Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Việt Nam khó có thể tránh được các vụ kiện phòng vệ thương mại, có chăng chỉ là hạn chế mà thôi.
Báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy: Trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, trong 7 tháng đầu năm nay, tần suất các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức độ cao (trung bình 1 vụ/1 tháng).
- Ông đánh giá như thế nào về con số này, điều này sẽ tác động như thế nào đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam?
Hiện tại, Việt Nam tham gia vào 13 FTA thế hệ mới. Việc tham gia vào các FTA này khiến Việt Nam có nhiều lợi ích trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư... Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có phòng vệ thương mại.
Khi các chính sách bảo hộ hàng hóa trong nước của các quốc gia xuất khẩu gia tăng sẽ dẫn tới các yêu cầu khắt khe hơn với hàng hóa xuất khẩu của ta, đặc biệt là về quy tắc xuất xứ, trong đó có việc một số nước mở rộng biến thể của yêu cầu “từ sợi trở đi” hoặc “từ vải trở đi” đối với dệt may sang các sản phẩm khác như sắt thép, nhôm... Nếu không đáp ứng được các yêu cầu này thì hàng hóa của ta rất dễ bị kết luận là đang “lẩn tránh” thuế, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Để hạn chế các vụ kiện phòng vệ thương mại, cơ quan quản lý nhà nước nên siết chặt nguồn gốc nhập khẩu của hàng hóa để tránh tình trạng hàng Việt chân chính bị ảnh hưởng.
Các vụ việc Hoa Kỳ đang điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với thép chống ăn mòn, thép cán nguội của Việt Nam (nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc, Đài Loan) hay xem xét đơn kiện Công ty Minh Phú gian lận thuế với sản phẩm tôm (trước đó đã bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá từ 2005 và kiện trợ cấp năm 2013) là minh chứng rõ nét cho xu thế này.
Các vụ kiện phòng vệ thương mại (dù có kết luận hay chưa) thì cũng tạo ra tác động rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu, khiến doanh nghiệp lo lắng không biết sản phẩm của mình có nằm trong diện áp thuế không, khi bị áp thuế rồi thì doanh nghiệp lại lo lắng về việc tìm kiếm thị trường thay thế, tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế…
Trong khi đó, thông tin về hàng hóa của Việt Nam đến thị trường nước ngoài hạn chế; năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước yếu; công tác cập nhật, đánh giá, phân tích thị trường chưa đáp ứng yêu cầu; hiện tượng hàng hóa của nước khác di chuyển sang Việt Nam để gian lận xuất xứ, tận dụng ưu đãi thuế... khó kiểm soát.
- Hiện tại, nhiều chuyên gia lo ngại về tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc đội lốt hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu. Do đó, hàng Việt vô tình dính phải các vụ kiện. Chúng ta nên ứng xử với thực trạng này như thế nào, thưa ông?
Tôi không thể xác định có hay không có những hiện tượng này bởi để xác định cần bằng chứng xác thực. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi các vấn đề liên quan đến phòng vệ thương mại cũng như quá trình tư vấn cho doanh nghiệp, tôi thấy có một thực tế đáng lưu ý đó là hầu như tất cả các vụ việc này đều liên quan tới biện pháp chống bán phá giá mà các nước áp dụng cho hàng hóa Trung Quốc. Chúng ta biết rằng, Trung Quốc là khu vực chịu nhiều biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới, một số doanh nghiệp Trung Quốc có thể lựa chọn đi vòng qua các nước khác để lẩn tránh các biện pháp này.
Do đó, doanh nghiệp Việt cần phải thận trọng, đừng vì lợi ích cá nhân trước mắt mà tiếp tay cho quá trình này dẫn đến các nguy cơ bị kiện chống lẩn tránh thuế mà tất cả các doanh nghiệp Việt sản xuất, xuất khẩu hàng hóa liên quan ở thị trường đó sẽ bị ảnh hưởng.
Về phía nhà nước, để hạn chế, cơ quan quản lý nhà nước nên siết chặt nguồn gốc nhập khẩu của hàng hóa để tránh tình trạng hàng Việt chân chính bị ảnh hưởng
- Vậy, theo ông Việt Nam phải làm gì để hạn chế các vụ kiện phòng vệ thương mại?
Trong bối cảnh xu hướng, chính sách liên quan bảo hộ, các tư tưởng chủ nghĩa cực đoan… còn kéo dài thì việc tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại là điều tương đối khó, gần như chúng ta không thể tránh được các vụ kiện phòng vệ thương mại, có chăng chỉ là hạn chế mà thôi.
Về phía nhà nước, trong thế giới đầy biến động hiện nay, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng cần phải rất khôn khéo và phải đặt vấn đề nhìn nhận rủi ro và đánh giá quản trị rủi ro cả ở mức hoạch định chính sách. Từ đó, định hướng cho doanh nghiệp
Cùng với sự nỗ lực của cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt cần chủ động hợp tác với cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin liên quan đến công tác kháng kiện và khởi kiện. Đồng thời, chủ động cập nhật thông tin, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tiếp cận với Tham tán thương mại nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc một số thị trường nhất định.
- Đó là ở phía nhà nước và doanh nghiệp, còn Hiệp hội nên làm gì để bảo vệ doanh nghiệp của mình? Thưa ông?
Từ thực tiễn điều tra chống bán phá giá của Việt Nam trong thời gian qua, có thể thấy một tín hiệu đáng khích lệ là sự chủ động của những doanh nghiệp ngành luyện kim (thép, nhôm…) khi họ yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh trước đây và Cục Phòng vệ Thương mại hiện nay điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép, nhôm… nước ngoài bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam. Ngoài ra, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kính nổi, dầu ăn, gỗ… cũng đã vận dụng các công cụ phòng vệ thương mại mà pháp luật Việt Nam quy định để bảo vệ mình.
Tín hiệu tích cực này cần tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực, ngành nghề khác như dệt may.... Để làm được điều này, vai trò của các hiệp hội là không thể thiếu, ở cả góc độ tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và góc độ chủ động, khuyến khích, ủng hộ, trợ giúp về tài chính, nhân lực… khi chính hiệp hội hoặc các doanh nghiệp trong hiệp hội quyết định sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm