đời. Đó là Bụt ở trong nhà. Đừng đi chùa cầu khẩn, nếu chưa sống tốt với mẹ, bà với người thân. Nhắc lại câu này: “Nếu trái tim không hướng đến thì mắt không nhìn thấy”. Mỗi khi mẹ, bà hướng trái tim về ta, thì hãy lắng nghe những lời khuyên, dù việc lớn hay bé, vì nó mang một hàm lượng yêu thương, trí tuệ đặc biệt mà không một ai trên cõi đời này dành cho ta, ngoài mẹ và bà.
Nên nhớ, những người yêu thương ta đến nỗi nhường cả mạng sống, thì điều đó đã là một siêu nặng lượng, một siêu trí tuệ. Sự bao dung tận cùng, yêu thương, hy sinh tận cùng là một siêu trí tuệ. Làm sao mà những người như thế cho ta lời khuyên sai được. Mấy chữ chúng ta học, không ăn thua gì đâu!
Bao năm xa quê. Mỗi lần về quê là mỗi lần mệt mỏi vì đường xa nửa ngàn cây số. Về thì còn bạn bè nữa, thời gian cho bà, cho mẹ cứ bị chia sẻ. Mỗi lần trên đường ra Hà Nội là mỗi lần day dứt!
Vu Lan về quê thắp hương cho cha. Nhìn bức ảnh chụp chung có cha, có mẹ, có ông bà ngoại và các cậu…, giờ đã khuyết bóng ông ngoại, bóng cha, mới thấy thời gian quá khắc nghiệt, lạnh lùng trôi không bao giờ trở lại, nhắc nhở những yêu thương phải ngay và luôn và không có nhiều cơ hội sửa sai. Ngồi trước cửa ngõ, nhìn ra cánh đồng lúa đang chín vàng, nhớ cái ngày chăn trâu, cắt cỏ, nhớ dáng cha gánh lúa, nhớ cả những nghèo khó, vui buồn ngày xưa. Tự nhiên mấy câu thơ này cứ văng vẳng: “Thưở nhỏ tôi không tin/Người thân yêu sẽ mất/Hôm đó tôi thẫn thờ/Và nghi ngờ trời đất”.
Tôi trải qua một thời gian dài không tin là đã mất cha. Nó cứ thảng thốt, hụt hẫng, trống rỗng như cây đại thụ đổ xuống để lại một khoảng trống, khoảng trời không khỏa lấp nổi. Tuổi nào mà mồ côi cũng đều chống chếnh, bơ vơ!
May cho cuộc đời tôi, có bà, có mẹ. Những khổ đau trong cuộc đời vẫn có chỗ trú chân!
Vu Lan nhắc chúng ta hãy sống hiếu thảo với đấng sinh thành.
Trân trọng từng phút giây bên người thân.
Ngày nào cũng là ngày báo hiếu!