"Đòn bẩy" hợp tác kinh doanh Việt Nam - Nhật Bản

CẨM ANH 03/09/2022 04:30

Mặc dù trải qua một thời gian dài gián đoạn do COVID-19, nhưng hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản vẫn không ngừng được củng cố.

>>Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản

Ông Nakajima Takeo

Ông Nakajima Takeo

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm mạnh mẽ tới các sản phẩm của Nhật Bản, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm chức năng, bánh kẹo, gia vị và thực phẩm ăn liền, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản JETRO Hà Nội đã tổ chức trưng bày hàng mẫu, đồng thời mời các doanh nghiệp Việt Nam tới tham quan để trải nghiệm thực tế về sản phẩm và tiến hành các cuộc đàm phán kinh doanh trực tuyến nhằm thúc đẩy hơn nữa việc hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.

Nhân dịp này, Tạp chí Diễn Đàn Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn với ông Nakajima Takeo -Trưởng đại diện JETRO Hanoi về vấn đề này.

- Ông đánh giá như thế nào về quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp Nhật Bản với Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống?

Quan hệ hợp tác kinh doanh với Việt Nam, bao gồm cả lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, là một trong những mối quan hệ đạt bước tiến nhanh chóng và thịnh vượng nhất của Nhật Bản. Theo khảo sát của JETRO năm ngoái, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 4 sang Nhật Bản.

Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu của khu vực và toàn cầu. Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 của Nhật Bản nói chung và lớn thứ 5 đối với các sản phẩm nông nghiệp và thủy hải sản nói riêng (mặc dù các sản phẩm công nghiệp là mặt hàng xuất khẩu phổ biến nhất của Việt Nam).

Trong khi đó, Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 3 đối với Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Với mặt hàng thực phẩm và đồ uống, ở cấp độ HS4, thủy sản đứng thứ 19, sữa bột và ngũ cốc đứng thứ 24, hàng tạp hóa đứng thứ 25 và đồ uống đứng thứ 39 trong số các mặt hàng xuất khẩu từ Nhật Bản sang Việt Nam. Cụ thể, một số mặt hàng nổi bật như cá thu (56 triệu USD), cá ngừ (18 triệu USD), cá hồi (14 triệu USD), sữa công thức dành cho trẻ em (85 triệu USD), thực phẩm chế biến (71 triệu USD)... Rất nhiều doanh nghiệp nổi tiếng của Nhật Bản trong lĩnh vực này như Acecook, Nissin Foods, Ajinomoto, Suntory Pepsico, Taisho-HD, Kirin và Yakult… đều đã có mặt tại Việt Nam.

Tôi cho rằng, Việt Nam đang giữ một vị trí quan trọng về thị trường, cơ sở sản xuất và điểm đến xuất khẩu của doanh nghiệp Nhật Bản.

- Mặc dù chuỗi cung ứng của Nhật Bản đã bị gián đoạn vì sự bùng phát của đại dịch COVID-19, nhưng trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản dự định hoặc đã di chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng này? Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để thu hút các doanh nghiệp đó?

Vào cuối năm 2021, JETRO đã khảo sát hơn 1.700 công ty Nhật Bản và nhận thấy rằng Việt Nam giữ vị trí thứ hai trong số các quốc gia mà doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng hoạt động sau Hoa Kỳ. Điều ấn tượng là Việt Nam vẫn là nền kinh tế lớn thứ 30-40 thế giới, và đang dần có một vị thế quan trọng như vậy.

Về chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN, trong đó có Việt Nam, xu hướng này phản ánh một số yếu tố: Đầu tiên là chi phí ở Trung Quốc đang có sự gia tăng. Cuộc khảo sát của JETRO cho thấy chi phí chi trả cho công nhân bình thường trong lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc là  hơn 12.000 USD mỗi năm, bao gồm cả lương thưởng, cao hơn gấp ba lần so với của Việt Nam.

Thứ hai là căng thẳng chính trị và xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mức thuế cao đã làm xói mòn khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Trung Quốc.

Thứ ba là sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong vài năm qua thúc đẩy mạng lưới toàn cầu của các doanh nghiệp đa dạng hóa theo khu vực. Bởi vì việc phụ thuộc vào một nguồn, một quốc gia và một thị trường có thể gây ra những rủi ro cao hơn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản nhận thấy rằng họ đã có thể sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao tại Việt Nam và các nước lân cận.

Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, Chính phủ và các cấp chính quyền trung ương và địa phương nên thực hiện các biện pháp tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam cũng như giảm bớt rủi ro, trở ngại mà các công ty FDI phải đối mặt. Hiện nay, các công ty Nhật Bản vẫn đang phải đối mặt với một số rào cản như nguồn năng lượng và điện năng không ổn định; các điều luật vẫn còn chồng chéo; tỷ lệ chi tiêu trong nước còn thấp và nguồn cung ứng phụ tùng vật liệu ở Việt Nam còn hạn chế.

>>Đồng Yen chạm đáy: Các doanh nghiệp Nhật Bản gặp khó

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) văn phòng Hà Nội trưng bày hàng mẫu sản phẩm nông thủy sản và thực phẩm Nhật Bản.

JETRO Hà Nội trưng bày hàng mẫu sản phẩm nông thủy sản và thực phẩm Nhật Bản.

- Xin ông cho biết, thời gian tới JETRO sẽ triển khai những hoạt động gì để thúc đẩy giao lưu giữa công đồng doanh nghiệp hai bên, cũng như đưa hàng hóa Nhật Bản tiếp cận nhiều hơn với thị trường Việt Nam trong tương lai?

Trong thời gian tới, JETRO tại Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh doanh giữa hai quốc gia.

Đầu tiên, chúng tôi hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Nhật Bản để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở Việt Nam; cũng như xúc tiến các hoạt động hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nhà sản xuất Nhật Bản và các nhà cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực khác nhau.

Thực phẩm chỉ là một trong số các trụ cột trong vấn đề hợp tác. Từ cuối tháng 8 đến tháng 10 năm nay, JETRO sẽ tổ chức giới thiệu các sản phẩm thực phẩm Nhật Bản và kết hợp kinh doanh tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hơn 220 sản phẩm thực phẩm và đồ uống mới sẽ được trưng bày.

Thứ hai, chúng tôi cũng tổ chức các sự kiện kết hợp kinh doanh tương tự trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sản phẩm đồ gia dụng, thiết bị môi trường, nội dung kỹ thuật số....

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiến hành xúc tiến FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam và từ Việt Nam sang Nhật Bản. JETRO đang có kế hoạch phối hợp với các Bộ ngành trung ương của Việt Nam, bao gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao để tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư, khảo sát thị trường và đối thoại với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác với nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đặt văn phòng đại diện, chi nhánh tại Nhật Bản. Đặc biệt, các công ty liên quan đến công nghệ thông tin đã trở thành những “người chơi” quan trọng ở Nhật Bản. Riêng năm 2021, Aht TechH, Techvify và Bunbu đã bắt đầu cung cấp dịch vụ tại các thành phố lớn.

Thứ ba là trong lĩnh vực chuyển đổi số. Chúng tôi sẽ giới thiệu các công ty khởi nghiệp tiềm năng của Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật Bản. Mỗi bên có một công nghệ, ý tưởng và thị trường, tìm kiếm sự hợp tác để tăng sức mạnh của họ. Trường hợp gần đây mà JETRO hỗ trợ là dự án hợp tác của một công ty giáo dục Nhật Bản, Gakken và một công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam, KiddiHub.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Long An thúc đẩy hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Nhật Bản

    Long An thúc đẩy hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Nhật Bản

    17:28, 23/08/2022

  • Tỉnh Bến Tre và tỉnh Ehime (Nhật Bản) hợp tác phát triển kinh tế

    Tỉnh Bến Tre và tỉnh Ehime (Nhật Bản) hợp tác phát triển kinh tế

    08:52, 04/08/2022

  • Tỉnh Hòa Bình thúc đẩy hợp tác thương mại với doanh nghiệp Nhật Bản

    Tỉnh Hòa Bình thúc đẩy hợp tác thương mại với doanh nghiệp Nhật Bản

    15:41, 26/07/2022

  • Đồng Yen chạm đáy: Các doanh nghiệp Nhật Bản gặp khó

    Đồng Yen chạm đáy: Các doanh nghiệp Nhật Bản gặp khó

    04:00, 18/07/2022

  • Hải Dương sẵn sàng mặt bằng sạch để đón nhà đầu tư Nhật Bản

    Hải Dương sẵn sàng mặt bằng sạch để đón nhà đầu tư Nhật Bản

    01:38, 15/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Đòn bẩy" hợp tác kinh doanh Việt Nam - Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO