Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách, nợ công và giảm thu ngân sách, vấn đề đặt ra là Chính phủ lấy tiền từ đâu để thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Vậy vấn đề đặt ra là Chính phủ lấy tiền từ đâu để thực hiện các chính sách hỗ trợ này trong bối cảnh thâm hụt ngân sách, nợ công và sụt giảm thu ngân sách? Thậm chí có những hoài nghi Chính phủ sẽ phải vay tiền trong nước và nước ngoài. Có những quan điểm chúng ta phải tiền tệ hoá các khoản hỗ trợ? Vậy liệu thực tế có như vậy?
Theo Giảng viên Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, với nhiều gói hỗ trợ đã được Chính phủ Việt Nam đưa ra, vấn đề được quan tâm nhiều hơn cả là nguồn tiền ở đâu trong bối cảnh thâm hụt ngân sách thời gian dài. Tính riêng năm 2020, ngay trong trường hợp không có dịch COVID-19 thì dự tính thâm hụt ngân sách đã ở mức 3,5% GDP.
Cụ thể, gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng là gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ và được quan tâm nhất hiện nay. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp khoảng 36.000 tỷ đồng và hỗ trợ gián tiếp khoảng 26.000 tỷ đồng.
Trong 36.000 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp thì nguồn ngân sách trung ương là 20.000-22.000 tỷ đồng, còn địa phương khoảng 13.000-14.000 tỷ đồng.
Với ngân sách trung ương, Chính phủ có thể sẽ dùng nguồn tăng thu ngân sách so với dự toán. “Thực tế năm nào chúng ta cũng vượt thu so với dự toán nên Chính dự tính dùng nguồn này. Cùng với đó là nguồn từ các quỹ tài chính nhà nước, quỹ dự phòng...đây là lúc các quỹ dự phòng được sử dụng”, chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.
Bên cạnh nguồn vốn từ Chính phủ, nguồn vốn các địa phương sẽ được lấy từ nguồn dư ngân sách của năm trước, cùng quỹ dự phòng ngân sách và nguồn cải cách tiền lương còn dư qua các năm. Đây là nguồn có thể dùng hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và nguồn dân.
Đó là nguồn hỗ trợ trực tiếp, còn nguồn hỗ trợ gián tiếp khoảng 26.000 tỷ đồng, chuyên gia đánh giá sẽ lấy từ các ngân hàng. NHNN sẽ tái cấp vốn, cho phép các ngân hàng xã hội vay, sau đó các ngân hàng xã hội cho đối tượng vay lại.
“Tuỳ theo độ tự chủ ngân sách của các địa phương thì ngân sách TƯ sẽ hỗ trợ mức khác nhau. Với các địa phương đảm bảo cân đối ngân sách 50% sẽ không được Chính phủ hỗ trợ. Ngân sách TƯ sẽ hỗ trợ mức thực chi 50-70% với các tỉnh chưa đảm bảo được tự chủ ngân sách như khu vực Tây nguyên”, Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết.
Đi vào chi tiết các nguồn hỗ trợ từ trung ương cấp cho các địa phương, chuyên gia Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết, năm 2019, tăng thu ngân sách là 32.212 tỷ đồng, giảm chi 16.900 tỷ đồng, như vậy có hơn 49.000 tỷ đồng tăng thu và giảm chi của năm 2019. Đây là nguồn để hỗ trợ người dân.
Nguồn còn lại sẽ được lấy từ ngân sách tại các quỹ hỗ trợ tài chính và cải cách tiền lương như quỹ dự trữ tài chính mức 100 tỷ/năm, dự phòng NSNN năm 2020 là 37.400 tỷ. Tiết kiệm từ chi thường xuyên giam chi phí hội nghị hội thảo, lễ hội...mức 10% chi thường xuyên hàng năm. Một nguồn nữa là thặng dư sau khi cân đối NSNN quý I/2020 là 47.900 tỷ đồng.
“Đây là nguồn để thực hiện các chính sách hỗ trợ trong bối cảnh thâm hụt ngân sách chưa tác động mạnh trong quý I/2020”, chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó chúng ta có nguồn từ bán tài sản nhà nước ví dụ cổ phần hoá, thoái vốn SOEs. Hay nguồn thu từ tín dụng chỉ định.
“Nếu những cân đối trên đây không có khả năng thì Chính phủ sẽ vay nợ thông qua phát hành trái phiếu. Mức thâm hụt ngân sách 220.000 tỷ đồng dự toán năm 2020, nếu cân đối không đảm bảo Chính phủ có thể đề xuất nâng mức này lên”, ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên thực tế, việc phát hành trái phiếu của Chính phủ trong quý I/2020 đang chậm hơn so với kế hoạch. “Phát hành trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 55%, hạn mức của chúng ta còn nhiều nên nhiều khả năng chưa nâng mức phát hành trái phiếu Chính phủ”, chuyên gia nhận định.
