HĐND Hải Phòng vừa thông qua Nghị quyết huỷ bỏ quy hoạch phát triển mạng lưới xe buýt trên địa bàn thành phố.
Nghị quyết 64/NQQ-HĐND về việc chấm dứt hiệu lực Nghị quyết số 29/NQQ-HĐND ngày 08/12/2017 về điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố năm 2025, định hướng đến năm 2030, được đưa ra tại kỳ họp thứ 19, HĐND TP Hải Phòng khoá XVI.
UBND TP Hải Phòng cho biết, việc chấm này không ảnh hưởng đến hoạt động của mạng lưới xe buýt trên địa bàn, hoạt động xe buýt thực hiện theo quy định pháp luật, việc phát triển hạ tầng xe buýt thực hiện trên cơ sở quy hoạch thành phố, quy hoạch chi tiết của các quận huyện và theo nhu cầu thực tế.
Quy hoạch hoành tráng
Theo Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 8/12/2017 của HĐND TP Hải Phòng về điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới xe buýt, trong giai đoạn 2017 - 2020 duy trì 14 tuyến xe buýt hiện có, phát triển một số tuyến xe buýt kết nối đến các khu công nghiệp, khu đô thị mới, trung tâm các quận huyện. Tiếp đó, phát triển thành 22 tuyến xe buýt, trong đó có 1 tuyến liền kề nối với tỉnh Quảng Ninh và 21 tuyến nội tỉnh (trong đó có 1 tuyến vòng tròn nội đô).
Đến năm 2020, nhu cầu phương tiện là 258 xe (trong đó có 73 xe loại 40 chỗ, 101 xe loại 50 chỗ, 84 xe loại 55 chỗ), nhu cầu quỹ đất là 3,27ha, vốn đầu tư hơn 299 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phương tiện là 294,9 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, vốn đầu tư các điểm dừng nhà chờ 4,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách). Khối lượng vận chuyển đạt hơn 31 đến hơn 44 triệu lượt khách/năm, đáp ứng 5-7% nhu cầu đi lại của người dân.
Giai đoạn 2021 - 2025, TP Hải Phòng quy hoạch 31 tuyến xe buýt, trong đó có 3 tuyến liền kề nối với tỉnh Quảng Ninh (1 tuyến) và Hải Dương (2 tuyến), 28 tuyến nội tỉnh, trong đó có 2 tuyến vòng tròn nội đô, 2 tuyến nội bộ khu công nghiệp VSIP nhằm tăng cường kết nối mạng lưới tuyến, tăng tần suất phục vụ trên một số tuyến chính, phát triển mở rộng mạng lưới.
Mục tiêu đến năm 2025, nhu cầu phương tiện là 346 xe (trong đó 107 xe loại 40 chỗ, 155 xe loại 50 chỗ, 84 xe loại 55 chỗ), nhu cầu quỹ đất là 5,16ha, nhu cầu vốn đầu tư 98,6 tỷ đồng (vốn đầu tư cho phương tiện 94,3 tỷ đồng từ nguồn xã hội hoá, vốn đầu tư cho các điểm dừng nhà chờ 4,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách). Khối lượng vận chuyển đạt hơn 54 đến hơn 70 triệu lượt khách/năm, đáp ứng 7-10% nhu cầu đi lại của người dân.
Cũng theo Nghị quyết số 29/NQ-HĐND, giai đoạn 2026 - 2030, Hải Phòng phát triển mở rộng mạng lưới tuyến phủ khắp địa bàn thành phố và sang các tỉnh lân cận. Trong đó, quy hoạch 38 tuyến xe buýt, với 6 tuyến xe buýt liền kề nối với các tỉnh Quảng Ninh (2 tuyến), Hải Dương (3 tuyến), Thái Bình (1 tuyến) và 32 tuyến buýt nội tỉnh, trong đó có 2 tuyến vòng tròn nội đô, 2 tuyến nội bộ khu công nghiệp VSIP.
Mục tiêu đến năm 2030, nhu cầu phương tiện là 443 xe (trong đó có 135 xe loại 40 chỗ, 224 xe loại 50 chỗ, 84 xe loại 55 chỗ), nhu cầu quỹ đất là 5,16ha, nhu cầu vốn đầu tư là 111,3 tỷ đồng (vốn đầu tư cho phương tiện 105,1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hoá, vốn đầu tư cho các điểm dừng nhà chờ 6,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách), khối lượng vận chuyển đạt hơn 78 triệu đến hơn 117 triệu lượt khách/năm, đáp ứng 10-15% nhu cầu đi lại của người dân.
Ngoài ra, quy hoạch phát triển mạng lưới xe buýt còn định hướng chuyển một số tuyến xe buýt đang khai thác thành các tuyến xe buýt nhanh (BRT) nếu đủ điều kiện. Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2020 quy hoạch 1 tuyến, giai đoạn 2021 - 2025 quy hoạch 1 tuyến, giai đoạn 2026 - 2030 quy hoạch 2 tuyến.
Thực tế đáp ứng dưới 1% nhu cầu
Tuy nhiên, tại kỳ họp, theo đánh giá của UBND Hải Phòng, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-HĐND, nhiều nội dung nhiệm vụ chưa hoàn thành so với mục tiêu, số lượng tuyến xe buýt hoạt động ít, một số tuyến sau "chết yểu", ngân sách hỗ trợ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển tuyến mới, sản lượng vận chuyển hành khách rất thấp. Các phương tiện xe buýt xuống cấp do không được thay thế, hiệu quả khai thác chất lượng phục vụ không cao, chưa có phương tiện sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2018 - 2023 tổng sản lượng hành khách vận chuyển bằng xe buýt chỉ đạt 12 triệu lượt, riêng năm 2023 đạt 2,4 triệu lượt khách, đáp ứng dưới 1% nhu cầu đi lại của người dân, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đến năm 2025 vận chuyển được hơn 54 triệu đến hơn 70 triệu lượt khách trên năm (7-10% nhu cầu đi lại của người dân).
Về phát triển mạng lưới xe buýt, đến nay Hải Phòng chỉ có 10/31 tuyến xe buýt đang hoạt động (đạt 32%), xe buýt nhanh BRT cả 2 tuyến được quy hoạch trong giai đoạn 2017 - 2025 đều chưa có. Toàn thành phố chỉ có 90 phương tiện xe buýt hoạt động, bằng 26% nhu cầu phương tiện đến năm 2025 (346 phương tiện) do số lượng tuyến hoạt động chỉ đạt 32% so với quy hoạch.
Dù nhu cầu quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng xe buýt (bãi đỗ, điểm trung chuyển, điểm đầu cuối) rất lớn nhưng việc phát triển quỹ đất cho mạng lưới xe buýt còn rất hạn chế. Các đơn vị xe buýt chủ yếu đỗ phương tiện tại các bến xe khách (Vĩnh Niệm, Thượng Lý, Vĩnh Bảo, An Lão), tại một số bãi đỗ xe của các doanh nghiệp tư nhân hoặc phải sử dụng tạm lòng đường để dừng đỗ, tập kết phương tiện. Một số bãi đỗ tại Bến xe khách phía Tây 2, Bến xe khách phía Bắc, Bến xe khách phía Đông, Bến xe khách Minh Đức chỉ mới có quy hoạch.
Giai đoạn 2018 - 2023, số vốn đầu tư mua sắm phương tiện xe buýt khoảng 80 tỷ đồng, chủ yếu do các đơn vị xe buýt vay ngân hàng, ngân sách thành phố hỗ trợ 50% lãi suất thời gian 5 năm. Sở Giao thông vận tải Hải Phòng thực hiện duy tu sửa chữa bổ sung hệ thống hạ tầng phục vụ xe buýt với tổng kinh phí chỉ khoảng 5,5 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp.
Cũng theo UBND TP Hải Phòng, nhiều khu công nghiệp, khu đô thị, cơ sở lưu trú, bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại… mới đi vào hoạt động làm phát sinh đột biến nhu cầu đi lại tại một số khu vực nên cần điều chỉnh quy hoạch để mở mới một số tuyến xe buýt nằm ngoài các tuyến cũ. Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch, quy hoạch phát triển mạng lưới xe buýt không thuộc các trường hợp tiếp tục thực hiện, tiếp tục thực hiện đến hết thời kỳ quy hoạch, điều chỉnh theo quy hoạch cấp cao hơn hoặc tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Do đó, không có cơ sở để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để phù hợp với điều kiện thực tế.