Mặc dù được trợ giá, nhưng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội chưa đạt hiệu quả.
Thậm chí, đã có doanh nghiệp tham gia xã hội hóa từ nhiều năm vẫn phải dừng hoạt động do thua lỗ.
>>Đổi mới trợ giá xe buýt để xóa bỏ cơ chế xin - cho
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, cần đổi mới cơ chế trợ giá xe buýt, tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh nhằm cung ứng dịch vụ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
- Thưa ông, dù đã có nhiều cố gắng nhưng đến nay hệ thống xe buýt tại Hà Nội và TP HCM vẫn rất khó thu hút hành khách, kể cả các đối tượng ưu tiên, miễn phí?
Hoạt động xe buýt công cộng ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM có một số tồn tại nhiều năm nay và chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Đặc biệt, trong 2 năm qua, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giá xăng dầu tăng cao, các doanh nghiệp vận tải xe buýt phải đối mặt với không ít khó khăn. Lượng hành khách đi xe buýt giảm khiến trợ giá cho các doanh nghiệp bị giảm theo. Nhiều công ty xe buýt phản ánh liên tục chịu lỗ. Nhiều doanh nghiệp bỏ bến, bỏ chuyến để tiết giảm chi phí. Chất lượng dịch vụ xe buýt ngày càng giảm khiến việc thu hút khách càng khó khăn hơn. Điều này như vòng luẩn quẩn.
>>Quy hoạch “đẩy” vận tải xe buýt vào “ngõ cụt”?
>>Vực dậy vận tải xe buýt
>>Tương lai nào cho xe buýt?
- Môi trường hoạt động của xe buýt đã thay đổi trong khi cơ chế trợ giá vẫn giữ nguyên, liệu như vậy có còn phù hợp không, thưa ông?
Đối với xe buýt công cộng tại các đô thị lớn dứt khoát phải có trợ giá của nhà nước, nếu không hoạt động vận tải công cộng sẽ tê liệt. Song, không thể trợ giá theo cơ chế xin cho mà phải đổi mới cơ chế trợ giá theo hướng công khai, minh bạch thông qua đấu thầu để lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ tốt, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Đấu thầu phải rõ ràng thời gian (bao nhiêu năm), tiêu chuẩn và chất lượng phương tiện, hành trình chạy… đi kèm với hậu kiểm chặt chẽ. Đặc biệt, cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới dịch vụ và phương tiện để có doanh thu cao thay vì cơ chế khoán cào bằng như hiện nay. Đây mới là điều quan trọng nhất bởi cung chất lượng tốt thì khắc nhu cầu tăng.
- Phải chăng hành khách ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ hơn là giá vé rẻ như hiện nay, thưa ông?
Đời sống của người dân ngày càng nâng cao, có nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải chất lượng cao, trong đó có xe buýt. Tại một số tỉnh, bên cạnh hệ thống xe buýt với giá vé rẻ như thường lệ, đã có các đơn vị vận tải tiên phong mở tuyến buýt chất lượng cao, đảm bảo các yếu tố: tiện lợi, đúng giờ, an toàn, văn minh và được người dân ủng hộ.
Sự lựa chọn của người dân chính là một trong những cách để sàng lọc những doanh nghiệp làm ăn không đứng đắn. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần tạo ra một cơ chế cạnh tranh công bằng và bình đẳng.
- Cùng với sự thay đổi của cơ chế tạo điều kiện cho xe buýt sẽ “sống khỏe”, các đô thị cần có giải pháp nào để hỗ trợ hoạt động này, thưa ông?
Để xe buýt là sự lựa chọn tự nguyện của người dân như tại các nước phát triển, bắt buộc phải có biện pháp hạn chế các phương tiện cá nhân song song với việc phát triển hệ thống giao thông công cộng theo hướng tiện lợi, văn minh, an toàn, đúng giờ. Tuy nhiên, tại các đô thị lớn, phát triển xe buýt đang đi vào... “ngõ cụt” do hạ tầng kém và chưa đồng bộ. Quan trọng nhất là công tác quy hoạch đô thị phải được thực hiện khoa học và nghiêm túc. Đơn cử như tổ chức đưa xe buýt nhỏ vào hoạt động để có thể tiếp cận hành khách ở các ngõ ngách...
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
04:00, 04/08/2022
03:00, 03/08/2022
04:00, 02/08/2022
05:00, 01/08/2022
00:00, 29/07/2022