Cùng với trái phiếu, Chính phủ có thể sử dụng nguồn vốn khác là SDR từ quỹ tiền tệ quốc tế, hay vốn vay ODA. Một số chính phủ hiện cũng đã hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong ứng phó với đại dịch qua các lĩnh vực y tế.
Đặc biệt, Điều 28 luật ngân sách NN và điều 26 luật NHNN có quy định Chính phủ được tạm ứng NHNN, nhưng phải hoàn trả lại trong năm tài khoá trừ khi có ý kiến khác của UBTV Quốc Hội.
Hiện NHNN và các ngân hàng thương mại còn thực hiện dự trữ dư, dự trữ thanh khoản. Nguồn này được cân đối cho vay ra xã hội. Hiện nay tiền gửi dự trữ tại các ngân hàng mức 300.000 tỷ đồng. Cùng với đó chúng ta có nguồn dự trữ ngoại hối khoảng 84 tỷ USD, tương đương 3 tháng nhập khẩu.
“Giả sử NHNN nếu cho Chính phủ vay thì có thể phải bán ngoại tệ dự trữ điều này sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái. Hiện không có quy định rõ rằng Chính phủ vay tạm ứng là VND hay ngoại tệ. Nhưng khi sử dụng ra nền kinh tế Chính phủ vẫn phải sử dụng tiền VND nên vẫn ảnh hưởng tự do hối đoái và thách thức rủi ro thanh khoản VND của các ngân hàng”, ông Tuấn phân tích.
Bên cạnh phương án tạm ứng, cũng có giải pháp về in tiền. Được biết, từ năm 1992 chúng ta không tiền tệ hoá trực tiếp như vậy, nhưng vẫn có chính sách NHNN tạm ứng tiền cho Chính phủ. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng tới lạm phát, đe doạ ổn định kinh tế vĩ mô.
“Từ đây có thể thế khả năng in tiền hầu như không có khi NHNN có khả năng sử dụng các nguồn cân đối. Đây là lựa chọn khó khăn và tôi nghĩ chính phủ không mạo hiểm khi còn nhiều khả năng cân đối và giảm thiểu rủi ro bất ổn kinh tế”, ông Tuấn nói.
Như vậy, thách thức của các dòng tiền là lớn nhưng Chính phủ không phải không có khả năng cân đối. Thực tế chứng minh, những năm qua nhờ cân đối ngân sách tốt, giảm bội chi và tăng trưởng kinh tế cao đã giúp nâng hạng tài khoá, đồng thời tăng nguồn tích luỹ trong thời kỳ thuận lợi. Những điều này sẽ giúp Chính phủ tạo chính sách “nghịch chu kỳ” tức là các chính sách sử dụng trong thời điểm khó khăn.
“Chúng ta thực hiện “nghịch chu kỳ”, chấp nhận vực dậy nền kinh tế, duy trì nhịp đập tăng trưởng thì những thách thức về nợ công chúng ta sẽ giải quyết được. Trước đây, cũng đã có thời kỳ chúng ta nợ công chiếm đến 64,9% GDP nhưng chúng ta đã vượt qua. Chúng ta phải chấp nhận mức bội chi để thực hiện chính sách “nghịch chu kỳ””, chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho biết thêm, hiện có nhiều ý kiến băn khoăn hiện nay chính phủ nên hỗ trợ hay kích thích kinh tế? Vị chuyên gia cho rằng không phải thời điểm đánh giá câu từ. Thực tế hỗ trợ cũng hàm ý chính là thúc đẩy nền kinh tế, xem đó là chính sách kích thích.
Dự báo năm 2020, các gói hỗ trợ của Việt Nam cho doanh nghiệp và người dân sau đại dịch COVID-19 sấp sỉ 8,5% GDP, theo ông Tuấn, việc kéo dài các gói hỗ trợ này dựa vào tác động của các gói này khi đi vào nền kinh tế.
Sau khi phân tích các đối tượng, quy mô tính chất gói hỗ trợ của Việt Nam, chuyên gia cho rằng các gói khá tích cực và bao trùm, trong đó có những chính sách đã, đang triển khai và có những chính sách đang trình và xây dựng.
“Như vậy, các gói chính sách của chúng ta chưa dừng lại, cũng chưa có các đánh giá các gói này vì vậy chưa thể nói khả năng kéo dài của các gói. Chính phủ có thể kéo dài các gói nếu nó phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, khi các gói không phát huy tác dụng có thể bỏ một vài gói không hiệu quả", chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
15:50, 29/05/2020
18:15, 28/05/2020
06:00, 27/05/2020
17:46, 26/05/2020
06:01, 26/05/2020
17:25, 23/05/2020